Hiệu quả từ đổi mới dạy và học

Năm học 2019-2020 được xem là năm học bản lề cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Cùng với cả nước, TPHCM đã có những bước chuẩn bị để triển khai hiệu quả các mục tiêu đổi mới này.

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, về một số nội dung đột phá cũng như kết quả bước đầu của công tác đổi mới giáo dục tại địa phương.

Hiệu quả từ đổi mới dạy và học ảnh 1 Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM. Ảnh: SGGP
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, chương trình GDPT mới sẽ thực hiện cuốn chiếu từ lớp 1 vào năm học 2020-2021. Thời điểm hiện tại, TPHCM đã có những chuẩn bị gì để thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới?

- Ông LÊ HỒNG SƠN: Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, TPHCM đã và đang đẩy mạnh hàng loạt đổi mới trong tổ chức dạy học, công tác quản lý và kiểm tra, đánh giá nhằm chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện chương trình GDPT mới.

Cụ thể, trong những năm học vừa qua, ngành giáo dục đã thực hiện đổi mới hình thức và phương pháp tổ chức dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá, chuyển dần từ giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực, phẩm chất cho người học.

Trong đó, giáo dục không chỉ hướng đến việc hình thành và phát triển cho học sinh một số năng lực chung như tự chủ và tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề, sáng tạo mà còn bồi dưỡng, giúp các em phát triển năng lực chuyên môn như ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, tin học, thẩm mỹ, thể chất…

Ngoài ra, để chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình GDPT mới, Sở GD-ĐT TP đã đổi mới công tác quản lý, tạo điều kiện cho các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, phát triển các chương trình giáo dục nhà trường, giảm lý thuyết, hàn lâm, tăng thực hành, trải nghiệm.

Bên cạnh việc hướng dẫn các trường rà soát, cập nhật, điều chỉnh nội dung dạy học theo chương trình sách giáo khoa hiện hành, Sở GD-ĐT còn ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các trường chủ động xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn, đưa hoạt động trải nghiệm vào chương trình giáo dục chính khóa, triển khai giải pháp nhằm giảm tải chương trình học, khắc phục tình trạng quá tải cho học sinh.

Song song đó, đổi mới phương thức kiểm tra, đánh giá cũng được thực hiện lộ trình theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo cho người học, chuyển trọng tâm đánh giá từ kiến thức sang đánh giá phẩm chất và năng lực người học. 

- Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019. Ông có đánh giá gì về những thành tích học sinh TP đã đạt được?

- Nhiều năm trở lại đây, TPHCM luôn nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Năm nay, với gần 71.000 thí sinh đăng ký tham dự, TPHCM đứng thứ 2 cả nước về số lượng thí sinh (xếp sau Hà Nội với hơn 74.000 thí sinh).

Theo số liệu vừa được Bộ GD-ĐT công bố, điểm trung bình các môn thi của học sinh TP đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Trong đó, TP tiếp tục phát huy thế mạnh ở môn tiếng Anh với điểm trung bình cao nhất cả nước (điểm trung bình là 5,78 - tăng 0,69 điểm so với năm 2018 và cao hơn 1,42 điểm so với điểm bình quân cả nước).

Ngoài ra, các môn còn lại cũng có thành tích khá cao như môn Toán có điểm trung bình đứng thứ 2, môn Ngữ văn đứng thứ 6 cả nước, các môn còn lại đều có điểm trung bình cao hơn năm 2018 và cao hơn điểm bình quân cả nước. Kết quả các môn thi nói trên đã cho thấy tính hiệu quả cũng như việc triển khai đúng hướng các hoạt động đổi mới dạy và học tại TP.

- Trong bối cảnh cả nước chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới, TPHCM xác định những mục tiêu trọng tâm nào để phát triển mang tính đột phá, góp phần quan trọng vào việc tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP, thưa ông?

- Để chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình GDPT mới, bên cạnh các hoạt động đổi mới đã thực hiện những năm vừa qua, TP xác định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý là một trong những nội dung quan trọng mang tính đột phá.

Ở từng đơn vị trường học, Sở GD-ĐT đã giao quyền tự chủ cho các trường trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. 

Ngoài ra, năm học 2018-2019 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động nghiên cứu khoa học ở các trường phổ thông trên địa bàn TP.

Nếu như năm học 2016-2017, toàn TP có 452 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó 145 đề tài đạt giải cấp thành phố (tỷ lệ đạt giải là 32,08%), thì đến năm học 2017 - 2018, số lượng đề tài dự thi cấp TP tăng lên 680 đề tài, trong đó có sự tham gia của học sinh các trường ngoài công lập.

Năm học 2018-2019, cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp TP ghi nhận sự tham gia của 1.083 học sinh ở 617 đề tài, trong đó có công trình nghiên cứu “Thiết kế một số dụng cụ hỗ trợ học sinh khiếm thị thực hành môn Vật lý” của 2 học sinh Trường THCS-THPT Tân Phú đã đoạt giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia khu vực phía Nam do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Sự phát triển của phong trào nghiên cứu khoa học tạo ra môi trường thuận lợi phát triển khả năng tư duy và sáng tạo, giúp học sinh mạnh dạn, tự tin phát huy thế mạnh cá nhân, chủ động hội nhập quá trình phát triển chung của cả nước. 

Xin cảm ơn ông ! 

Tin cùng chuyên mục