Hồ tiêu giá thấp, khó phục hồi trong ngắn hạn

Chuyện giá nông sản lên cao rồi xuống thấp là “chu kỳ” theo quy luật cung cầu trên thị trường. Vì vậy, khi hồ tiêu trở về giá thấp, điều đó không làm người trong cuộc ngạc nhiên vì mặt hàng này đã duy trì mức giá cao thời gian khá dài. Vấn đề của ngành hàng hồ tiêu là làm gì trong giai đoạn này?
Đã chạm đáy?
Giá hồ tiêu thời gian qua từng xuống dưới 60.000 đồng/kg, có người dự báo giá có thể giảm xuống dưới mức 50.000 đồng/kg, tức là ngang hoặc thấp hơn giá thành sản xuất.
Hiện nay giá đã nhích lên trên 60.000 đồng/kg. Vì vậy nhiều người liên quan đến việc trồng, kinh doanh hồ tiêu đều quan tâm đến câu hỏi: Giá đã chạm đáy chưa?
Ông Willem Van Walt Meijer, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, phân tích sự gia tăng nhanh chóng sản lượng hồ tiêu thời gian qua là do giá đứng ở mức cao và kéo dài nên diện tích hồ tiêu tăng 3 lần (lên 152.000ha), sản lượng tăng gần 3 lần (180.000 tấn) trong 7 năm (2010-2017), đã đưa kim ngạch xuất khẩu ngành hàng “bé như hạt tiêu” tham gia vào những mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm trở lên.
Những nước sản xuất hồ tiêu xung quanh đường xích đạo từ Đông Nam Á và Nam Á đến Nam Mỹ đều tăng mạnh diện tích, từ 420.000ha lên 600.000ha.
Hồ tiêu giá thấp, khó phục hồi trong ngắn hạn ảnh 1 Thu hoạch hồ tiêu ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: AN MỸ 
Theo Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC), so với năm 2016, tổng sản lượng hồ tiêu thế giới sản xuất năm 2017 tăng 9% (khoảng 40.000 tấn) lên mức 472.000 tấn (nhưng theo Công ty Nedspice - sản lượng hồ tiêu toàn thế giới năm 2016 là 434.000 tấn, đến năm 2017 đã tăng lên 510.000 tấn).
Trong khi nhu cầu hồ tiêu thế giới chỉ tăng 3%/năm thì sản lượng lại tăng 8%/năm, làm cho cung vượt cầu. Các nước có sản lượng tăng mạnh là Brazil, Ấn Độ, Sri Lanka và Việt Nam. Chỉ Indonesia và Thái Lan giảm sản lượng so với 2016.
Giai đoạn 2012-2015, 6 nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới chỉ tăng bình quân 4% - 5%/năm, nhưng năm 2017 tăng trên 18%, nhất là Brazil, Việt Nam và Sri Lanka. Theo ông Willem Van Walt Meijer, phải mất một thời gian để tiêu thụ hết lượng hàng tồn mới có thể giúp hồ tiêu trở lại giá tốt.
Bao giờ phục hồi?
Không dễ gì trả lời câu hỏi này! Nhưng có thể xem lại lịch sử để nhận định thời gian tới. Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Intimex Sài Gòn, nhìn vào biểu đồ giá hồ tiêu từ năm 1981 đến nay, có 3 giai đoạn giá. Trước năm 1984 là thời kỳ giá thấp, sau đó phục hồi và tăng cao nhất ở các năm 1986, 1987, 1988, với giá hồ tiêu đen khoảng 5.000USD/tấn, tiêu trắng 6.200USD/tấn.
Sau đó giá hồ tiêu trở về chu kỳ giảm và thấp nhất vào các năm 1992, 1993 (khoảng 924USD/tấn tiêu đen, 1.380USD/tấn tiêu trắng). Giữa thập niên 1990, giá hồ tiêu bắt đầu hồi phục và đạt đỉnh vào năm 2000: giá 5.300USD/tấn tiêu đen, 8.800USD/tấn tiêu trắng.
