Học viện Lục quân: Nâng cao chất lượng đào tạo

Ngày 7-7-1946, Tổng Quân ủy quyết định mở lớp huấn luyện bổ túc quân sự khóa 1. Từ đó, ngày 7-7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Học viện Lục quân. Với hơn 300 khóa học, học viện đã đào tạo cho quân đội hơn 40.000 cán bộ chỉ huy - tham mưu cấp  trung, sư đoàn và tương đương, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 7-7-1946, Tổng Quân ủy quyết định mở lớp huấn luyện bổ túc quân sự khóa 1. Từ đó, ngày 7-7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của Học viện Lục quân. Với hơn 300 khóa học, học viện đã đào tạo cho quân đội hơn 40.000 cán bộ chỉ huy - tham mưu cấp  trung, sư đoàn và tương đương, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.         

Để nâng cao chất lượng đào tạo, từ nhiều năm nay, Đảng ủy -  Ban Giám đốc Học viện Lục quân luôn xác định, muốn nâng cao được chất lượng đào tạo, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thực hiện chủ trương đại học hóa đội ngũ sĩ quan quân đội theo Nghị quyết 93 của Đảng ủy quân sự Trung ương, để đáp ứng  mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ và quy mô, hình thức tổ chức đào tạo, từ năm 1998 đến nay, học viện đã tích cực chủ động triển khai công tác đào tạo hoàn chỉnh bậc đại học và sau đại học.

Đến nay, học viện đã đào tạo được 18 khóa nghiên cứu sinh, trong đó có 125 học viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ; 32 khóa cao học với hơn 700 học viên đã tốt nghiệp. Hiện nay, 100% đội ngũ cán bộ, giảng viên của học viện có trình độ đại học, trong  đó gần 50% có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Riêng đội ngũ giảng viên có 73,23% có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Toàn học viện có 48 đồng chí được công nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư. Đây chính là vốn quý và là nhân tố quyết định đến việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của học viện.

65 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Lục quân vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Dịp này, học viện đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng.

Những năm qua, học viện đã chủ động đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo và phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học viên theo hướng thiết thực, hiệu quả, giảm thời gian lên lớp học lý luận, tăng thời gian thực hành và học tập thực tế. Chương trình, nội dung các đề mục huấn luyện được thực hiện theo hướng liên thông. Là một nhà trường quân sự, đối với các môn khoa học xã hội nhân văn và nhân văn quân sự, học viện tổ chức giảng dạy theo từng chủ đề, vận dụng sát với yêu cầu môn học.

Thường xuyên đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy, trong đó chú trọng phương pháp dạy học tích cực, nhằm phát huy tính sáng tạo của học viên. Coi trọng việc trao đổi, đối thoại giữa giảng viên và học viên về những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là thực tiễn quân sự. Nhờ tích cực đổi mới phương pháp dạy và học nên chất lượng đào tạo của học viện đã được nâng cao rõ rệt. Các học viên tốt nghiệp ra trường về các đơn vị công tác, chiến đấu đều phát huy tốt kết quả học tập, rèn luyện tại học viện.

Không chỉ làm tốt công tác đào tạo, học viện còn làm tốt công tác nghiên cứu khoa học. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học của học viện đã được vận dụng, phục vụ kịp thời và có hiệu quả cho nhiệm vụ chiến đấu trong chiến tranh giải phóng cũng như trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Với những kết quả nghiên cứu khoa học của mình, học viện đã đóng góp tích cực vào nền nghệ thuật quân sự Việt Nam. Ngoài nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân đội trong nước, học viện còn đào tạo được hàng ngàn cán bộ trung, cao cấp cho quân đội hai nước Lào và Campuchia, đồng thời, học viện cũng cử nhiều cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm giúp đào tạo cán bộ và xây dựng hệ thống nhà trường quân đội cho hai nước bạn.      

Trung tướng - PGS.TS Nguyễn Đức Xê, Giám đốc Học viện Lục quân

Tin cùng chuyên mục