Hồ Kẻ Gỗ ở tỉnh Hà Tĩnh bắt đầu xả nước về hạ du

Lúc 7 giờ 30 phút sáng 12-10, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã tiến hành mở 2 cửa van để xả tràn nước hồ Kẻ Gỗ với lưu lượng 100m3/s. Mực nước trong hồ Kẻ Gỗ tại thời điểm xả tràn là 29,63m.

 
Sáng 12-10, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu tiến hành xả nước về hạ du
Sáng 12-10, hồ Kẻ Gỗ bắt đầu tiến hành xả nước về hạ du

Trước đó, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đã có thông báo thời gian xả tràn hồ Kẻ Gỗ, kết thúc khi căn cứ diễn biến thời tiết, mực nước hồ; lưu lượng xả qua tràn từ 50m3/s cho đến 200m3/s.

Nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản của nhân dân vùng hạ du, Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh đề nghị UBND các huyện: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thành phố Hà Tĩnh và các xã chịu ảnh hưởng trong hệ thống khẩn trương thông báo, đôn đốc và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp an toàn, sẵn sàng ứng phó.

>> Clip xả tràn nước tại hồ Kẻ Gỗ, tỉnh Hà Tĩnh vào sáng 12-10
Trong sáng 12-10, tại Nhà máy thủy điện Hố Hô nằm ở địa bàn huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình vẫn tiếp tục xả nước về hạ du với lưu lượng giảm dần so với nhiều ngày trước đó.

Hiện tại một số địa bàn ở vùng thấp trũng của huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang… tỉnh Hà Tĩnh vẫn đang bị ngập nước gây chia cắt cục bộ.

Trưa 12-10, ông Hoàng Xuân Tần, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ (đây là xã nằm ở bên sông Ngàn Sâu và ở vùng thấp trũng nhất ở huyện Hương Khê), cho biết, đến trưa 12-10 nước lụt trên địa bàn xã đã rút được 1m; hiện tại địa điểm bị ngập nước sâu nhất trên địa bàn xã là hơn 1m và địa điểm bị ngập nước cạn nhất là khoảng trên dưới nửa mét. Việc đi lại của người dân cũng đang phụ thuộc vào thuyền nhỏ, học sinh vẫn đang phải nghỉ học... Trong ngày, tranh thủ nước rút dần, người dân và các lực lượng địa phương tiếp tục tiến hành dọn dẹp, khắc phục hậu quả...

Hồ Kẻ Gỗ vốn mang tên của một làng Việt cổ ở xã Mỹ Duệ (nay thuộc xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) nằm cách trung tâm TP Hà Tĩnh khoảng 20km về phía Tây - Nam. Hồ được xây dựng trên lưu vực sông Rào Cái, rộng gần 2.800ha, dài hơn 30km, gồm 1 đập chính và 3 đập phụ, 3 tràn xả lũ, với dung tích 345 triệu m³ nước, trải dài trên địa phận huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê (Hà Tĩnh). Nước hội tụ từ hàng trăm sông, khe suối của dãy Trường Sơn đổ về, như: Rào Bưởi, Rào Pheo, Rào Trâm, Rào Trường, Khe Môn, Rào Cời, Rào Len, Rào Qéo…

Hồ cung cấp nước tưới cho 21.136ha đất canh tác của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và TP Hà Tĩnh, chống lũ quét, xói mòn cho vùng hạ du, ngăn chặn lũ lụt của sông Rào Cái, cung cấp nước tưới phục vụ công nghiệp và sinh hoạt trong vùng với lưu lượng 1,6m³/s, là nguồn thủy điện có thể phát 2.100 KW/h với 3 tổ máy. Ngoài ra còn góp phần quan trọng cải tạo môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên của cả một vùng rộng lớn, một điểm du lịch sinh thái lý tưởng ở khu vực miền Trung. Bao quanh hồ có 11.811ha rừng tự nhiên, 261ha rừng trồng…

Tin cùng chuyên mục