“Hiện tượng thơ” Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ “Sao phải đau đến như vậy”

Nguyễn Phong Việt bắt đầu thương mình sau những năm tháng thương người trong tập thơ mới nhất vừa mới ra mắt Sao phải đau đến như vậy. Độc giả sẽ nhận ra dấu ấn của năm tháng, sự từng trải, trưởng thành mạnh mẽ… qua những bài thơ đầy tính gợi mở. 
Nguyễn Phong Việt giới thiệu tập thơ mới nhất Sao phải đau đến như vậy

Sáng 9-12, nhà thơ Nguyễn Phong Việt đã “tái xuất” giới thiệu tập thơ mới nhất Sao phải đau đến như vậy tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TPHCM). Buổi ra mắt tập thơ thu hút rất đông bạn trẻ.

“Hiện tượng thơ” Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ “Sao phải đau đến như vậy” ảnh 2 Phong Việt giao lưu, trò chuyện gần gũi với các độc giả trẻ 

Phong Việt là cái tên quen thuộc với những độc giả yêu thơ trong những năm gần đây. Thơ của anh dung dị, giàu cảm xúc. Mỗi bài thơ giống như một câu chuyện, chất chứa những day dứt, những suy niệm về tình yêu và cuộc sống. Tập thơ Sao phải đau đến như vậy cũng nằm trong dòng cảm xúc đó.

Bìa tập thơ Sao phải đau đến như vậy được khoác lên gam màu nóng, đánh dấu sự khác biệt so với những tông màu nhẹ nhàng của 5 tập thơ trước. Hình ảnh và những nét vẽ trong cuốn sách cũng là điểm nhấn để độc giả không chỉ đọc thơ mà còn có cảm nhận riêng.

“Hiện tượng thơ” Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ “Sao phải đau đến như vậy” ảnh 3 Bìa tập thơ ấn tượng với gam màu nóng

Tuy nhiên, điều khác biệt và quan trọng nhất ở tập thơ lần này là dấu ấn về sự trưởng thành trong thơ Nguyễn Phong Việt. Đó là cái nhìn nội tâm, quay về với sự tĩnh lặng để soi chiếu, nhìn vào bản thân mình sau những thương tổn, cô đơn và đổ vỡ để tìm được câu trả lời cho câu hỏi: Sao phải đau đến như vậy?

Tựa đề tập thơ thứ 6 của Phong Việt vừa là câu hỏi nhưng cũng là câu trả lời. Theo chia sẻ của Phong Việt, cuộc đời ai cũng có những vết thương, đặc biệt là chuyện tình cảm. Sẽ có những năm tháng thanh xuân mà ở đó con người có thể tuyệt vọng cùng cực, thậm chí là chối bỏ cả đời sống vì một vết thương mà ai đó gây ra… Và như những gì anh chia sẻ, sự mạnh mẽ đối diện nỗi đau hiện rõ trong từng câu thơ:

Mình không ổn đâu, không ổn chút nào dù nước mắt chẳng còn rơi

khi những thiết tha chẳng còn gì ngoài giấc ngủ

để quên một cái nắm tay mình từng nghĩ là đầy đủ

để quên một con người mà mình bằng mọi cách níu giữ

rồi bất lực buông ra…

(Chỉ là lòng không muốn nói ra thôi)

Phong Việt cho biết tựa sách Sao phải đau đến như vậy là một ngụ ý, bởi khi hỏi như vậy rõ ràng chúng ta đã mạnh mẽ hơn rồi, đã ý thức được rằng ta đang có nỗi đau đó và sẵn sàng đối diện, tìm cách để bớt bi kịch cuộc đời mình.

“Tập thơ này viết về nỗi đau nhưng bình thản, bình tâm. Độc giả có thể không đọc hết từ bài đầu tiên đến bài cuối cùng nhưng sẽ nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm sau mỗi bài…”, Phong Việt nói.

Và theo anh, cuộc đời vẫn vậy, con người phải mạnh mẽ để đi qua nỗi đau, tiếp tục đời sống của mình, như là:

“Cảm ơn ta chưa bao giờ vì nước mắt mà bỏ rơi

ước mơ ngồi bên hàng hiên nhìn cuộc đời lặng lẽ

rót một tách trà, cắn một miếng mứt gừng và thấy mình vui đến lạ

 vì sau tất cả

 vẫn có thể ngồi xuống được nơi đây…

Cảm ơn ta vẫn háo hức với mỗi chặng đường

mặc bàn chân còn nhói đau với vết thương chưa lành hẳn

phải tội tình cho mình thì mai kia mới thương mình chân thật

vì đến cuối cùng có còn ai khác

hiểu hơn mình nữa đâu?”

(Cảm ơn ta dù ngoài kia giông gió)

Có thể dễ dàng nhận thấy, trong tập thơ Sao phải đau đến như vậy và tất cả những bài thơ của Phong Việt về sau này, sự gợi mở cuối mỗi bài rất lớn. Việt không chốt lại bằng những nỗi đau mà bằng những hướng mới, bằng sự mở ra, bao dung và mạnh mẽ hơn. Đó là sự gợi mở cách chúng ta đối diện với nỗi đau, không sợ hãi mà mạnh mẽ đi qua...

“Hãy thương mình một chút vì con đường vẫn còn quá xa

những chông gai vẫn còn cần thêm áo ấm

mình có thể dừng lại đây nhưng mai kia cuộc đời mình ai sẽ sống

thế gian này rộng lớn và tổn thương của mình chỉ nhỏ nhoi…

Hãy thương mình một chút khi đã quá thương người

đừng để vai mình rung lên lúc nhận ra bao hoài phí

không một ai thương mình, là do mình cả nghĩ

cuộc đời không giống như cuộn chỉ

dù đầu ngón tay có là những mũi kim…”

 (Hãy thương mình một chút được không?)

