Hiên ngang Trường Sa

Sự kiện ngày 14-3-1988 luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam về cuộc chiến đấu hào hùng bảo vệ vùng biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam cách đây tròn 26 năm đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa cùng nhân dân cả nước vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực không ngừng gìn giữ, bảo vệ và xây dựng quần đảo thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ngày càng vững mạnh.
Hiên ngang Trường Sa

Sự kiện ngày 14-3-1988 luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam về cuộc chiến đấu hào hùng bảo vệ vùng biển đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam cách đây tròn 26 năm đã tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa cùng nhân dân cả nước vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực không ngừng gìn giữ, bảo vệ và xây dựng quần đảo thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ngày càng vững mạnh.

Thả hoa trên biển tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa.

Thả hoa trên biển tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ quần đảo Trường Sa.

26 năm đã trôi qua, sau trận quyết chiến máu nhuộm đỏ biển Đông của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã trở thành sức mạnh như một lời kêu gọi hành động cho cán bộ, chiến sĩ vượt qua thử thách, đoàn kết một lòng, bám trụ kiên cường, sẵn sàng anh dũng hy sinh bảo vệ biển đảo. Từ đó đến nay, quân và dân trên các đảo của quần đảo Trường Sa cùng nhân dân cả nước vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực không ngừng gìn giữ, bảo vệ và xây dựng quần đảo thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc ngày càng vững mạnh, hiên ngang sừng sững giữa biển Đông.

Tôi may mắn được đến với Trường Sa, dù không được đi hết các đảo nhưng ở những nơi chúng tôi đặt chân tới, dù là đảo nổi Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca hay đảo chìm Đá Nam, Đá Thị thì tất cả đều đang có một sức sống rất mãnh liệt và bền vững. Tại Song Tử Tây, đảo lớn nhất ở phía Bắc quần đảo Trường Sa, Thượng tá Nguyễn Trọng Bình, Chính trị viên của đảo không giấu niềm hãnh diện cho biết, cuộc sống ở nơi đảo xa còn nhiều gian khó nhưng bằng sự đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt khó vươn lên, quân và dân đảo Song Tử Tây đã không ngừng xây dựng đảo vững mạnh về phòng thủ, tốt đẹp về lối sống, cảnh quan môi trường và mẫu mực về đoàn kết quân dân. Trên đảo không chỉ có nhiều giếng nước lợ có thể tắm giặt và tưới cây mà môi trường sinh thái ở đảo cũng khá thuận lợi nên nuôi được bò, lợn, gà, trồng được nhiều rau xanh. Cùng với đó, Song Tử Tây cũng đã xây dựng xong âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn để nơi đây trở thành địa chỉ an toàn cho ngư dân hải khai thác hải sản trên biển Đông trú ngụ mỗi khi mưa bão. Không chỉ có vậy, cuộc sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo hôm nay đang từng bước được cải thiện. Hệ thống trụ sở UBND xã, nhà ở của nhân dân và bộ đội trên đảo Song Tử Tây được xây dựng khang trang, sạch đẹp, vững chắc trước thiên nhiên khắc nghiệt.

Đến với đảo Sinh Tồn, một trong những đảo có vị trí quan trọng trong cụm đảo phía Bắc chỉ cách Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma… vài hải lý, chúng tôi cũng không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển của đảo. Từ khơi xa, nhìn vào Sinh Tồn như một ngôi làng trù phú nhưng giữa biển Đông xanh thẳm, với những dãy nhà mái ngói đỏ tươi ẩn mình dưới hàng phong ba, bàng vuông xanh mướt. Thiếu tá Trịnh Công Lý, Chỉ huy đảo Sinh Tồn, kiêm Chủ tịch UBND xã đảo Sinh Tồn cho biết, với tinh thần “Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, đảo Sinh Tồn không chỉ như một pháo đài vững chắc hiên ngang trên biển Đông góp phần bảo vệ và gìn giữ chủ quyền biển đảo Việt Nam mà Sinh Tồn còn là một trong số ít những xã đảo sớm thực hiện được nông thôn mới khi trên đảo có đầy đủ công trình dân sinh thiết yếu “điện, đường, trường, trạm” giúp cho người dân yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế, sản xuất. Thậm chí điện, điện thoại, truyền hình cũng có 24/24 giờ nên đời sống tinh thần của quân và dân trên đảo cũng như với đất liền trở nên rất gần gũi và đầm ấm.

Hơn nữa, ở đảo Sinh Tồn còn có chùa, một ngôi cổ tự không lớn nhưng lại rất trang nghiêm và cổ kính nằm ngay sát bờ biển như bức tường thành vững chãi che chở về tinh thần cho quân và dân trên đảo. Sau khi được trùng tu lại, để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14-3-1988, một tấm bia lớn để vinh danh anh linh 64 liệt sĩ tại đảo Gạc Ma đã được dựng lên trang trọng ngay giữa sân chùa Sinh Tồn. Chia sẻ với chúng tôi, Đại đức Thích Minh Huy trụ trì chùa Sinh Tồn, tâm sự: Cùng với các công trình như nhà văn hóa, thư viện, chùa Sinh Tồn là một trong những điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần và tâm linh của quân và dân trên đảo. Không chỉ có ngày lễ, tết hay rằm, mùng 1 mà ngay cả ngày thường, người dân hay lính đảo mỗi khi rảnh rỗi cũng thường đến chùa, nghe nhà chùa giảng đạo, tụng kinh cầu an và dâng nhang tưởng nhớ anh linh của những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu gìn giữ và bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa của Tổ quốc.

NGUYỄN QUỐC

Tin cùng chuyên mục