Hoàn thiện hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL, yêu cầu cấp bách

Biến đổi khí hậu đã vượt kịch bản
Hoàn thiện hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL, yêu cầu cấp bách

Càng gần Tết Nguyên đán, thông tin nước mặn xâm nhập sâu vào cửa sông, gây thiệt hại hàng ngàn hécta lúa, làm xáo trộn đời sống của người dân các tỉnh ven biển ĐBSCL càng dồn dập. Đây là lời cảnh báo về một mùa khô hạn, xâm nhập mặn khốc liệt hơn sau Tết Nguyên đán. Trong bối cảnh đó, hệ thống thủy lợi ĐBSCL ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu chí tử, gây bức xúc trước diễn cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng.

Nhiều vùng nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau trở nên hoang phế, dần bị sa mạc hóa.

Nhiều vùng nuôi tôm ở bán đảo Cà Mau trở nên hoang phế, dần bị sa mạc hóa.

Biến đổi khí hậu đã vượt kịch bản

“Nước mặn lấn sâu vào đất liền sớm hơn hai tuần so với năm ngoái”, một cán bộ thủy văn ĐBSCL nhận định. Độ mặn trên các nhánh sông lớn thuộc sông Tiền, sông Hậu đều gia tăng và “lưỡi mặn” ngày càng tiến sâu vào đất liền, làm ảnh hưởng hàng chục ngàn hécta lúa ở các tỉnh ven biển trong vùng. “Không chỉ mặn đến sớm, lấn sâu mà chuyện nước ngập cao bất thường cũng đáng lo. Các diễn biến này gần như “vượt khỏi” kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) của Bộ TN-MT đưa ra”, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu lo lắng.

Hàng chục ngàn hécta tôm sú chết, cũng ngần ấy diện tích lúa bị lũ chụp, nước mặn xâm nhập gây thiệt hại ở ĐBSCL trong 2 năm vừa qua là một tín hiệu “đen” cho vựa lúa, vựa thủy sản ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH khốc liệt. Dễ thấy nhất là hệ thống thủy lợi của một số tỉnh ở bán đảo Cà Mau được quy hoạch trước đây thiên về phục vụ sản xuất nông nghiệp là chính. Do đó, khi chuyển dịch cơ cấu sang nuôi trồng thủy sản, hệ thống thủy lợi đã bộc lộ nhiều khuyết điểm.

Cụ thể như Bạc Liêu, hệ thống thủy lợi hiện nay là hệ thống cấp thoát kết hợp do biển Đông và biển Tây đều là nguồn cấp nước và nhận thoát nước. Cái khó là không thể tách riêng hệ thống kênh cấp và hệ thống kênh thoát nước để phục vụ các khu vực nuôi trồng thủy sản. Điển hình hệ thống cống ngăn mặn từ cống Giá Rai đến cống Láng Trâm.

Trước đây chỉ làm nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng nhưng từ khi chuyển đổi sản xuất đến nay các công trình này có thêm nhiệm vụ cấp nước mặn cho vùng chuyển đổi. Nhìn chung hệ thống 21 cống dọc quốc lộ 1A của Bạc Liêu hiện nay chưa đủ khả năng kiểm soát và điều tiết mặn; các cống đã xuống cấp và hư hỏng cửa van. Cửa van có cao trình thấp, không ngăn được nước triều dâng cao bất thường.

Trong khi đó, tiến độ đầu tư nạo vét của một số địa phương không kịp tiến độ bồi lắng của hệ thống kênh; hệ thống kênh cấp 3 và nội đồng hiện nay chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ với hệ thống cấp 1, cấp 2. Với hệ thống kênh mương như thế này, ngành thủy lợi không thể quản lý tốt được môi trường nước theo yêu cầu sản xuất. Môi trường nước đang xấu đi do ý thức cộng đồng chưa cao, các nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, dân sinh… thải trực tiếp xuống hệ thống kênh rạch.