Theo thời gian chúng ta phải trưởng thành. Phong Việt tâm sự rằng, anh tin nhiều người khi đọc cuốn sách này sẽ cảm thấy bình tâm khi nhìn về những nỗi đau đã từng vì đã lùi lại nhìn nó bằng một cái nhìn từ xa. Có thể thấy rõ nhất điều này ở bài thơ 36, như một cách mà Phong Việt tự họa:

Không còn đau đến mức ngưng thở

không còn nhớ

mình đã từng cuồng điên đến thế nào…

Năm tháng này, mình đã đi ra khỏi những giấc chiêm bao

nỗi hoang mang biết tựa vào đâu để đứng vững

ai nói gì, làm gì cũng chỉ là gió thoảng

quan trọng là mình có muốn

sống như chưa bao giờ…

(36)

Và, Phong Việt của tuổi 36 trong thơ không còn “tiêu hoang những đêm trắng vì không cần thiết phải để dành”, không còn “chỉ quen ngước nhìn trời cao”, “hớn hở với từng cuộc vui, xum xoe với đám đông người xa lạ”, “vội vã với nắng mưa”, “ăn một bữa ăn trong tích tắc và ngủ chỉ trong một giờ” và cũng không còn “cào cấu những muộn phiền” hay vì “buông một cái nắm tay mà muốn qua đêm nay mình sẽ chết”... Phong Việt bây giờ đã nhắc nhớ bản thân phải biết thương mình hơn.

Có lẽ, sau những tháng năm sống mà quên đi bản thân mình như "Chúng ta của năm 20”, Việt và nhiều người như Việt, nhận ra không ai có thể tránh khỏi nỗi đau, thay vì đắm chìm thì cứ cảm nhận nó, đi xuyên qua nó và cuối cùng là cần có nó để tạo nên sức mạnh cho bản thân.

Như Phong Việt nói, không cần phải đau đến mức bất chấp tất cả, hãy đau bởi vì đó là điều cần thiết. Nhưng hãy để nỗi đau đó làm mình tự tin hơn chứ không phải làm mình yếu đuối đi:

Đừng để mình đau lòng thêm nữa

vì ngoài bầu trời này vẫn còn có những bầu trời khác để thở

với bình yên…"

 (Đừng để mình đau lòng thêm nữa)

Hay:

“Một ngày nào đó trong cuộc đời về sau mình dặn dò mình trên đôi chân

đừng dừng lại dù bao nhiêu là khó nhọc

ai cũng có thể bỏ mình đi nhưng mình không thể bỏ mặc mình với đời sống

không vì một ngày tăm tối nhất

mà từ chối ngắm cả bình minh…"

(Lùi lại một giây thôi)

Với 5.000 bản in cho đợt đầu của Sao phải đau đến như vậy, đến nay Nguyễn Phong Việt đã có 120.000 bản thơ được tiêu thụ trên thị trường.

Cụ thể, với tập Đi qua thương nhớ có 55.000 bản, Từ yêu đến thương có 20.000 bản, Sinh ra để cô đơn 15.000 bản, Sống một cuộc đời bình thường 15.000 bản và Về đâu những vết thương với 10.000 bản.

“Hiện tượng thơ” Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ “Sao phải đau đến như vậy” ảnh 4 Nhà thơ Nguyễn Phong Việt ký tặng sách cho độc giả
Nữ nhà văn Trần Trà My cũng là một độc giả yêu thơ Nguyễn Phong Việt

Sao phải đau đến như vậy lần này phát hành 5.000 bản sách. Con số có vẻ khiêm tốn so với 5 tập thơ trước. Theo Phong Việt, đó là một thực tế của việc làm sách.

“Thực tế là có những người đọc mình, họ không thích nữa rồi họ bỏ mình đi nhưng mình cũng lại có thêm những người đọc mới, lần đầu tiên đọc. Thị trường sách như vậy thôi, đó là một nhịp rất bình thường với đời sống của sách và những người viết sách. Cơ bản, Việt nghĩ, điều quan trọng là độc giả sẽ cảm thấy tập thơ mới này không lừa họ, cuốn sách này không phải không mang đến một giá trị nào cả…”, Phong Việt chia sẻ.

Từ Đi qua thương nhớ đến Sao phải đau đến như vậy không còn là những câu chuyện từ Phong Việt ra nữa, đó là những câu chuyện viết từ thế giới xung quanh, từ bạn bè của anh… có những bài thơ lấy cảm hứng từ những câu chuyện thời sự. Đó là cách, theo anh, mượn cảm xúc từ thế giới xung quanh và viết lại theo lăng kính của mình bởi cuộc đời riêng Phong Việt không quá phong phú để suốt ngày chỉ kể về nó.

Sao phải đau đến như vậy do Saigon Books và NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, được phát hành tại Nhà sách Saigon Books và các nhà sách trên toàn quốc.

Chỉ cần tin mình là duy nhất

Ngay thời điểm này, Phong Việt cho biết đã có tựa sách cho mùa giáng sinh năm sau với tựa đề: Chỉ cần tin mình là duy nhất.

“Sau khi chúng ta nhận thức được sao chúng ta phải đau, sao chúng ta phải bi kịch cuộc đời chúng ta đến như vậy thì sẽ đến lúc nhận ra một giá trị thực tế: Chỉ có chúng ta là duy nhất trong cuộc đời này mới hiểu hết những nội tại bản thân mình; và hơn ai hết, chúng ta phải yêu thương và trân trọng bản thân trước tiên, nhiều nhất", Phong Việt bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục