Học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2018: Cô bé nghèo vùng biên và ước mơ blouse trắng

Trải qua chặng đường lắm gian nan, khi gánh nặng cuộc sống bủa vây em từng ngày, nay Trang đã là sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM).  

Tranh thủ ngày nghỉ học, Trang về Bình Phước, theo mẹ lên lô bóc mủ cao su thuê
Tranh thủ ngày nghỉ học, Trang về Bình Phước, theo mẹ lên lô bóc mủ cao su thuê
Từ ánh đèn dầu leo lét giữa núi rừng biên ải xa xôi, cô học trò nghèo Nguyễn Thị Quỳnh Trang (sinh năm 1999, ngụ ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) luôn ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ. Trải qua chặng đường lắm gian nan, khi gánh nặng cuộc sống bủa vây em từng ngày, nay Trang đã là sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM).  
Đèn dầu thắp sáng ước mơ 
Căn nhà dột nát trống trước hở sau là nơi bao năm qua 3 mẹ con Trang rau cháo có nhau. Quanh năm quay quắt với nghèo đói, ăn bữa nay lo bữa mai. Tài sản đáng giá của gia đình là cái tivi và chiếc xe máy cũ kỹ làm phương tiện đi lại. Cuộc trò chuyện đôi lúc ngắt quãng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào. Quỳnh Trang cho biết cha mẹ chia tay khi em còn bé, hai chị em Trang sống với mẹ trong ngôi nhà tạm được dựng bằng tre nứa, lợp lá đơn sơ nằm trơ trọi giữa rừng. Không vườn rẫy, hàng ngày mẹ của Trang phải cặm cụi cạo mủ cao su và lượm điều thuê kiếm sống, chắt chiu từng đồng để nuôi các con ăn học. 
Thương thân mẹ oằn trĩu vì gồng gánh nuôi con, Trang tự nhủ sẽ cố gắng học thành tài. Nơi Trang ở, mãi đầu năm 2017 đường điện mới được kéo về, nên quãng thời gian trước đó Trang phải học dưới ánh đèn dầu leo lét. Thế nhưng chính ánh đèn dầu ấy đã thắp sáng ước mơ của em. “Đường đến với con chữ cũng lắm gian nan, hàng ngày phải vượt cả chục cây số. Mùa mưa sình lầy, đường đến lớp bị xé toang bởi nước lũ cuồn cuộn; mùa khô thì nắng cháy da, gió bụi mù mịt”, Trang kể. Ngoài việc học, Trang cũng vất vả với công việc bóc mủ trên lô cao su phụ mẹ những lúc rảnh rỗi. Hoàn cảnh khó khăn vẫn không làm cô học trò nghèo chùn bước. 
Để ước mơ thành hiện thực
Nơi miền sơn cước, không nhiều học trò có được kết quả học tập như Quỳnh Trang. 12 năm liền, Trang đều là học sinh giỏi và mang về nhiều thành tích cho ngôi trường vùng biên viễn. Thời gian như con thoi, rồi mùa tuyển sinh đại học cũng đến. Với số điểm 27,75 đạt được trong kỳ thi THPT quốc gia, Trang đậu vào Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Gói ghém hành trang rời vùng quê hẻo lánh, Trang lên thành phố để hiện thực hóa ước mơ blouse trắng. Nhưng áp lực “cơm áo gạo tiền” từng ngày đè nặng, phần nào ngăn cản ước mơ của nữ sinh viên nghèo.  
Trang cho biết, trường cách xa nơi em ở trọ cả chục cây số, không có xe máy, em phải đến trường bằng xe buýt. Sau mỗi buổi miệt mài trên giảng đường, Trang tất tả trở về phòng trọ. Vội vàng ăn tạm vài muỗng cơm canh, em tiếp tục đón xe đi dạy thêm. Hình ảnh cô sinh viên nghèo dễ mến vật lộn mưu sinh giữa đô thị phồn hoa khiến nhiều người thương cảm. “Từ quê nghèo lên phố thị, nhiều lúc em thấy lạc lõng. Mẹ nghèo không thể chu cấp thường xuyên, hàng ngày em phải bươn chải để kiếm sống. Học phí ngày càng tăng khiến em lo lắng, sợ không có tiền để theo đuổi giấc mơ”, Trang sụt sùi.
Trưởng ấp Thạnh Tây Nguyễn Thanh Hiền tỏ vẻ tự hào khi nói về Trang: “Trang trở thành tấm gương sáng để các em nhỏ trong vùng noi theo. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có những phương án giúp đỡ gia đình cháu Trang giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Khi bài báo này lên khuôn thì một tin vui cũng đến. Trang được chọn là một trong 4 sinh viên ngành Y của Trường Đại học Y Dược TPHCM và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch được xét chọn nhận học bổng Nguyễn Văn Hưởng năm 2018 với giá trị học bổng toàn phần là 25 triệu đồng/năm, cho suốt 6 năm học. 

Tin cùng chuyên mục