Hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao

Tây Ninh là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nông nghiệp, nhất là phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ngành nông nghiệp đang từng bước khẳng định vị thế góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. 

Nở rộ mô hình sản xuất VietGAP

Tây Ninh có trên 96% quỹ đất thuận lợi cho phát triển cây trồng các loại. Đặc biệt, hồ Dầu Tiếng có diện tích 27.000ha với sức chứa 1,5 tỷ m3 nước tưới cho đồng ruộng trên địa bàn tỉnh, là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Để tạo đà cho sự phát triển, tỉnh Tây Ninh đang triển khai và nhân rộng các mô hình chuyển đổi cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gắn với công nghệ cao. 

Tham quan mô hình trồng dứa Queen tại huyện Bến Cầu của ông Dương Văn Thanh
Vài năm trước, sản phẩm mãng cầu Bà Đen đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý và đây là một lợi thế rất lớn cho người trồng mãng cầu Tây Ninh. Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần NATANI Nguyễn Thế Tân, mãng cầu là loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế, nếu được đầu tư bài bản, 1ha thu lợi nhuận khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Sản phẩm mãng cầu Bà Đen được canh tác theo quy trình hữu cơ vi sinh. Quá trình canh tác vẫn trên nền tảng của tiêu chuẩn VietGAP nhưng hướng đến organic, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón vô cơ. 
Hiệu quả từ nông nghiệp công nghệ cao ảnh 2         Hệ thống bẫy để bắt côn trùng trên mía của Nông trường Thành Long, huyện Châu Thành
Tây Ninh đang chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất rau trong nhà kính, gồm 33 trang trại với tổng diện tích gần 106.000m². Các loại cây trồng chủ yếu là dưa lưới, dưa lê, rau cải, đang được sử dụng hệ thống tự động hóa trong các khâu tưới nước, bón phân và sử dụng ong mật thu phấn mang lại hiệu quả cao. Nông trại của ông Đoàn Việt Cường ở khu phố Ninh Bình, phường Ninh Sơn (TP Tây Ninh) có diện tích 1.000m² với vốn đầu tư 400 triệu đồng, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, dưa lưới công nghệ cao có thể canh tác được 5 - 6 vụ/năm. Sau 1 năm áp dụng mô hình, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt 2,5 - 3 tấn/1.000m², giá bán tại vườn là 30.000 - 35.000 đồng/kg dưa lưới. 


Theo rà soát của Sở NN- PTNT tỉnh Tây Ninh, hiện nay trên địa bàn đang nở rộ các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao như mô hình sản xuất mãng cầu VietGAP với diện tích hơn 200ha, bưởi da xanh hơn 1.000ha, chuối già xuất khẩu với 380ha, 38 mô hình sản xuất rau an toàn, 33 trang trại trồng rau nhà kính và 90ha sản xuất hoa lan. Các mô hình chuyển đổi từ các loại cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái cũng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Trong xu thế hội nhập hiện nay, nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đang có cơ hội lớn về thị trường để giải quyết đầu ra cho mỗi sản phẩn. Tuy nhiên, xu thế bảo hộ nông nghiệp ngày càng tăng nên sản phẩm phải có tính cạnh tranh khi gia nhập thị trường thế giới ngày càng khắt khe về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên hết, vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang được xem là nhu cầu cấp thiết kèm theo các mục tiêu cụ thể, đến năm 2020 toàn tỉnh có 140.000ha lúa, 62.000ha mì, 10.000ha mía…, với tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hơn 30% tổng giá trị ngành nông nghiệp; có ít nhất 40% sản lượng nông sản thực phẩm an toàn.  

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh tái cơ cấu, xác định nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với du lịch là hướng phát triển trọng tâm, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường; thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa, xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung… Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó giải pháp phát triển theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào trang trại chăn nuôi, vùng ứng dụng công nghệ cao; nâng cấp duy tu các công trình thủy lợi; tập trung đào tạo và thu hút nguồn lực kết hợp tham gia các định chế tài chính từ nguồn Chính phủ để đầu tư nông nghiệp.

Tin cùng chuyên mục