Hiệu quả từ diễn tập chữa cháy ở trường mầm non

Trường mầm non, nhóm trẻ cũng nơi dễ xảy ra cháy vì ở đó có bếp nấu ăn, sử dụng bình gas và có nhiều vật liệu dễ cháy như phông màn, bàn ghế, dụng cụ sinh hoạt… 
Cô giáo, bảo mẫu hướng dẫn trẻ thoát nạn trong buổi diễn tập
Cô giáo, bảo mẫu hướng dẫn trẻ thoát nạn trong buổi diễn tập

Đặc biệt, khi xảy ra cháy, hậu quả nghiêm trọng cũng dễ xảy ra vì đông trẻ, còn người lớn đa phần là phụ nữ nên việc xử lý các tình huống có khó khăn hơn. Vì vậy, công tác diễn tập, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại các trường mầm non đã được Cảnh sát PCCC TPHCM thực hiện thời gian qua… 

Bình tĩnh ứng phó 

Lúc 14 giờ 45 ngày 16-5, tại Trường Mầm non Hướng Dương (quận Gò Vấp) bất ngờ xảy ra cháy. Nguyên nhân do phụ bếp bất cẩn khi sử dụng nguồn nhiệt tại khu vực nhà bếp. Chất cháy chủ yếu là khí gas, các thiết bị tiêu thụ điện… nên lượng khói độc tỏa ra rất lớn. Nhân viên bảo vệ của trường nhanh chóng đóng cầu dao điện, sử dụng bình CO2 dập lửa, đồng thời hỗ trợ giáo viên hướng dẫn trẻ thoát nạn.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC quận Gò Vấp xuất 1 xe chỉ huy, 2 xe chứa nước, 1 xe chuyên dụng cùng 25 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Sau khi xác định số người mắc kẹt trong đám cháy, Cảnh sát PCCC triển khai đội hình chữa cháy từ nhiều phía, hỗ trợ lực lượng tại chỗ (bảo vệ, giáo viên) dập lửa, làm mát cấu kiện xây dựng (ngăn cháy lan); đồng thời, hướng dẫn trẻ thoát nạn. 20 phút sau đám cháy được dập tắt, 2 nạn nhân mắc kẹt trong đám cháy được cảnh sát đưa ra ngoài an toàn. Buổi diễn tập kết thúc thành công. Đây là một trong số hàng trăm buổi diễn tập do Cảnh sát PCCC TPHCM tổ chức thực hiện tại các trường mầm non trên địa bàn thành phố.

Tại buổi diễn tập ở trường mầm non nói trên, do được tập luyện phương án thoát nạn nhiều lần nên giáo viên và nhóm trẻ ở đây đã thực hiện các thao tác chữa cháy và thoát nạn rất nhịp nhàng. Một số giáo viên, bảo mẫu cho biết họ đã được trang bị rất nhiều kiến thức và kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố xảy ra. “Nói thật, trước đây khi phát hiện có hỏa hoạn, việc làm ngay lúc đó với giáo viên là cùng trẻ bỏ chạy, chẳng biết dập lửa cách nào! Còn bây giờ, sau khi tham gia các buổi diễn tập chữa cháy, giáo viên, bảo mẫu và bảo vệ đã có thể bình tĩnh sử dụng bình CO2 dập tắt lửa ngay khi mới phát sinh”, một giáo viên tự tin nói. 

Thượng tá Lê Bình Trọng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC quận Gò Vấp, cho biết việc diễn tập, thực tập phương án chữa cháy ở trường mầm non có vai trò quan trọng trong công tác PCCC. Trước mắt, qua buổi diễn tập, nhà trường, giáo viên thấy được những hạn chế, điểm yếu trong việc phòng cháy cần phải khắc phục, cụ thể như việc thường xuyên bảo trì - bảo dưỡng thiết bị chữa cháy, xây dựng tốt phương chăm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ)…

Về lâu dài, lực lượng tại chỗ của nhà trường sẽ nắm rõ hơn kiến thức PCCC, đặc biệt là thuần thục các kỹ năng cơ bản trong ứng phó, xử lý đám cháy khi mới phát sinh. Qua đó, giảm thiểu thiệt hại khi sự cố cháy nổ xảy ra. Ngoài việc thực tập - diễn tập phương án chữa cháy, công tác CNCH còn giúp lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, chính quyền địa phương và nhà trường phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ hơn, để khi sự cố xảy ra thật, việc ứng phó, xử lý sẽ kịp thời, hiệu quả hơn. 

Nâng cao nhận thức 

Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, diễn tập - thực tập phương án chữa cháy, CNCH là giải pháp quan trọng trong công tác PCCC. Không chỉ riêng trường mầm non, ở nhiều khu vực khác, thời gian qua, Cảnh sát PCCC TP cũng yêu cầu Phòng Hướng dẫn chỉ đạo chữa cháy (Phòng 2) phối hợp với phòng cảnh sát PCCC các quận huyện, chính quyền địa phương và chủ quản cơ quan, đơn vị triển khai diễn tập - thực tập phương án chữa cháy, CNCH ít nhất 1 lần/năm. 

Đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, ngành giáo dục thành phố sẽ chỉ đạo hệ thống các trường mầm non trên địa bàn quan tâm, thường xuyên phối hợp cùng cảnh sát PCCC thực hiện đúng và đủ các đợt thực tập phương án chữa cháy, CNCH theo kế hoạch trong năm. Đây là giải pháp không chỉ nâng cao hiệu quả PCCC trước mắt, mà về lâu dài còn giúp trẻ có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về hiểm họa cháy nổ; từ đó có những việc làm cụ thể để phòng ngừa và ứng phó hợp lý.

Anh Lâm Đình Dũng, chủ một số cơ sở mầm non tư thục ở quận 8, nhận xét nhờ các buổi thực tập đã được cảnh sát chỉ ra những hạn chế trong công tác PCCC. Từ đầu năm 2018 đến nay, tôi đã đầu tư, trang bị thêm bình CO2, lắp và mở rộng thêm cầu thang, lối thoát nạn; tham gia đầy đủ các buổi phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC và tập kỹ năng chữa cháy do Cảnh sát PCCC quận 8 tổ chức”, anh Lâm Đình Dũng cho biết.

Tin cùng chuyên mục