Hỗ trợ doanh nghiệp qua mạng xã hội

Xu hướng sử dụng internet trong tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp (DN) đang ngày càng phát triển. Qua mạng xã hội, DN có thể phản ánh, thông tin các vấn đề liên quan khi đến các cơ quan quản lý về thuế, đầu tư, kiểm tra chuyên nghành... Từ phía chính quyền, các cơ quan quản lý cũng có thể thông tin nhanh, cần thiết đến DN.

Theo  Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số. Riêng facebook hiện có 60 triệu người dùng và dự báo đến năm 2020 sẽ có 76,6 triệu dân (chiếm 80% dân số) sử dụng điện thoại di động thông minh. Tại TPHCM, thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cũng cho thấy số người dùng facebook tại TPHCM đạt 14 triệu người. Trong khi nhu cầu tiếp cận thông tin - tương tác thông tin qua thiết bị di động, môi trường internet cụ thể là mạng xã hội facebook và ứng dụng OTT ngày càng phổ biến và là xu hướng phát triển trong thời đại kỷ nguyên số. Việc cung cấp thông tin, tương tác thông tin thông qua phương tiện truyền thông xã hội sẽ mở ra thêm kênh tương tác mới, đối thoại hữu ích, đơn giản và thuận tiện giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức, DN. Thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương thời gian qua đã thực hiện đối thoại với người dân trên mạng xã hội, trên cổng thông tin của địa phương. Chính quyền địa phương ứng dụng zalo sớm để tạo kênh truyền thông, giao tiếp với các tổ chức, DN.

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, từ năm 2017, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án “Xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”. Trong đó có nhiệm vụ xây dựng trung tâm dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở. Để triển khai thực hiện, thành phố đã đưa vào sử dụng các cổng thông tin, mạng xã hội như tổng đài tiếp nhận và xử lý cuộc gọi đầu số 1022, tổng đài tiếp nhận tin nhắn SMS thông qua đầu số 1022, hộp thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn và đặc biệt là vận hành Fanpage: facebook.com/1022.tphcm.gov.vn. Mục tiêu cơ bản  của các cổng thông tin là để kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố. Tiếp nữa là xây dựng các kênh tương tác, kênh đối thoại hữu ích giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức và DN theo phương châm “tương tác hiệu quả, kết nối dễ dàng và sử dụng đơn giản”. Ngoài ra, thành phố cũng đẩy mạnh sử dụng mạng xã hội, ứng dụng OTT để thông tin, tuyên truyền rộng rãi cho đề án đô thị thông minh trên. 

Trao đổi về lĩnh vực này, ông Võ Tân Thành, Giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại TPHCM, cho biết việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ khá sớm. Theo đó, Cổng thông tin Chính phủ đã có hai tài khoản facebook là “Thông tin Chính phủ” và “Diễn đàn cạnh tranh Quốc gia” để cung cấp thông tin kịp thời cho các tổ chức, DN nắm bắt. Việc ứng dụng mạng xã hội tương tác giữa chính quyền và DN sẽ giúp DN tiếp cận được nhiều thông tin hơn, giảm nhiều chi phí. Khi có bức xúc, phản ánh các khó khăn, vướng mắc của mình đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng nhanh hơn,  thuận lợi hơn. Trong thời gian tới, việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin được coi là ưu tiên và trở thành phương thức phát triển mới trong các cơ quan hành chính. Ngoài ra, sử dụng mạng xã hội sẽ nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, thay đổi thái độ làm việc, cách thức tổ chức công việc một cách tích cực. Đồng thời, nâng cao mức độ nhạy cảm và phản ứng của cơ quan nhà nước trước các vấn đề của môi trường kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục