Học sinh nghỉ học thứ bảy: Muốn, nhưng sợ không khả thi

Trong tình hình cụ thể của nước ta, hầu hết các trường THCS, THPT chỉ có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, do đó Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã chọn giải pháp tiếp tục bố trí học sinh học ngày thứ 7 trong tuần.
Việc có nên để học sinh trung học nghỉ học cuối tuần hay không vẫn là vấn đề gây tranh luận
Việc có nên để học sinh trung học nghỉ học cuối tuần hay không vẫn là vấn đề gây tranh luận

Trong quá trình thoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, đáng chú ý có nội dung về thời gian học tập của học sinh phổ thông, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đưa ra đề xuất không học cuối tuần ở các cơ sở giáo dục phổ thông để xin ý kiến. Đây là vấn đề mà xã hội rất quan tâm và có nhiều ý kiến tranh luận.

"Trẻ em bây giờ học quá khổ"

Hiện nay ý kiến của các chuyên gia cũng đang rất khác nhau và chia thành 2 luồng: tán thành và không tán thành.

Với quan điểm tán thành, PGS-TS Trần Ngọc Giao, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng Luật Giáo dục nên quy định học sinh phổ thông không học thứ bảy, chủ nhật để phù hợp với luật lao động, “trả” các em về cho gia đình để trải nghiệm cuộc sống, gắn kết yêu thương gia đình, đề cao trách nhiệm nuôi dạy trẻ vị thành niên của gia đình.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đồng tình luật nên quy định học sinh phổ thông được nghỉ học thứ 7, chủ nhật, bảo đảm quyền trẻ em, vì "trẻ em bây giờ học quá khổ".

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội lại cho rằng không nên bỏ học thứ bảy, chủ nhật mà nên giao các trường chủ động bố trí lịch học. Nhất là tới đây thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới, có nhiều hoạt động giáo dục trải nghiệm, nếu nghỉ thứ bảy các em bị hạn chế thời gian trải nghiệm. Hơn nữa mỗi trường, mỗi địa phương lại có những chuẩn đầu ra khác nhau.
“Ví dụ như Hà Nội, TPHCM khó có thể chỉ thực hiện dựa vào chuẩn đầu ra tối thiểu như các tỉnh thành khác. Tương tự, các trường chất lượng cao có thể đặt ra các chuẩn đầu ra khác các trường đại trà. Vì vậy, không nên quy định không học vào cuối tuần mà nên để các cơ sở giáo dục, địa phương tự sắp xếp thời gian để đảm bảo chuẩn đầu ra”- GS-TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh.
Ông cũng đưa ra nhận xét: “Chúng ta lo học sinh Việt Nam học quá tải nhưng thực tế học sinh thế giới còn học nhiều thứ hơn Việt Nam, dĩ nhiên học sinh họ học nhiều thứ thiên về kỹ năng, còn chúng ta quá tải về kiến thức”.

Về phía các giáo viên, đáng chú ý theo ghi nhận chung, rất nhiều người tán thành cho học sinh nghỉ học cuối tuần để học sinh cũng như thầy cô tái tạo sức khỏe, có thời gian nghỉ ngơi bên gia đình, tham gia các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường. Giáo viên cũng sẽ giảm bớt áp lực, có thêm giời gian để nghỉ ngơi, bên gia đình và tập trung cho biên soạn giáo án, tìm sáng kiến trong giảng dạy…

Tuy nhiên, các thầy cô lại rất băn khoăn, lo lắng nếu nghỉ học thứ 7 thì các tiết học sẽ phải dồn lên cho các ngày trong tuần, khiến cho việc dạy và học lại áp lực.

“Nếu nghỉ thứ 7 thì chương trình của ngày thứ 7 sẽ chia ra cho các ngày trong tuần khiến việc học nặng hơn. Nếu số tiết và số môn cũng như chương trình học không giảm thì việc nghỉ học thứ 7 lại thành áp lực”, một cô giáo ở TPHCM chia sẻ.

Thực tế, theo cô giáo này, khi được nghỉ 7, một số nơi phải tăng tiết học vào các ngày trong tuần, sáng phải học sớm hơn và 12 giờ kém 15 mới được tan học về thay vì 11 giờ 15 như khi học thứ 7.

Trong khi đó, một số cô giáo ở Hà Nội lại có quan điểm nên cho học sinh nghỉ thứ 7 để thầy lẫn trò có thêm thời gian tái tạo sức lao động, học tập. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của gia đình vẫn làm việc thứ 7, không có thời gian trông con, nên chăng các trường tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm để học sinh vẫn đến lớp.

Không khả thi?

Về phía phụ huynh, rất nhiều người tán thành cho học sinh nghỉ cuối tuần.

Chị Hồng Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, trường con chị không đủ lớp nên phải chia ca học. “Con học ca chiều, từ 13 giờ và phải học cả thứ 7, cả tuần gần như không có giấc ngủ trưa. Nhiều trưa thứ 7 chở con đến lớp, con ước giá như được nghỉ thứ 7 để ở nhà ôm mẹ ngủ, vì mẹ được nghỉ làm thứ 7”, chị Thu tâm sự. 

“Không chỉ nghỉ thứ 7, tôi thậm chí mong muốn các con chỉ phải học buổi sáng thôi, còn các buổi chiều trong tuần ở trường con được chơi các môn thể thao, văn hóa nghệ thuật”, chị Bùi Anh Thư (Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội) cho hay.

Chị Nguyễn Huyền Ngân (thành phố Vinh, Nghệ An) cho rằng các môn học chính thì nên học các ngày trong tuần, còn thứ 7 chỉ dành riêng cho những môn kỹ năng sống, hoạt động ngoại khoá.

“Điều này nhằm giúp các gia đình không muốn cho học con học thứ 7 thì có thể không tham gia mà cũng không bị ảnh hưởng đến chương trình học”, chị Huyền Ngân đề xuất.

Thực tế, hiện nay tại các trường công lập cấp học mầm non, tiểu học cơ bản hực hiện nghỉ học thứ 7, chỉ trừ một số trường do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được nên học sinh luân phiên học vào thứ 7.

Đối với các trường THCS, THPT đa số đều đi học thứ 7, chỉ được nghỉ duy nhất ngày chủ nhật. Nhưng việc xem xét để học sinh đi học 5 ngày trong tuần và nghỉ trọn hai ngày cuối tuần thì nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét kỹ trước khi triển khai đại trà bởi nội dung chương trình, cơ sở vật chất không phải trường nào cũng đủ điều kiện để cắt một ngày học.

Đáng chú ý, trong báo cáo về việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, Ban phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông mới đưa ra số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD năm 2009: ở lứa tuổi từ 7 đến 15 (lớp 1 đến lớp 9), ở các nước trong tổ chức này tính trung bình mỗi học sinh học 7.390 giờ trong một năm học.
Trong khi đó, theo dự thảo của Chương trình giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, tổng thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS trong một năm học chỉ đạt 5.909 giờ. Học sinh ở các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) học cả ngày, còn nước ta, theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày và học sinh THCS vẫn học 1 buổi/ngày. Nếu học sinh nghỉ học ngày thứ 7 thì hoặc phải giảm bớt nội dung so với chương trình các nước cho phù hợp với thời gian bị giảm, chương trình sẽ thiếu hụt; hoặc phải thực hiện tương đối đủ nội dung so với chương trình các nước trong khi số giờ học bị giảm, chương trình sẽ quá tải.
Trong tình hình cụ thể của nước ta, hầu hết các trường THCS, THPT chỉ có thể tổ chức dạy học 1 buổi/ngày, do đó về phía Ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông đã chọn giải pháp tiếp tục bố trí học sinh học ngày thứ 7 trong tuần.

Tin cùng chuyên mục