Hiến đất, góp tiền xây dựng nông thôn mới

Trong xây dựng nông thôn mới tại huyện Bình Chánh, TPHCM - một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, người dân đã tích cực hưởng ứng bằng cách hiến đất, góp tiền, để “biến” những con hẻm nhỏ “lầy lội mùa mưa, bụi mù mùa nắng” thành con đường lớn bê tông hóa khang trang.
“Cây đũa thần”: Sức dân!
Trước khi xây dựng nông thôn mới, 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B có tốc độ đô thị hóa nhanh khiến nhiều tuyến đường xuống cấp, gây khó khăn trong việc lưu thông, nhất là vào mùa mưa. Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đã tuyên truyền người dân cùng phối hợp để hoàn thiện con đường, giúp việc đi lại được thuận tiện hơn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi các nơi.
Điển hình như đường nội đồng D20 Võ Văn Vân (ấp 4A, xã Vĩnh Lộc B; dài hơn 500m, có 6 hẻm nhánh nhỏ dài hơn 200m), từ một con đường đất hẹp, lại nhấp nhô, khúc khuỷu, nay đã rộng hơn 4m được “trải thảm” toàn bộ bằng bê tông. Đây là kết quả đóng góp của những cư dân tại chỗ, con đường được “lên đời” với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng. Trong số đó, nhiều gia đình đã hiến đất để “nắn” con đường được thẳng và mở rộng đều trên cả tuyến. Đáng nói hơn, có 20 chủ của những mảnh đất chưa xây dựng nhà ở cũng tham gia đóng góp gần 300 triệu đồng. 
Hiến đất, góp tiền xây dựng nông thôn mới ảnh 1  Con hẻm trên đường Võ Văn Vân được bê tông hóa, rộng hơn 4m, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa đến tận nhà
Ông Nguyễn Văn Trúng (Bí thư Chi bộ ấp 4A) kể, trước kia tuyến đường lầy lội, ẩm thấp, xe tải không thể vào được trong hẻm. Lúc đầu bàn chuyện nâng cấp đường, nhiều gia đình không đồng ý, vì nếu thực hiện thì hơn 2/3 nhà trong hẻm sẽ phải thấp hơn đường.
Sau khi lắng nghe ý kiến, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trong hẻm được sửa chữa nhà như nâng mái lên cao, nâng nền nhà cho phù hợp với cao độ của mặt đường. Từ đó đã tạo được sự đồng thuận, 100% hộ dân đồng ý. Không chỉ thế, khi nâng cấp tuyến hẻm còn làm cống thoát nước nên các hộ dân ở trong sâu không còn bị tình trạng mùa mưa nước tràn vào nhà. Số tiền còn dư thì làm đèn đường, giá treo cờ và mua thùng rác để người dân không xả rác bừa bãi.
Một trong những trường hợp điển hình được nhiều hộ noi theo là ông Đỗ Đăng Vịnh (số nhà D20/19/1B). Ông Vịnh không chỉ góp tiền mà còn hiến gần 20m2 đất để con hẻm đều và rộng hơn.
“Xuất phát từ việc đi lại khó khăn nên tôi cũng muốn góp một phần công sức để có được con đường như hôm nay. Từ ngày làm xong đường, nhiều nhà trong hẻm nhận làm gia công nhiều mặt hàng, đời sống nhờ đó khấm khá hơn so với trước”, ông Vịnh cho hay. 
Việc hiến đất, góp tiền nâng cấp đường, làm hẻm của ấp 4A xã Vĩnh Lộc B đã lan rộng ra nhiều nơi. Bằng cách làm tương tự, nhiều tuyến hẻm ở xã Vĩnh Lộc A cũng từ đường đất đã thành đường bê tông sạch đẹp.
Ông Lê Hoàng Minh, Bí thư Chi bộ ấp 6A, cho biết nhiều năm qua con đường nội đồng tổ 10 (đường Quách Điêu) đã khiến biết bao nhiêu người dân khổ sở trong việc đi lại, sinh hoạt. Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ấp 6A đã xin ý kiến của UBND xã và chủ trương thực hiện. Mỗi nhà đóng góp 10 triệu đồng để làm đường, hệ thống cống thoát nước và trang bị thùng rác mới, nhờ đó mà con hẻm trở nên khang trang.
Xây dựng lực lượng nòng cốt 
Theo UBND xã Vĩnh Lộc B, giai đoạn 2016-2020, ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã đề xuất đầu tư xây dựng 28 tuyến đường trục xã, liên xã, trục ấp, liên ấp, dài hơn 22km với tổng kinh phí 245,1 tỷ đồng; trong đó, người dân hiến đất được quy ra tiền là 32,4 tỷ đồng. Trên địa bàn xã có hơn 100 tuyến hẻm, đến nay đã có hơn 40 tuyến hẻm được thực hiện nâng cấp từ kinh phí người dân đóng góp. Dự kiến năm 2018 thực hiện thêm khoảng 20 công trình xây dựng tuyến hẻm bê tông. 
Theo ông Võ Trường Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B, những nội dung trong xây dựng nông thôn mới phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân địa phương, đề án phải hợp lòng dân, được người dân ủng hộ; cộng đồng dân cư có vai trò chủ đạo trong việc giám sát và cũng là người thụ hưởng. Trong thực hiện các công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, điều có tính quyết định là phải vận động được sự đồng lòng và ủng hộ của người dân.
“Do vậy, cần phải xây dựng lực lượng nòng cốt, phát huy vai trò người có uy tín trong khu vực để đứng ra vận động. Đồng thời có chính sách vận động thật cụ thể, rõ ràng. Nhờ đó, các công trình được thực hiện không chỉ tốt về số lượng, chất lượng mà cả về tiến độ thi công. Xây dựng nông thôn mới theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng địa phương, ngân sách thành phố hỗ trợ một phần nhằm để phát huy sự đóng góp của cộng đồng”, ông Thành đúc kết.
Còn theo bà Phan Thị Bích Liễu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, vai trò của các tổ chức đoàn thể xã (như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) rất quan trọng. Thông qua các cuộc họp, tiếp xúc, sinh hoạt định kỳ, các tổ chức đoàn thể đã phổ biến sâu rộng đến người dân, đặc biệt là nông dân, về 19 tiêu chí và mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện hiệu quả công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu đạt tiêu chí môi trường
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, tiêu chí môi trường tại 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B về cơ bản có tiến triển tốt. Trước đây, tiêu chí môi trường tại 2 xã này không đạt (do tốc độ đô thị hóa quá nhanh). Vì vậy, huyện xây dựng đề án phân loại rác tại nguồn và xử lý ô nhiễm môi trường, đã được UBND TPHCM phê duyệt.
Cụ thể: Các cơ sở sản xuất thường xuyên xử lý ô nhiễm và cam kết dời vào cụm công nghiệp; trong chăn nuôi, không tăng đàn mới, đối với đàn cũ phải xây dựng hầm biogas; vận động thực hiện “3 sạch” như sạch ngõ, sạch nhà, sạch đường; nạo vét các kênh rạch bị ô nhiễm, khơi thông dòng chảy… Huyện Bình Chánh phấn đấu, năm 2020 sẽ đạt tiêu chí môi trường tại 2 xã nói trên.

Tin cùng chuyên mục