Hồi âm loạt bài “Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi?”- Cần nhà đầu tư tiềm năng và quản lý có kinh nghiệm

Giáo dục đại học Việt Nam đang phải đụng đến một bài toán nan giải là tìm giải pháp tối ưu dung hòa giữa nhu cầu của số lượng và yêu cầu về chất lượng. Những vấn đề liên quan đến các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) mà Báo SGGP trong loạt 5 bài cuối tháng 4 vừa qua đã phần nào cho thấy một khía cạnh của bài toán này.
Hồi âm loạt bài “Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi?”- Cần nhà đầu tư tiềm năng và quản lý có kinh nghiệm

Giáo dục đại học Việt Nam đang phải đụng đến một bài toán nan giải là tìm giải pháp tối ưu dung hòa giữa nhu cầu của số lượng và yêu cầu về chất lượng. Những vấn đề liên quan đến các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) mà Báo SGGP trong loạt 5 bài cuối tháng 4 vừa qua đã phần nào cho thấy một khía cạnh của bài toán này.

Sinh viên ĐH Dân lập Văn Lang trong giờ thực tập về tài chính kế toán. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên ĐH Dân lập Văn Lang trong giờ thực tập về tài chính kế toán. Ảnh: MAI HẢI

Hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL đã bắt đầu bộc lộ sự phân hóa và những bất cập trong quản lý. Nếu như về mặt số lượng hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL còn đáp ứng phần nào nhiệm vụ được giao thì về mặt chất lượng – qua phân tích của Báo SGGP – đã đến lúc cần có những chấn chỉnh cần thiết.

Những bất cập chất lượng tập trung ở cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ cán bộ quản lý và nhất là đội ngũ giảng viên. Theo chủ quan cá nhân của chúng tôi, nguyên nhân bất cập đó nằm chủ yếu ở 1) khâu quản lý hành chính, tài chính ở nhiều trường ĐH, CĐ NCL còn yếu kém, lỏng lẻo và thiếu minh bạch công khai; 2) cơ chế thành lập và quy chế hoạt động chưa rõ ràng nên dễ đưa đến xung đột quan điểm và trách nhiệm giữa Hội đồng quản trị và Ban Giám hiệu nhà trường; 3) giám sát của cấp trên chưa định kỳ thường xuyên nên các sai lệch ban đầu sẽ từ bé hóa to.

Phải khắc phục được các nguyên nhân mới giải quyết được các bất cập đó. Chúng tôi đánh giá Bộ GD-ĐT đang có những biện pháp quyết liệt để chấn chỉnh. Trước hết đó là sử dụng công cụ kiểm định chất lượng giáo dục đại học để giám sát hoạt động của các trường ĐH, CĐ và xem đây là một biện pháp chính thức để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam.

Với quy mô gần 430 trường ĐH, CĐ như hiện nay (trong đó số lượng các trường ĐH NCL khoảng 40 trường, chiếm 1/4 tổng số trường ĐH và số lượng các trường CĐ NCL khoảng 30 trường, chiếm hơn 10% tổng số các trường CĐ), chỉ có quy định về kiểm định chất lượng giáo dục thông qua đánh giá ngoài và kết luận về chất lượng của Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng Giáo dục mới đủ sức răn đe ngăn chặn sự vượt rào thấp hơn chuẩn của nhiều cơ sở đào tạo.

Đến nay, đã có khoảng 350 trường ĐH, CĐ đã và đang tự đánh giá. Tuy nhiên, tốc độ đánh giá ngoài để Hội đồng Quốc gia Kiểm định chất lượng Giáo dục công bố kết quả chất lượng của cơ sở đào tạo hiện chậm và lại tập trung chủ yếu vào các trường ĐH công lập lâu đời.

Đến nay chỉ mới có 20 trường ĐH hoàn tất đánh giá ngoài, trong năm 2009 dự kiến sẽ có thêm 60 trường ĐH, e rằng khó lòng đạt kế hoạch năm 2010 để có ít nhất 80% trường đại học và 50% trường cao đẳng được đánh giá ngoài.

Trở lại các trường ĐH, CĐ NCL, việc thành lập lúc đầu và hoạt động tiếp theo của một trường ĐH, CĐ NCL cần phải mang tính chất dài hơi theo từng chiến lược trung hạn và dài hạn. So với một doanh nghiệp làm ăn lỗ lã phải phá sản thì việc đóng cửa một trường ĐH, CĐ có tác động xấu và rộng lớn hơn nhiều, vì sản phẩm của nhà trường là con người.

Như vậy việc thành lập và hoạt động của một trường ĐH, CĐ NCL cần các nhà đầu tư có tiềm năng và những nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm. Hai nhà này cùng nhau thống nhất chiến lược hoạt động của nhà trường thì sự bắt tay hợp tác mới bền vững. Trong hoàn cảnh của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy các tập đoàn công nghiệp lớn của đất nước, cũng là nơi sử dụng nguồn nhân lực qua đào tạo nhiều nhất hiện nay chính là những nhà đầu tư có tiềm năng nhất.

Theo thông tin mà chúng tôi có được, ngoài những trường ĐH, CĐ do các doanh nghiệp đã được thành lập như Trường ĐH FPT của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT Việt Nam, Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà với cổ đông chiến lược sở hữu 10% vốn pháp định của tập đoàn công nghệ CMC, hiện có một số dự án chuẩn bị thành lập trường của các tập đoàn tiềm năng mạnh như Trường ĐH Dầu khí Việt Nam của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Trường Đại học quốc tế Miền Đông của Công ty Becamex…

Đây chính là những bảo đảm vững chắc cho cung ứng tài chính hoạt động lâu dài cũng như thực hiện các cam kết về đầu tư cơ sở vật chất trong đề án thành lập trường. Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị phải “thuê” được hiệu trưởng là những người có kinh nghiệm quản lý giáo dục (chứ không phải chỉ là một thầy giáo giảng dạy giỏi đã về hưu) để đảm bảo hoạt động của nhà trường đúng theo quy định, quy chế và pháp luật nhà nước.

Bên cạnh đó, quá trình hoạt động của nhà trường phải công khai và minh bạch. Thứ nhất, công khai chất lượng đào tạo (tức công khai đội ngũ, giáo trình, chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất...). Thứ hai, phải công khai nguồn lực, tức chuẩn bị bao nhiêu giảng viên có chất lượng. Con số này phải được đưa lên mạng, công khai các giảng viên của bộ môn này ở trường mình gồm những ai.

Cuối cùng là các trường phải công khai tài chính. Đây là điều mà các trường đại học phải học tập ở các doanh nghiệp. Hàng năm các doanh nghiệp đều có báo cáo thường niên, trong đó phần chi thu tài chính được trình bày rất rõ để thấy được tính đúng đắn và hiệu quả việc sử dụng tài chính của đơn vị, từ đó cũng hạn chế được sai phạm, tiêu cực, dù là vô tình hay cố ý.

Đây cũng chính là điều kiện giúp nhà đầu tư và nhà quản lý hiểu và tin được nhau, nói trắng ra là kiểm soát được nhau khi cùng hoạt động.

Các trường ĐH, CĐ NCL hiện nay phải thay đổi tư duy bởi việc “mở cửa” giáo dục đại học bên cạnh các tác động thúc đẩy sự phát triển giáo dục đại học còn đặt các trường trước 2 dự báo xấu: lần lượt đóng cửa hoặc phá sản; nhường thị phần cho nước ngoài.

TS Nguyễn Đức Nghĩa
Phó Giám đốc ĐHQG-TPHCM

Thông tin liên quan

- Hồi âm loạt bài “Đại học ngoài công lập: Đang bị thả nổi?” - Rõ hơn thực trạng “có sinh mà không có dưỡng”

- Đại học ngoài công lập đang bị thả nổi?

Tin cùng chuyên mục