Học tập tư tưởng - đạo đức - phong cách Hồ Chí Minh

Học Bác về công tác cán bộ

Có thể chia quá trình Đảng ta vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng ra nhiều thời kỳ. Ở đây, tôi chỉ chia làm hai thời kỳ cơ bản: Thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa. 
Ông Lê Nguyễn Minh Quang là trường hợp người ngoài Đảng được lãnh đạo TPHCM tin tưởng giao trọng trách Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Lê Nguyễn Minh Quang là trường hợp người ngoài Đảng được lãnh đạo TPHCM tin tưởng giao trọng trách Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, hoạt động của Đảng ta được sự chỉ dẫn bởi những quan điểm của Hồ Chí Minh với tư cách là lãnh tụ của Đảng, người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mốc thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng trở thành Đảng cầm quyền. Đảng đã xây dựng trở thành một Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với trách nhiệm do nhân dân giao phó, nhất là Đảng đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của các đế quốc to. Đảng đã thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một nước vốn là thuộc địa - phong kiến, một nước kinh tế tiểu nông, lạc hậu, nơi có số lượng giai cấp công nhân ít, công nhân đại công nghiệp còn ít hơn so với dân cư. Trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhìn chung, Đảng ta vận dụng những quan điểm xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được những kết quả tốt. Đảng đã thấm nhuần quan điểm Hồ Chí Minh về rèn luyện Đảng trở thành một Đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân.
Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay, với tinh thần lấy tư tưởng Hồ Chí Minh, cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin, làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, Đảng đã lãnh đạo sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu của chủ nghĩa xã hội đạt, được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đảng đã tập hợp trí tuệ toàn Đảng và toàn dân để định ra đường lối đúng trong việc phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt, Đảng chú trọng đến công tác xây dựng Đảng, khẳng định đó là nhiệm vụ then chốt - đúng theo tư tưởng Hồ Chí Minh coi Đảng là đội tiên phong, là lực lượng lãnh đạo toàn xã hội, là nhân tố quyết định nhất cho sự thành - bại của cách mạng. Do vậy, Đảng đã đề ra và thực hiện nhiều nghị quyết chuyên về xây dựng Đảng. Trong đó đề ra những nhiệm vụ, những giải pháp cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy những ưu điểm, khắc phục những yếu kém, nhất là ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn, đẩy lùi và xử lý những biểu hiện của “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” trong nội bộ Đảng…
Hiện nay, có một bộ phận cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức. Điển hình như trong công tác bổ nhiệm cán bộ là người nhà, người thân, bổ nhiệm “thần tốc” sai quy định gây nhiều bức xúc trong dư luận. Đây chính là biểu hiện suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viện và vấn đề rất thời sự hiện nay đó là công tác cán bộ. Bác Hồ thường nói cán bộ là cái gốc của cách mạng, mọi việc tốt xấu đều ở nơi cán bộ cả. Khi cán bộ của chúng ta thiếu tu dưỡng, thiếu rèn luyện thì chắc chắn sẽ gây ra hậu quả. Trong thời gian vừa qua, các phương tiện truyền thông đã đưa nhiều tin, bài liên quan đến những trường hợp bổ nhiệm cán bộ, và ai cũng núp dưới cái mác “đúng quy trình” nhưng mà cuối cùng lại cho ra kết quả không đúng. Nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy, đầu năm 1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập thay cho Chính phủ kháng chiến, thì trong Chính phủ mới có những người không phải là đảng viên cộng sản. Tiêu biểu có hai trường hợp là cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau này làm quyền Chủ tịch nước khi Bác Hồ sang thăm Pháp và luật sư Phan Anh, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Khi đó, không phải có một cơ quan nào ngồi làm “quy trình” từ dưới lên trên, mà do Bác, Bác theo dõi, cảm nhận, đánh giá và đề nghị những người tài ra giúp dân, giúp nước. Với cụ Huỳnh Thúc Kháng, Bác viết thư đề nghị cụ ra giúp đỡ Chính phủ mới, nhưng cụ từ chối. Khi Bác đặt vấn đề một lần nữa thì cụ quyết định ra tận Hà Nội để từ chối chính thức. Nhưng khi ra Hà Nội gặp Bác và cảm nhận ở Bác có một tâm hồn rộng lớn bao la, một sự chân thành thì cụ Huỳnh Thúc Kháng đã nhận lời và hoàn thành rất tốt chức trách của mình. Đó không phải là làm theo “quy trình” như cách hiểu của chúng ta hiện nay nhưng lại cho ra đáp số rất đúng.
Tư tưởng của Bác về trọng dụng người tài được thể hiện rất rõ. Bác luôn muốn có người tài, nhưng người tài phải có đức. Nếu người tài được trọng dụng mà không có đức thì có khi lại gây hại cho đất nước. Thời kỳ của Bác, nhiều người có quan điểm ngược với Bác, nhưng Bác vẫn đưa vào Chính phủ với mục tiêu phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước. Điều này thì thế hệ sau phải học và làm theo Bác. Xã hội hiện nay có rất nhiều người tốt, nhiều tấm gương khiến tôi thấy cảm động, tuy nhiên cũng có tồn tại những mặt xấu mà báo chí đã nêu. Báo chí có chức năng phản ánh những mặt tiêu cực, phản ánh những bất cập trong xã hội hiện nay là rất cần bởi nó mang tác dụng cảnh báo để răn đe, tránh những việc làm xấu diễn ra trong xã hội. Như vậy, việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác là rất quan trọng, trong đó phải đặc biệt chú ý đến công tác cán bộ.
PGS-TS NGUYỄN MẠNH HÀ 
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng

Tin cùng chuyên mục