Hiểm họa rác thải điện tử

Rác thải điện, điện tử tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe con người nhưng mặt hàng độc hại thuộc diện cấm nhập này vẫn lén lút nhập lậu vào TPHCM theo nhiều đường khác nhau. Thống kê của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho biết, khối lượng thiết bị điện, điện tử thải ra mỗi năm trên địa bàn TPHCM hơn 6.000 tấn; ước tính năm 2020 gần 11.000 tấn. Thế nhưng, TP gần như không có hệ thống thu gom, thu hồi, xử lý triệt để…
Hiểm họa rác thải điện tử

Rác thải điện, điện tử tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe con người nhưng mặt hàng độc hại thuộc diện cấm nhập này vẫn lén lút nhập lậu vào TPHCM theo nhiều đường khác nhau. Thống kê của Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho biết, khối lượng thiết bị điện, điện tử thải ra mỗi năm trên địa bàn TPHCM hơn 6.000 tấn; ước tính năm 2020 gần 11.000 tấn. Thế nhưng, TP gần như không có hệ thống thu gom, thu hồi, xử lý triệt để…

        Nhập lậu bằng container

Dòng chất thải điện, điện tử trên địa bàn TPHCM ngày càng gia tăng nhưng hiện nay chỉ có khoảng 98 tấn chất thải điện, điện tử ở TPHCM được tái chế và chỉ khoảng 7 tấn được tiêu hủy mỗi năm. Như vậy, lượng rác thải điện tử được tiêu hủy, tái chế hàng năm chỉ chiếm khoảng 1/57 so với lượng rác thải.

Tang vật một vụ nhập lậu rác thải điện tử vào TPHCM.

Tang vật một vụ nhập lậu rác thải điện tử vào TPHCM.

Thời gian gần đây, Hải quan TPHCM liên tiếp phát hiện hàng chục vụ nhập lậu rác thải điện, điện tử vào TPHCM. Hàng được chứa trữ trong những container lớn chờ làm thủ tục thông quan. Điển hình là vụ doanh nghiệp khai báo 880 bộ loa hiệu Vizio xuất xứ Trung Quốc, là hàng mới 100%, trị giá khai báo 23.760 USD.

Nhưng qua kiểm tra thực tế, ngoài số hàng nêu trên còn nhiều hàng hóa đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu gồm: 320 bộ loa Vizio, 324 máy tính xách tay, 230 điện thoại di động và 500 bộ chuyển đổi điện dùng cho máy vi tính. Trị giá hàng vi phạm trên 2 tỷ đồng. Doanh nghiệp này còn sử dụng tiểu xảo khai báo gian dối để qua mặt hải quan với hàng ngàn bộ loa đã qua sử dụng bằng thủ đoạn khai sai tên hàng để nhập khẩu trái phép hàng điện tử, điện máy qua sử dụng.

Cụ thể, theo tờ khai hải quan, mặt hàng doanh nghiệp nhập khẩu là máy phát điện, máy phát hàn các loại đã qua sử dụng, trị giá 4.040USD. Thực tế kiểm tra, hàng hóa nhập khẩu là máy vi tính xách tay các loại đã qua sử dụng, số lượng gần 1.500 cái, 216 CPU máy tính cũ, trị giá hàng tỷ đồng. Hiện vụ việc đang được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TPHCM điều tra, làm rõ.

Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cho biết, tính riêng từ đầu năm 2014 đến giữa tháng 4-2014, hải quan TPHCM đã bắt giữ, xử lý 6 vụ vi phạm. Các đối tượng khi nhập lậu mặt hàng này đều dùng thủ đoạn không khai báo, khai báo sai về tên loại và chất lượng hàng hóa (hàng đã qua sử dụng nhưng khai báo hàng mới 100%), khai sai về số lượng hàng hóa, hoặc khai sai từ hàng hóa cấm nhập khẩu thành những hàng hóa khác… để né tránh việc kiểm tra.

        Báo động độc hại

GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) khuyến cáo, chất thải từ sản phẩm điện tử bao gồm các chất độc hại như cadmium và chì trong các bo mạch; oxít chì và cadmium trong ống màn hình tia âm cực (CRT); thủy ngân trong màn hình phẳng; cadmium trong pin máy tính; biphenyl đã polyclo hóa trong tụ điện cũ và máy biến áp, chất chống cháy brôm trên bảng mạch in, vỏ bọc nhựa, dây cáp và cáp cách điện PVC thải ra dioxin có độc tính cao. Các yếu tố độc hại trong các sản phẩm của các thiết bị điện và điện tử có thể gây hại đến sức khỏe con người và môi trường.

Ông Phạm Quốc Hùng, Cục phó Cục Hải quan TPHCM, nhận định: việc vận chuyển, nhập khẩu rác thải điện tử mang lại lợi nhuận cao nên các doanh nghiệp trong nước tìm mọi cách ngụy trang dưới nhiều hình thức khác nhau để nhập khẩu trái phép, gây hậu quả xấu cho môi trường sống và sức khỏe con người.

Nguyên nhân rác điện tử được các doanh nghiệp ào ạt nhập lậu vào Việt Nam là do hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của chúng ta còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Do vậy, để giải quyết vấn đề buôn bán trái phép chất thải điện tử, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành có liên quan như môi trường, kiểm định, công an, biên phòng, hải quan… Thậm chí, cần sự phối hợp của chính phủ các nước với nhau.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục