Học sinh cần được biết

Đầu năm học, tất cả học sinh đều được yêu cầu nộp hình thẻ để bổ túc hồ sơ nhập học. Ngoài các quy định về đồng phục áo, phông nền, khổ hình chụp, giáo viên ở một số trường tiểu học không quên dặn dò học sinh phải nghiêm trang, không được cười hoặc thể hiện các động tác biểu cảm trên gương mặt.

Một học sinh cắc cớ hỏi lại cô giáo: “Vì sao hình thẻ không được cười ạ?” thì giáo viên lộ rõ lúng túng, chỉ trả lời do quy định chung của ban giám hiệu. 

Trường hợp khác, trong phần hướng dẫn cách cầm bút của quyển “Tập viết lớp 1” (vở bài tập có trong danh mục sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành) có in dòng chữ “Khuyến khích học sinh không cầm bút bằng tay trái”. Quy định gây khó hiểu cho phụ huynh lẫn giáo viên. Trước đó, trong các văn bản hướng dẫn chuyên môn của ngành giáo dục, yêu cầu giáo viên phải tôn trọng sự khác biệt của mỗi học sinh, tạo điều kiện cho các em phát huy năng lực, phẩm chất cá nhân.

Ở góc độ khác, học sinh Trường Tiểu học L.Đ.C (quận 3, TPHCM) sau giờ học đã kể lại với phụ huynh về việc bị cô giáo chủ nhiệm bắt úp mặt xuống bàn trong tất cả giờ chuyển tiết. Nguyên nhân là do “lớp đông quá, bạn nào cũng nói chuyện lớp sẽ thành cái chợ. Úp mặt xuống bàn là cách duy nhất để giữ trật tự trong lớp”. Hình thức úp mặt này cũng được giáo viên áp dụng phạt học sinh chưa ngoan. Thành ra, học sinh “mơ hồ” về mục đích mệnh lệnh của giáo viên, đồng thời nhận thức sai lệch về ý nghĩa của giờ chuyển tiết. 

Còn tại một trường THCS ở quận 5, trước tình hình học sinh đầu cấp gia tăng đột biến, nhà trường phải cắt giảm số lượng các lớp bán trú. Chủ trương này “đi thẳng” vào nội quy trường học và trở thành một trong những hình thức xử phạt học sinh. Cụ thể, nếu học sinh bán trú vi phạm nội quy trường học có thể bị chuyển qua lớp học một buổi. Dư luận trong phụ huynh học sinh cho rằng, xử phạt như vậy khiến việc học bán trú trở thành áp lực đối với học sinh và đâu đó trong các em đã xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực như “chỉ học sinh ngoan mới được học bán trú” hoặc “lớp học một buổi không phải lớp con cưng của nhà trường”. 

Ở các trường hợp vừa nói trên, nhà trường cần chủ động đối thoại, giải thích rõ cho học sinh hiểu về những quy định cũng như ngoại lệ trong nhà trường, giúp các em hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa của các phương pháp giáo dục. Ngành giáo dục đặt ra định hướng lấy học sinh làm trung tâm. Do vậy, các em không chỉ đến trường nhận lấy kiến thức, mà các em cần được dạy ý thức tìm hiểu, tư duy phản biện. Khi các em không hiểu hoặc hiểu chưa tới, hệ quả thật khó đo lường!

Tin cùng chuyên mục