Hỗ trợ bà con Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo

Sóc Trăng là một trong các tỉnh ở ĐBSCL có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 35,76% dân số của tỉnh. Trong đó, bà con dân tộc Khmer chiếm trên 30%. 
Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Nhờ đó, việc giảm nghèo trong bà con dân tộc Khmer luôn đạt ở mức cao…
Hỗ trợ bà con Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo ảnh 1 Nuôi bò giúp nhiều hộ Khmer ở Sóc Trăng thoát nghèo
Nỗ lực giảm nghèo
Gặp chúng tôi lúc chiều muộn, anh Trầm Út, ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đang tất bật chăm sóc các luống hẹ lá, ớt đang chuẩn bị bán. Anh Út cho biết, do đất ít nên anh không trồng lúa mà trồng màu để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, trồng màu thì công sức bỏ ra chăm sóc nhiều hơn, nhưng đối với gia đình có ít đất như anh là lựa chọn hợp lý.
Bên cạnh việc trồng màu, gia đình anh Trầm Út còn nuôi thêm bò thịt và bò sữa nhằm tăng thêm thu nhập ổn định cuộc sống. Chính nhờ tích cực trong lao động, khoảng 2 năm nay gia đình anh Út đã vươn lên thoát nghèo. Trầm Út chia sẻ: “Gia đình có 4 miệng ăn nhưng đất đai ít, lại không có vốn, nên nhiều năm qua gia đình nằm trong diện nghèo của xã.
Từ khi được chính quyền địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà và nhờ dự án giảm nghèo hỗ trợ bò để nuôi, thế là gia đình có điều kiện vươn lên. Khi có được chỗ ở ổn định, gia đình đã tập trung trồng màu và chăm sóc tốt đàn bò. Đến nay, số lượng bò được phát triển lên 5 con. Đây là tài sản lớn nhất mà gia đình có được, cuộc sống bây giờ đỡ vất vả”.
Sau nhiều năm phấn đấu, cuối cùng xã Gia Hòa 1 (huyện Mỹ Xuyên) cũng về đích và được công nhận là xã nông thôn mới. Tuy nhiên, để đạt được thành quả này thì không chỉ Đảng bộ, chính quyền địa phương mà người dân nơi đây đã rất đồng lòng và nỗ lực vươn lên. Ngoài việc đóng góp đất đai, công sức xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông của xã, người dân còn có những việc làm thiết thực để giúp nhau xóa nghèo.
Bà Huỳnh Thị Mai Luận, Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1, cho biết: Để đạt chuẩn nông thôn mới, trong năm 2017, xã tập trung làm 2 tiêu chí còn lại cuối cùng trong bộ tiêu chí xã nông thôn mới là “thu nhập và hộ nghèo”. Bằng nhiều giải pháp thực hiện quyết liệt nên trong năm đã giảm được 62 hộ nghèo, từ 6,7% xuống còn 3,8%.
Đầu năm 2018, xã tranh thủ lồng ghép nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng các mô hình như nuôi bò, trồng màu… Đồng thời, cho các hộ thuộc diện nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc lồng ghép chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo... đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, nâng cao thu nhập. Cách đây 5 năm, hộ nghèo của xã trên 19%, nhưng vào thời điểm hiện tại giảm còn 3,8 %. Đây là một nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và cả người dân.
Theo bà Luận, để duy trì tỷ lệ hộ nghèo ở mức thấp, hạn chế tái nghèo, thì xã phải nỗ lực nhiều hơn nữa; đồng thời tiếp tục duy trì và phát huy các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, phát huy vai trò các tổ hợp tác sản xuất nhằm nâng cao đời sống người dân. Vấn đề quan trọng là đẩy mạnh tuyên truyền ý thức tự nguyện của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, tránh tình trạng ỷ lại hoặc trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Tích cực đầu tư để thoát nghèo bền vững
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sóc Trăng, trong năm qua, các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp tục được đầu tư có hiệu quả. Theo đó, qua rà soát, đến cuối năm 2017, số hộ thoát nghèo của tỉnh là 11.867 hộ. Tổng số hộ nghèo trên địa bàn Sóc Trăng hiện nay còn khoảng 38.304 hộ, chiếm tỷ lệ 11,85% (giảm 3,47% so với năm 2016). Trong đó, hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer là 18.037 hộ, tỷ lệ 17,95% (giảm 5,02% so với năm 2016). Theo đánh giá của các cơ quan chức năng thì đây là một tỷ lệ giảm nghèo khá cao.
Mặt dù kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo rất tích cực, nhưng theo ông Lê Hoàng Điện, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Sóc Trăng: “Trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo còn gặp một số khó khăn, hạn chế như các chương trình, dự án, công trình về cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ và khoa học kỹ thuật… chưa kịp thời; sự phối hợp, trao đổi thông tin báo cáo tình hình triển khai các chương trình, dự án và chính sách liên quan đến mục tiêu giảm nghèo giữa các ngành, các cấp đôi lúc chưa nhịp nhàng, chưa chặt; tính bền vững chưa cao do nhận thức của một bộ phận không nhỏ người nghèo còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa tự lực vươn lên thoát nghèo. Số hộ thoát nghèo sang cận nghèo chiếm tỷ lệ khá cao…”. 
Trước thực tế trên, ông Lê Hoàng Điện cho biết, hiện nay tỉnh tiếp tục đưa ra một giải pháp để công tác giảm nghèo mang lại hiệu quả cao hơn. Theo đó, sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học để trẻ em nói chung và trẻ em thuộc con hộ nghèo, cận nghèo và hộ dân tộc Khmer nghèo nói riêng có điều kiện học tập thuận lợi. Ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở trường, lớp học ở các ấp, xã nghèo, đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới.
Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác khám, điều trị bệnh cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, nhằm tăng khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ y tế. Tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Chính phủ và các nguồn vốn khác để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo. Phát huy, nhân rộng mô hình nhóm tiết kiệm để người dân, nhất là người nghèo tiếp cận được đồng vốn phát triển sản xuất và chăn nuôi; từ đó phát triển kinh tế gia đình.
Cũng theo ông Lê Hoàng Điện, tỉnh sẽ thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực về giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer…

Tin cùng chuyên mục