Hoàn thiện pháp luật trong thời đại 4.0

Ngày 24-6, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam”.
 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhà nước ta đã có nhiều chính sách quan trọng, đồng thời dành nhiều ưu tiên, nguồn lực cho phát triển khoa học – công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức và một trong số đó là hệ thống pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là trong những lĩnh vực liên quan đến quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư mạo hiểm, công nghệ tài chính ngân hàng (Fintech), tài sản mã hóa, quản lý thuế, bảo hộ dữ liệu cá nhân, chữ ký số và giải quyết tranh chấp trực tuyến…

Hội thảo này nhằm nhận diện những vấn đề pháp lý đặt ra của cuộc CMCN 4.0 và tác động của nó đến hệ thống pháp luật Việt Nam. Trên cơ sở đó xác định hướng tiếp cận, các định hướng và giải pháp lớn nhằm từng bước xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0, đồng thời phát triển khoa học – công nghệ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, kiểm soát rủi ro, vi phạm pháp luật một cách hiệu quả.

Tại Phiên thảo luận 1 về Cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Vietnam Sillicon Valley đề cập đến những rủi ro trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư của cộng đồng startup mà một trong những nguyên nhân quan trọng là hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để thu hút vốn tư nhân.

“Nếu làm tốt việc này không chỉ tốt cho startup giai đoạn đầu mà còn tạo cầu nối giữa nhà đầu tư trong nước, tạo điều kiện và sự yên tâm cho các quỹ đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”,  bà Thạch Lê Anh khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Lê Huy Hòa, Chuyên gia chính sách công nghệ thông tin nhận định cuộc CMCN lần thứ tư làm thay đổi nội hàm khái niệm cốt lõi trong pháp luật dân sự kinh tế đó là “tài sản".
Chuyên gia này nêu ra hàng loạt vấn đề như giới hạn trách nhiệm của người mua bán đến đâu nếu liên quan đến rửa tiền? Việc nộp thuế như thế nào?; Làm thế nào để tận dụng các phương thức khởi nghiệp?; Muốn bán sản phẩm trước khi sản xuất thì áp dụng cách thức nào?; Cơ chế nào để trở thành nhà đầu tư hiệu quả mà không phụ thuộc vào quy mô vốn, tài sản?… Từ góc độ cơ quan quản lý, đó là những vấn đề về an ninh mạng, quản lý dòng tiền, thu thuế, chống gian lận, lừa đảo…

Đại diện Bộ Tài chính, ông Lê Minh Khiêm, Phó trưởng phòng, Vụ Chính sách thuế cho biết, phương thức quản lý thuế hiện nay chưa theo kịp cuộc CMCN lần thứ 4, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ nên dễ tạo rủi ro cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân. Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội cách chính sách thuế phù hợp với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, trong đó tập trung doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chính sách thuế với lĩnh vực công nghệ cao…

Chiều nay, hội nghị sẽ tiếp tục.

Theo dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng.

Tin cùng chuyên mục