Hoãn tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án sà lan đâm sập cầu Ghềnh

Trưa 14-11, sau cuộc hội ý, HĐXX tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ án sà lan đâm sập cầu Ghềnh để điều tra bổ sung...
Hai bị cáo Thượng và Giang tại tòa​
Hai bị cáo Thượng và Giang tại tòa​

Sáng 14-11, TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử các bị cáo Trần Văn Giang (35 tuổi, xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) và Phan Thế Thượng (63 tuổi, thường trú phường 9, quận Phú Nhuận, TPHCM) trong vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh xảy ra tại xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai hồi năm 2016.

Bị cáo Trần Văn Giang bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy”. Trong khi đó bị cáo Phan Thế Thượng bị truy tố về tội “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn” và “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy”.

Liên quan đến vụ án, Nguyễn Văn Lẹ có mặt trên chiếc tàu đẩy sà lan cùng với bị cáo Giang khi tai nạn xảy ra. Nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Lẹ chỉ là người phụ việc trên tàu nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, đến 11 giờ 30 trưa cùng ngày, sau cuộc hội ý, HĐXX tuyên hoãn phiên tòa, trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Trong đó, HĐXX yêu cầu VKSND TP Biên Hòa làm rõ mức thiệt hại của cầu Ghềnh, làm rõ tư cách tố tụng của những công ty liên quan và làm rõ thiệt hại, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với những người lưu thông trên cầu lúc cầu Ghềnh sập.

Trong khi đó, trước khi phiên tòa diễn ra, luật sư Trần Hải Đức, đoàn luật sư TPHCM là luật sư bào chữa cho bị cáo Thượng cũng gửi kiến nghị cho HĐXX cho rằng kết luận của 3 cơ quan giám định rất quan trọng, là căn cứ để xác định về trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại về mặt dân sự nhưng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử số 495/2017/HSS-QĐ ngày 31-10-2017 của TAND TP Biên Hòa lại không triệu tập người giám định để giải thích kết luận giám định là thiếu sót nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự khách quan của vụ án.

Cũng theo luật sư Hải Đức, việc các trụ chống va tại cầu Ghềnh không được đơn vị quản lý, chủ sở hữu tuân theo quy định của pháp luật. Nếu các trụ chân cầu đều có trụ chống va thì hậu quả sẽ không dẫn đến sập trụ cầu. Hậu quả này cho thấy có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cho thấy quá trình điều tra có dấu hiệu bỏ sót người, lọt tội.

Cầu Ghềnh bị sập
Theo cáo trạng, khoảng 8 giờ ngày 19-3-2016, Phan Thế Thượng biết rõ tàu kéo số hiệu SG-3745, không đảm bảo an toàn kỹ thuật, Trần Văn Giang không có bằng thuyền trưởng, nhưng Thượng vẫn giao cho Giang điều khiển tàu kéo số hiệu SG-3745 đẩy sà lan số hiệu SG-5984 chờ cát từ sông Cổ Chiên thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh đến sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.

Khoảng 11 giờ 30 ngày 20-3-2016, Giang điều khiển tàu kéo số hiệu SG-3745 đẩy sà lan hiệu SG-5984 chở cát đến khu vực cầu Ghềnh thuộc địa phận TP Biên Hòa (Đồng Nai). Do Giang không biết cách đưa phương tiện qua khoảng thông thuyền của cầu Ghềnh một cách an toàn, đã để thành bên trái sà lan va chạm vào mặt ngoài trụ cầu số 2. Hậu quả là cầu Ghềnh sập, gây thiệt hại về tài sản với tổng trị giá là 21 tỷ đồng.

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam yêu cầu các bị cáo bồi thường thiệt hại gần 9 tỷ đồng. Cáo trạng của Viện KSND TP Biên Hòa cũng xác định Trần Văn Giang, Phan Thế Thượng và bà Nguyễn Thu Hồng (vợ Thượng) là những người liên đới phải bồi thường thiệt hại cho Tổng Công ty đường sắt Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Tin cùng chuyên mục