Họa sĩ Lê Kinh Tài: Đưa hội họa Việt Nam ra thế giới

Họa sĩ Lê Kinh Tài: Đưa hội họa Việt Nam ra thế giới

Không ít người xem tranh của họa sĩ Lê Kinh Tài – một gương mặt nổi bật trong lĩnh vực hội họa những năm gần đây, đều có chung một nhận định: lạ, bút pháp mạnh mẽ nhưng lại có chút trào phúng nhẹ nhàng, thậm chí còn mang hơi thở của vẻ trẻ thơ. Nhưng trên hết, hồn tranh luôn chứa đựng những vấn đề liên quan đến tình cảm, mối quan hệ giữa người với người, những nghĩ suy, dằn vặt, cái nhìn gai góc về cuộc sống…

Họa sĩ Lê Kinh Tài: Đưa hội họa Việt Nam ra thế giới ảnh 1

Tuổi trẻ vất vả, cơ cực luôn là động lực giúp họa sĩ Lê Kinh Tài (ảnh) cố gắng phấn đấu vươn lên, vượt qua những trở ngại để có thể theo đuổi niềm đam mê hội họa. Điểm lại những dấu mốc, sau khi ra trường, Lê Kinh Tài như nhiều họa sĩ trẻ khác, đã chọn phong cách ấn tượng để sáng tác. Thế nhưng, đi trên con đường nghệ thuật như được định sẵn khiến anh có cảm giác mình đang đi vào ngõ cụt, vì những “bóng cả” của làng hội họa đã trùm kín cả một không gian rộng lớn. Buồn nhưng không nản, anh chuyển nghề sang kinh doanh trang trí nội thất với tâm trạng mong tìm sự mới mẻ để chinh phục chính bản thân. Đó cũng là giai đoạn một họa sĩ trẻ được va chạm nhiều nhất với cuộc sống đời thực, với cái đẹp, cái tốt lẫn cái xấu. Cảm nhận rồi bức xúc ấy được anh diễn tả trên giấy với cọ, với màu, trong không gian khép kín của hội họa, của nhiệt huyết luôn được nuôi dưỡng và ấp ủ. Cuối năm 1999, những tác phẩm theo phong cách mới ra đời nhưng không được công bố. Anh cũng chẳng cho ai xem. Các sáng tác lần lượt ra đời nhưng không ai biết…

Mãi đến năm 2005, khi triển lãm đầu tiên được thực hiện, anh nhận khá nhiều cái nhìn kỳ lạ và không ít lời chê bai. Không nản lòng, không nhụt chí, sự bướng bỉnh, lòng kiên nhẫn và tâm hồn của người nghệ sĩ tiếp tục giúp cái tên Lê Kinh Tài dần được nhiều người nhắc đến bằng một sự trìu mến hơn, chia sẻ hơn sau những lần triển lãm tiếp theo. Chưa kể, lối vẽ theo phong cách mới đã giúp anh được tham gia các trại sáng tác quốc tế như: Singapore Art, Indochine Art 2008 ở Boston…

Gần đây nhất, vào tháng 5-2009, anh tham gia trại sáng tác Vermont Studio Center ở Mỹ, do Tổ chức Phi chính phủ quốc tế tổ chức dành cho họa sĩ 56 quốc gia. Anh đã đoạt giải nhất và trở thành hội viên của trại sáng tác này. Đặc biệt, điểm nhấn 2009 của Lê Kinh Tài được dư luận, giới hội họa chú ý là 37 bức tranh của anh được ZEN Colection mua với giá 4,9 tỷ đồng.

Giải cứu hệ thần kinh.

Giải cứu hệ thần kinh.

Khi được hỏi, đó có phải là thành công lớn của anh khi đưa hội họa Việt Nam ra thế giới”, họa sĩ Lê Kinh Tài khẳng định: “Quan trọng hơn là tôi chiến thắng được bản thân mình, dám từ bỏ phong cách hội họa được nhiều người công nhận, đã phát triển… nhưng không phù hợp với bản thân tôi. Tôi thấy mình thành công ở chỗ tìm được con đường sáng tác mới để chinh phục chính mình và dần thuyết phục được giới chuyên môn nhìn nhận phong cách nghệ thuật của tôi ở phạm vi trong và ngoài nước”.

Đạt được khá nhiều kết quả nhưng không kiêu, không thỏa mãn, anh cho biết: “Con đường tôi đã đi qua rất gian khổ, thế nên tôi luôn tự nhủ mình phải nhớ lấy để tiếp tục phấn đấu. Mỗi khi vẽ tranh, tôi lại đối diện với tranh, với những tình cảm, tâm tư tôi có, tôi cảm nhận rất đời thực từ cuộc sống xung quanh mình, trong đó luôn có quãng không gian sống động của thời thơ ấu…”.

Dẫu trong tranh Lê Kinh Tài luôn thể hiện những đề tài khá gay gắt, những mâu thuẫn nội tâm… thế nhưng người thưởng ngoạn tranh lại luôn có được sự cảm nhận rất nhẹ nhàng nhờ giải pháp ngây ngô anh chọn thể hiện trong tranh vẽ, hòa lẫn với nó là chút sắc thái trào phúng, dí dỏm, những mảng màu rực rỡ.

Năm mới đã đến, Lê Kinh Tài chú trọng vào hoạt động triển lãm diễn ra vào khoảng tháng 4 đến tháng 6-2010 ở Boston, tháng 10-2010 tham gia Hội chợ nghệ thuật tại Singapore, tháng 11-2010 sẽ triển lãm cá nhân tại Hội Mỹ thuật TPHCM. Tâm tư với nghề, anh mong muốn: “Hy vọng hội họa đương đại Việt Nam sẽ phát triển ngày một xứng tầm hơn, có sự quảng bá rộng rãi trên thế giới. Trong tương lai, các tài năng trẻ được chăm sóc, đầu tư chu đáo hơn để lĩnh vực hội họa có thêm các họa sĩ trẻ, giỏi nghề để có thể kế thừa, tiếp nối lớp họa sĩ đàn anh đi trước”.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục