Hỗ trợ cải thiện “sức khỏe” doanh nghiệp vừa và nhỏ

Theo Sở Công thương TPHCM, đơn vị này vừa phối hợp Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Kinh tế Nhật Bản (JERI) công bố kết quả khảo sát thu thập thông tin về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và (SME) và phát triển công nghiệp tại Việt Nam. 

Theo đó, hầu hết các công ty vừa và nhỏ, nhất là những doanh nghiệp mới khởi nghiệp đều có vấn đề về phát triển khách hàng và đối tác, do không có mối quan hệ với các công ty khác trong thị trường, thiếu kiến thức kinh doanh và quản lý doanh nghiệp. Đặc biệt, không nhận thức được rủi ro liên quan đến khởi nghiệp và thường rất khó tồn tại sau khi kết thúc thời gian hỗ trợ.
 
Về phía hỗ trợ, các đơn vị liên quan cũng còn nhiều bất cập. Đại diện JICA Nhật Bản cho biết, hệ thống tài chính ngân hàng và quỹ đầu tư cho khởi nghiệp là không đủ. Thủ tục hành chính liên quan đến khởi nghiệp rất phức tạp và cần nhiều thời gian. Khung pháp lý (các quyết định của Chính phủ) và việc xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng chưa đầy đủ.

Chuyên gia Công ty Samsung Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp Việt cải thiện quy trình, nâng cao hiệu suất sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ


Trong thời gian tới, để tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, các cơ quan chức năng liên quan cùng với sự hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản sẽ tạo lập mạng lưới các cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, phía Nam (tại TPHCM) kết nối được 12 cơ quan, đơn vị trực thuộc các bộ, sở, ban ngành hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ như: Sở Công thương, Ban quản lý Khu công nghệ cao, Trung tâm Hợp tác nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản (VJCC), Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam, Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại TPHCM…

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, trước đó sở đã triển khai hỗ trợ thí điểm về tư vấn hoạt động cho 10 doanh nghiệp tại TPHCM. Theo đó, các doanh nghiệp đã được các chuyên gia có kinh nghiệm từ Nhật Bản hỗ trợ áp dụng các giải pháp cải thiện nhà xưởng, phát triển chiến lược kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực... góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Phương Đông, trong thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, sở đã triển khai Nghị quyết 16/2018 về việc hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, hỗ trợ lãi vay đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị dây chuyền sản xuất với thời gian hỗ trợ là 7 năm, mức vốn vay tối đa cho 1 dự án là 200 tỷ đồng. Đến nay, đã có 30 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ vốn đầu tư từ chương trình kích cầu đầu tư. Trong đó, 2 dự án đã được UBND TPHCM phê duyệt với tổng vốn đầu tư gần 222 tỷ đồng. 

Không dừng lại đó, nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu thị trường, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm đầu cuối để tìm hiểu nhu cầu cung ứng và thông tin kịp thời đến các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, Sở Công thương TPHCM cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu, kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước tìm hiểu tiêu chuẩn nhà cung ứng, chất lượng sản phẩm; từ đó, từng bước cải thiện năng lực sản xuất để gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong thời gian tới, ngoài những giải pháp cải thiện năng lực sản xuất cho doanh nghiệp, TPHCM tập trung đẩy mạnh chương trình xây dựng danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đây là giải pháp giúp xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục