Hiện tượng tiền tệ hóa

Dư luận từng phản ứng trước việc nhiều người đi lễ đã nhét tiền vào tay, dán tiền lên tượng Phật, cho đó là “chênh vênh về đức tin”, “thị trường hóa niềm tin”… 
Rõ ràng đó là hình ảnh không đẹp, tầm thường hóa chốn tôn nghiêm, biến những nghi thức tâm linh, tín ngưỡng thành những hoạt động mua bán một cách phàm tục. Nhìn rộng hơn, dường như xã hội ta đang có hiện tượng “tiền tệ hóa” nhiều hoạt động trong đời sống. 
Đi khám chữa bệnh, cùng với việc trả viện phí, rất nhiều người chọn biện pháp dúi phong bì cho bác sĩ, y tá, hộ lý để mua sự chăm sóc tận tình, chu đáo hơn, điều mà lẽ ra với thiên chức và trách nhiệm của mình, các thầy thuốc phải chủ động thực hiện. Vi phạm Luật Giao thông bị cảnh sát giao thông phạt, nếu không xin được thì một số người dấm dúi đưa tiền để được cho qua. Đi xin việc, lẽ ra người tìm việc dùng năng lực thực sự để thuyết phục người tuyển dụng thì lại dùng tiền để mua việc, còn người có quyền tuyển dụng thay vì công tâm khách quan chọn người có đủ phẩm chất thì lại gợi ý hoặc chỉ chọn người nào “biết điều”. Khi vi phạm pháp luật và bị pháp luật trừng trị, có người lại dùng tiền để mua chuộc tòa án hòng được xử nhẹ, đã chấp hành án tù thì tìm cách được tại ngoại để chữa bệnh…
Nói chung, hiện tượng chạy từ chức quyền, huân chương, bằng cấp, chạy tội, đến chạy tuổi, chạy điểm, chạy giấy tờ… nếu không kịp thời ngăn chặn sẽ trở thành dịch bệnh. Lẽ dĩ nhiên, phần lớn việc chạy đó đều phải dùng tiền hoặc những lợi ích vật chất khác có thể quy thành tiền. 
Hiện tượng tiền tệ hóa ảnh 1 Ảnh minh họa
Đã có người mua và người bán thì gần như hình thành một thị trường, lắm khi chịu sự tác động của các quy luật cung cầu, quy luật giá cả… (chẳng hạn, cùng một chỗ làm nhưng ai trả giá cao hơn thì được nhận)! Trong bối cảnh đó, việc thương mại hóa hoạt động tâm linh, hiện tượng mua bán niềm tin… bằng tiền đã không có gì lạ. Từ đời sống thực, người ta cố đang cố huyễn hoặc mình rằng có thể dùng lễ vật, thậm chí tiền bạc để các đấng bề trên có thể ban ơn, ban phước cho mình. Những loại lễ vật ít nhiều mang tính tinh thần (hương đèn, hoa quả…) bây giờ dần nhường chỗ cho lễ vật nặng tính vật chất và tiền mã (giấy tiền vàng bạc, tiền âm phủ) dần được thay bằng tiền thật. Sợ thần, Phật không kịp ghi nhận lòng thành của mình khi có quá đông người đến cần khẩn, người ta nhét tiền, dán tiền vào các tượng, vào các nơi được cho là có thể được các đấng bề trên để mắt đến, từ hốc đá, gốc cây cho đến chân bát nhang, khe miếu… 
Hiện tượng tiền tệ hóa nếu không được ngăn chặn kịp thời bằng những cách hữu hiệu thì các mặt đời sống tinh thần, đời sống tâm linh có thể sẽ bị làm cho tầm thường, dung tục. Khi đó, sẽ có sự lẫn lộn giữa tín ngưỡng, văn hóa với sự mê tín, lạc hậu. Muốn xây dựng đời sống mới với sự văn minh, tiến bộ, lành mạnh, nhất thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tiền tệ hóa, trong đó có sự tiền tệ hóa đời sống tâm linh, tín ngưỡng.

Tin cùng chuyên mục