Hóa giải “vạ lây” thành cơ hội

Xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc tác động đến cục diện nền kinh tế thế giới thế nào, kinh tế Việt Nam trong những tháng tới sẽ ra sao là những vấn đề đã được các nhà nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) đưa ra phân tích, đánh giá toàn diện tại cuộc tọa đàm khoa học diễn ra ngày 8-8, tại Hà Nội.

Đưa ra những dự báo về kinh tế 6 tháng cuối năm ở thời điểm này là khá muộn, song các nghiên cứu viên của NCIF có lý do của mình. Nghiên cứu của NCIF tiếp cận tình hình kinh tế vĩ mô từ góc độ nghiên cứu sâu hơn những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc - vốn đang liên tục có thêm diễn biến mới. Gần đây nhất là việc Hoa Kỳ tuyên bố áp mức thuế tới 25% lên 279 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 16 tỷ USD, trong đó có xe gắn máy, đồng hồ tốc độ, ăngten... Không chịu lép vế, Trung Quốc lập tức đe dọa đáp trả đối với tất cả thuế nhập khẩu mà Hoa Kỳ áp đặt lên các mặt hàng của nước này và khẳng định cũng sẽ áp thuế 25% đối với hàng loạt mặt hàng của Hoa Kỳ như: thịt, cà phê, các loại hạt và linh kiện ô tô. 

Trong bối cảnh đó, điểm lại một số nét nổi bật của kinh tế 6 tháng đầu năm 2018, TS Đặng Đức Anh, Trưởng ban Ban Phân tích và dự báo của NCIF, nhấn mạnh, động lực tăng trưởng kinh tế đến từ khu vực sản xuất, trong khi ngành khai khoáng vẫn tiếp tục tái cơ cấu. Cán cân thương mại đạt thặng dư do đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài. Thời gian này, nền kinh tế chịu sức ép lớn từ tỷ giá đồng Việt Nam so với USD. Dựa vào mức tăng trưởng 6,72% của quý 3-2018 và các nền tảng kinh tế Việt Nam, NCIF đã đưa ra mức dự báo tăng trưởng GDP 6,56% cho quý 4 và 6,83% cho cả năm 2018. Nghĩa là không có gì đột phá so với các quý trước và cao hơn một chút so với chỉ tiêu đã được Quốc hội quyết định. NCIF cũng dự báo lạm phát bình quân trong năm 2018 dao động trong khoảng 4% - 4,2%.

Nhìn chung, cuộc đối đầu thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc chưa có tác động rõ nét và trực tiếp đến kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm và dường như 6 tháng cuối năm cũng vậy - các nghiên cứu viên của NCIF nhìn nhận. Tuy nhiên, các tác động gián tiếp là chắc chắn. Sức ép từ việc tăng giá của đồng USD, chính sách bảo hộ thương mại của Hoa Kỳ và các nước khác, đặc biệt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cộng với biến động của giá hàng hóa cơ bản và năng lượng trên thị trường quốc tế đã tạo ra một số thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu và dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể suy giảm, hoạt động sản xuất trong nước cũng sẽ bị ảnh hưởng. Lực đẩy từ khu vực đầu tư nước ngoài đang giảm, không có động lực mới bổ sung, trong khi những nhược điểm cố hữu vẫn tồn tại. Công nghiệp chế biến chế tạo vẫn chủ yếu hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị. 

Liên quan đến vấn đề tỷ giá, việc phá giá tiền đồng có thể thúc đẩy xuất khẩu, nhưng cũng sẽ làm tăng lạm phát và gia tăng chi phí nhập khẩu các nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước; đồng thời làm thị trường Việt Nam trở nên ít hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Để có thể hóa giải những thách thức theo kiểu “vạ lây” thành cơ hội, Việt Nam cần tiếp tục sát sao diễn biến kinh tế thế giới để có những chính sách điều hành linh hoạt trong thời gian tới. Những nỗ lực nhằm tạo ra môi trường kinh doanh minh bạch, tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung và từ Hoa Kỳ nói riêng cần được tiếp tục. Tuy tỷ giá được coi là vẫn trong tầm kiểm soát nhưng cần có những biện pháp kiểm soát, đảm bảo khả năng chủ động đối phó trong mọi tình huống.

Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, cần có nhiều phương án - chủ yếu tập trung vào các biện pháp phi thuế quan - như: tăng cường kiểm tra chất lượng tại các điểm kiểm soát biên giới, hay nâng cao yêu cầu về chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu… nhằm hạn chế các sản phẩm xuất khẩu của Trung Quốc như: dệt may, da giày và đồ gỗ tràn sang Việt Nam sau khi bị Hoa Kỳ áp thuế. Mặc dù hơn ai hết, doanh nghiệp phải là người chủ động với các chiến lược sản xuất kinh doanh của mình để tự tạo cơ hội, giảm thách thức, nhưng sự sát cánh của đội ngũ chuyên gia giỏi trong theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp khi có những biến động bất thường cũng là rất cần thiết. Trong trường hợp này, Chính phủ chính là chiếc “cầu nối” không thể thiếu.

Tin cùng chuyên mục