Giai đoạn 2001-2006, hồ tiêu trở lại chu kỳ giá thấp. Đến năm 2007 bắt đầu đi vào thời kỳ giá cao và đạt đỉnh cao mới từ 2011 đến 2013, nhưng cao nhất là các năm 2014 và 2015, khi giá hồ tiêu trong nước trên 200.000 đồng/kg và giá xuất khẩu trên 7.800USD/tấn tiêu đen, 11.200USD/tấn tiêu trắng. Năm 2016, hồ tiêu bắt đầu rơi dần xuống và từ năm 2017 đến nay thì bước vào chu kỳ giá thấp.  
Theo VPA, năm 2018, tuy năng suất hồ tiêu tại một số nước sản xuất lớn (trong đó có Việt Nam) giảm, nhưng do diện tích thu hoạch vẫn tăng nên tổng nguồn cung toàn cầu vẫn không giảm, thậm chí cao hơn 2017, đã là áp lực “đè” giá xuống.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư sê (Gia Lai), cho rằng nếu dựa vào đồ thị cung cầu với lượng hàng tồn kho khá lớn từ các nước, tình trạng giá thấp sẽ còn tiếp diễn trong vài năm và nằm yên thêm 1 - 2 năm, sau đó mới có thể phục hồi, do diện tích hồ tiêu Việt Nam và các nước đều giảm mạnh.
Nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm 
Tại hội nghị phát triển bền vững hồ tiêu đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, sự phát triển “thần tốc” của ngành hồ tiêu những năm qua cho thấy, bên cạnh những mặt đạt được cũng đã phát sinh những bất cập. Nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm cho hồ tiêu Việt bị tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng này.
Tái cơ cấu là điều mà Bộ NN-PTNT đặt ra trong thời gian tới với ngành hồ tiêu. Chuyển diện tích những nơi không phù hợp sang cây khác, không phục hồi diện tích khu vực bị dịch bệnh chết nhanh, chết chậm. Đưa diện tích hồ tiêu về ngưỡng 100.000ha.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, để thoát khỏi tình hình này chỉ có con đường là nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu. Với góc độ doanh nghiệp, ông Willem Van Walt Meijer có cái nhìn thiết thực hơn.
Mấy năm nay Công ty Nedspice đã liên kết với khoảng 1.600 hộ (quy mô trồng 1.000ha) ở Bình Phước để hình thành mô hình chuỗi hồ tiêu bền vững. Với tình hình này cần làm tốt 3 việc: Củng cố mối liên kết với nông dân để làm ra sản phẩm tốt nhất nhằm đi vào phân khúc thị trường khó tính, mới có thể bán được giá cao. Rà soát lại quy trình sản xuất, khâu trung gian để giảm chi phí thấp nhất có thể. Và làm cho được khâu truy xuất nguồn gốc dù sản xuất hồ tiêu đều là dạng nhỏ lẻ, khó kiểm soát chất lượng.
Tương tự, lãnh đạo Công ty cổ phần Phúc Sinh cho biết, năm 2014 sản phẩm hồ tiêu đạt chứng nhận sau 2 năm công ty cùng với nhiều hộ nông dân Đăk Lăk thực hiện dự án trồng tiêu theo tiêu chuẩn Rain Forest. Có đến 40% trong số 20.000 - 25.000 tấn hồ tiêu công ty xuất khẩu hàng năm là qua EU, nơi có những yêu cầu rất cao về an toàn thực phẩm. Tất nhiên giá cũng cao hơn.
Theo ông Đỗ Hà Nam, khi nguồn cung vượt cầu, nhà nhập khẩu càng chú ý đến chất lượng, đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Ai làm được điều này sẽ có lợi thế trên thị trường cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Tin cùng chuyên mục