Chuyện tranh chấp lấy nước mặn vùng nuôi tôm và lấy nước ngọt trồng lúa (giáp ranh nhau) liên tục xảy ra cùng một thời điểm trong vùng. Thậm chí cơ chế xả lũ ở các đập vẫn chưa có cơ chế điều hành cấp vùng, gây bức xúc trong dư luận. Đây là một thực trạng buồn, gây nhiều thiệt hại, tăng chí phí đầu tư cho nông dân vùng ĐBSCL.

Ngăn mặn, điều tiết ngọt

Theo Bộ NN-PTNT, tổng vốn đầu tư thủy lợi cho ở ĐBSCL giai đoạn 2006-2012 là 14.870 tỷ đồng, vốn do bộ quản lý là 4.970 tỷ đồng, số còn lại do địa phương quản lý. Bình quân mỗi năm gần 2.200 tỷ đồng đầu tư cho thủy lợi. qua đó, toàn vùng ĐBSCL có 5 hồ chứa, 1.221 trạm bơm vừa, 2.447 cống, trên 80.000km kênh, khoảng 25.900km bờ bao chống lũ, 460km đê biển, 1.600 km đê sông và hơn 200km đê bao giữ nước chống cháy. Những công trình này đã phục vụ tưới tiêu cho 1,4 triệu ha diện tích lúa đông xuân và hè thu, kiểm soát được lũ, ổn định cuộc sống người dân nơi vùng lũ và góp phần cải tạo được vùng phèn Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, bán đảo Cà Mau… Nhìn tổng thể, hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng trồng lúa (chống và thoát lũ) khá tạm ổn. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi tôm, sản xuất lúa ven biển đang hiện ra nhiều yếu kém.

Sau gần 11 năm nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, ĐBSCL đã có một số ít diện tích đất có dấu hiệu bị sa mạc hóa, nhất là ở bán đảo Cà Mau. Đây là hệ lụy từ việc điều tiết nước mặn vào vùng ngọt hóa trong mùa khô để phục vụ nuôi thủy sản quá nhiều bất cập. Cụ thể, khu vực điều tiết nước bán đảo Cà Mau còn “hở sườn” từ phía tỉnh Cà Mau và Kiên Giang, hiện vẫn chưa có công trình điều tiết đầu các kênh trục.

Hiện nay nước mặn không chỉ lấn vào từ biển Đông, mà cũng tràn vào từ biển Tây. “Bộ NN-PTNT cần nhanh chóng xây dựng hệ thống công trình ngăn mặn, điều tiết nước ở sông Cái Lớn, Cái Bé” – ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đề xuất. Đồng quan điểm với ông Lân, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang phân tích: “Nếu xây dựng công trình thủy lợi ở sông Cái Lớn và Cái Bé sẽ giải quyết nhiều vấn đề ở 4 tỉnh (Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu). Cụ thể là ngăn mặn xâm nhập từ biển Tây, chủ động điều tiết nước và xa hơn là chống biến đổi khí hậu từ hướng biển Tây”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012 – 2020 là công trình quy tụ nhiều chất xám từ các nhà khoa học trong và nước tham gia để tạo lực đẩy cho thủy lợi ĐBSCL. Trước mắt, các địa phương cần tổng ra soát và hoàn thiện quy hoạch chi tiết thủy lợi cho từng vùng ngay trong năm 2013. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng yêu cầu các cơ quan chức năng trực thuộc bộ, sớm hoàn thiện bộ máy của ngành thủy lợi đến từng địa phương, nhanh chóng thành lập, đưa vào hoạt động ban điều tiết nước liên tỉnh theo từng vùng. Đây được xem là bước ngoặt để ĐBSCL thay đổi diện mạo cho hệ thống thủy lợi phục vụ trồng lúa và nuôi tôm.

Cao Phong

Tin cùng chuyên mục