Hiểm họa từ tấm cách nhiệt

Với tính năng chống nóng, ngăn thấm dột, phòng ngừa chuột bọ... tương đối hiệu quả nên hiện nay tấm cách nhiệt là loại vật liệu được ưa chuộng và sử dụng phổ biến tại nhiều loại hình cơ sở.

 

Sử dụng tấm cách nhiệt - tác nhân khiến một nhà xưởng tại quận Thủ Đức bị thiêu rụi
Sử dụng tấm cách nhiệt - tác nhân khiến một nhà xưởng tại quận Thủ Đức bị thiêu rụi
Hiện trên thị trường có rất nhiều chủng loại tấm cách nhiệt và trong bài viết này chúng tôi muốn đề cập đến tấm trải cách nhiệt có cấu tạo cơ bản gồm 2 màng ô-xít nhôm phủ trên tấm nhựa tổng hợp, chứa túi khí với tác dụng cách nhiệt khá hữu hiệu, đang được không ít cơ sở sử dụng. 

Đây là loại vật liệu rất nhẹ, dễ thi công, đặc biệt có giá thành tương đối rẻ. Hiện trong ngành xây dựng, nhất là những công trình nhà xưởng, kho chứa hàng hóa kết cấu khung thép, mái tole có diện tích lớn, thường lựa chọn sản phẩm này.

Bên cạnh các ưu điểm vừa nêu, chủng loại tấm cách nhiệt này cũng có một số nhược điểm mà khi thi công có ít chủ đầu tư và nhà thầu chú ý đến. Đó là đặc tính dễ bắt cháy và tốc độ lan truyền ngọn lửa rất nhanh. Nhược điểm ấy xuất phát từ chính cấu tạo bằng hợp chất cao phân tử Polyethylene (hay còn gọi nhựa PE). Nhựa PE có nhiệt độ nóng chảy khoảng 130°C và nhiệt độ bắt cháy chỉ khoảng 550°C. Nên dù vật liệu này được phủ bên ngoài bằng 2 lớp ô-xít nhôm có nhiệt độ nóng chảy lên đến 2.000°C, nhưng do các lớp ô-xít nhôm  đó rất mỏng nên không thể ngăn được ngọn lửa trần có nhiệt độ từ 525°C - 800°C, khiến lớp nhựa PE ở giữa dễ dàng bắt cháy.

Thực tế thời gian qua, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản tại các cơ sở doanh nghiệp. Trong quá trình phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, điều tra nguyên nhân cháy, Cảnh sát PCCC TPHCM đã chỉ ra rằng, chính tấm cách nhiệt lắp đặt trên trần mái của các công trình là yếu tố đóng vai trò dẫn truyền và khiến ngọn lửa lan nhanh, phát triển thành đám cháy lớn. Điển hình như vụ cháy tại Công ty MingShang (trong KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh), Công ty TNHH Vina Wood (trong KCX Linh Trung II, quận Thủ Đức) hay vụ cháy garage ô tô Thần Châu, số 189 Cống Quỳnh (quận 1) xảy ra cách đây không lâu. Nguyên nhân chính là lớp cách nhiệt bên dưới mái tôn đã dẫn truyền ngọn lửa lan rộng nhanh ra toàn xưởng. Ban đầu đám cháy phát sinh tại một điểm, sau đó bùng lên mái rồi bắt cháy vào lớp tấm chống nóng. Lớp vật liệu này cháy rất nhanh và ngọn lửa lan truyền tới đâu thì sản phẩm cháy rơi xuống, lại bắt cháy vào các chất dễ cháy khác bên dưới. Có bề mặt thoáng và sự “nhạy cảm” với ngọn lửa, lớp cách nhiệt đã vô tình “đưa đường dẫn lối” cho ngọn lửa “đánh chiếm” cả nhà xưởng.

Theo Trung tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Pháp chế, điều tra xử lý về cháy nổ (thuộc Cảnh sát PCCC TPHCM), về nguyên lý, tấm cách nhiệt được lợp trên trần mái công trình có độ dốc từ thấp lên cao. Đây là điều kiện khiến tốc độ cháy, cũng như sự lan truyền của ngọn lửa rất nhanh. Khi cháy, loại vật liệu này sẽ hóa lỏng, tạo thành các giọt hạt nhựa nóng rơi xuống, tiếp tục bén lửa vào các chất liệu dễ cháy bên dưới... và bùng phát thành đám cháy lớn. Thời gian qua, các vụ cháy do nguyên nhân này đã gây thiệt hại về tài sản lên đến hàng chục tỷ đồng. 

Trung tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo, các cơ sở không nên sử dụng các loại tấm trải cách nhiệt có tính chất dễ cháy khi xây dựng công trình. Thay vào đó là các giải pháp thay thế bằng tấm trần thạch cao, sơn chống cháy hoặc những tấm cách nhiệt không cháy... Quan trọng nhất,  các cơ sở cần hết sức thận trọng trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; đặc biệt, lưu ý về vấn đề bố trí hệ thống, thiết bị điện phải đảm bảo khoảng cách an toàn với trần mái có sử dụng tấm cách nhiệt.

Tin cùng chuyên mục