Hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng cho người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo

Ngày 13-6, tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến thời điểm hiện nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng cho người chăn nuôi bị ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho biết, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thông qua các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 68 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay 13 tỷ đồng; cho vay mới hơn 275 tỷ đồng. Trước đó, tháng 3, NHNN đã có văn bản số 1901/NHNN-TD yêu cầu các TCTD và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi.

Thông tin từ UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến chiều 13-6-2019, dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại 5/11 huyện, TX, TP của tỉnh Bình Phước với số heo tiêu hủy là 743 con, tổng trọng lượng hơn 45 tấn. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân có heo bị tiêu hủy vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. 

UBND TPHCM vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Theo đó, các địa phương đồng loạt chuyển qua phương án 3 (dịch bệnh đã xuất hiện tại TPHCM). Việc phát hiện lây lan mầm bệnh ở các nơi cho thấy, việc sử dụng thức ăn thừa, con người và phương tiện vận chuyển mang mầm bệnh là nguyên nhân phổ biến, do vậy, UBND các quận, huyện khuyến cáo hộ nuôi không sử dụng thức ăn thừa để nuôi heo. Ngừng toàn bộ hoạt động thăm viếng đối với người bên ngoài vào trại nuôi. Thương lái phải thay ủng khi ra vào; phương tiện di chuyển phải để bên ngoài trại nuôi. Kiểm soát chặt việc kinh doanh thịt heo, sản phẩm thịt heo từ chợ truyền thống đến chợ tạm. 

UBND quận 9 phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y xử lý heo bệnh và heo tiếp xúc mầm bệnh, khoanh vùng dịch. Ngoài việc tăng cường kiểm tra công tác vận chuyển heo và sản phẩm thịt heo, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện ổ dịch mới để khống chế cách ly, ngăn chặn heo bệnh ra ngoài vùng có dịch để tiêu thụ… không để lây lan diện rộng.   

TPHCM cũng đã quyết định thành lập chốt kiểm dịch liên ngành tạm thời tại ngã ba Bình Thuận (góc Tân Tạo, Bình Chánh) đường dẫn vào cao tốc Trung Lương, gần trạm thu phí, khu phố 2, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh. Thời gian hoạt động 24/24 vào tất cả các ngày, kể cả cuối tuần, ngày lễ. Các chốt tạm thời ở các địa phương hoạt động cho đến khi dịch bệnh không còn nguy cơ phát sinh lây lan.  

UBND TPHCM sẽ hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi với mức tối thiểu 80% so với giá thị trường cho heo con và heo thịt. Heo nái và đực giống gấp 1,5 - 2 lần so với mức hỗ trợ các loại heo khác cùng thời điểm. 

Chiều 13-6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì hội nghị khẩn với các doanh nghiệp để thông báo tình hình dịch tả heo châu Phi và đề nghị triển khai các giải pháp cấp bách về cung ứng, dự trữ thịt heo cho thị trường thực phẩm. 

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tính đến thời điểm hiện tại, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại hơn 60 quốc gia ở cả 5 châu lục và các nước đã buộc phải tiêu hủy hàng trăm triệu con heo với tổn thất hàng chục tỷ USD. 

Tại Việt Nam, tính đến ngày 12-6, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55 tỉnh, thành phố, số heo buộc phải tiêu hủy là trên 2,5 triệu con với trọng lượng xấp xỉ 150.000 tấn. 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tính đến thời điểm này, đáng mừng là các doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn về cơ bản vẫn giữ được đàn heo hạt nhân, đàn heo giống. Đây là tài sản, nguồn nguyên liệu quý báu để tái đàn khi điều kiện thuận lợi đến.

Tin cùng chuyên mục