Hội chợ sách Frankfurt: Tôn vinh giá trị giáo dục của sách hơn giá trị kinh tế

Hội chợ Sách Frankfurt (Đức) lâu nay là sự kiện thu hút được sự quan tâm của người làm sách cũng như bạn đọc trên khắp thế giới. Thời gian qua, với sự kết nối ngày càng mở rộng của ngành xuất bản Việt Nam, Hội chợ Sách Frankfurt đã dần trở thành một điểm đến quen thuộc với giới xuất bản trong nước. 
PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News Trí Việt, đơn vị đã gây được dấu ấn tại hội sách khi mua được bản quyền cuốn sách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Hội chợ sách Frankfurt: Tôn vinh giá trị giáo dục của sách hơn giá trị kinh tế ảnh 1  Tổng thống Pháp trao bản quyền chuyển ngữ tiếng Việt cuốn sách cho ông Nguyễn Văn Phước
* PV: Một trong những thông tin quan trọng nhất mà các đơn vị xuất bản trong nước hay chú ý là thông qua Hội chợ Sách Frankfurt (HCS Frankfurt) có thể đánh giá được xu hướng xuất bản thế giới. Theo ông, xu hướng này sắp tới có gì cần chú ý?
- Ông NGUYỄN VĂN PHƯỚC: HCS Frankfurt không phải là hội chợ dành cho bạn đọc mua sách lẻ mà chủ yếu dành cho giới kinh doanh sách trao đổi bản quyền. Cũng như mọi năm, năm nay hội chợ cũng đề cử các thị trường hấp dẫn nhất cho người làm sách. Con số thị trường này ít hơn, chỉ còn 5 thay vì 7 như mọi năm.
Đáng chú ý là bên cạnh những cái tên đã quá quen thuộc như Anh, Mỹ, Pháp, Ấn Độ thì ASEAN là một thị trường mới, được đánh giá đầy hấp dẫn. Đây có thể xem là cơ hội vì chúng ta sẽ có điều kiện thuận lợi để giới thiệu sách Việt đến với các nhà phát hành lớn thế giới nhưng đi kèm là thách thức cũng rõ ràng, áp lực lớn khi sách ngoại nhiều hơn. Tuy nhiên, có lẽ thách thức chiếm phần nhiều hơn bởi trước đây, dù không phải là thị trường được chú ý thì sách dịch ở trong nước cũng đã chiếm tỷ trọng cao hơn sách trong nước. Đó là thực tế mà ngành xuất bản của ta cần thay đổi để hội nhập hiệu quả hơn.
Về xu hướng xuất bản, có một vấn đề đáng chú ý là sự trở lại của sách điện tử (ebook). Sau một giai đoạn phát triển mạnh mẽ, ebook rơi vào giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, ở hội sách năm nay có thể thấy rõ sự trở lại của ebook nhưng với một hướng phát triển khác. Ebook bây giờ bổ sung, hỗ trợ cho sách giấy chứ không phải là đối thủ đe dọa sự tồn tại của sách giấy như trước kia. 
* Sách giấy liệu đã có vị thế ổn định hơn chưa và theo ông, việc phát triển ebook trong nước sắp tới ra sao?
- Ngay tại HCS Frankfurt, người ta cũng đã nêu ra những khó khăn đe dọa sự tồn tại của sách giấy, thậm chí thực tế mối đe dọa đó đã ảnh hưởng trực tiếp, kéo sách giấy suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, mối đe dọa đó không phải đến từ ebook mà là từ các mạng xã hội. Qua các trang mạng này, bạn đọc chia sẻ nội dung các cuốn sách họ đã đọc, có khi trích đoạn, có khi trọn vẹn nhưng hệ lụy thì như nhau là nhiều bạn đọc giảm tìm đọc sách khi mà nội dung họ đã biết hết. Theo một nghĩa nào đó có thể xem đấy cũng là một dạng sách lậu nhưng rõ ràng là “sách lậu” này gần như không thể ngăn chặn. Từ đây, ebook với vai trò đối thủ lại trở thành cứu tinh của sách giấy. Rõ ràng cách phân phối nhanh chóng, thuận tiện của ebook góp phần giúp bạn đọc thường xuyên sử dụng mạng dễ tiếp cận sách hơn và từ ebook họ sẽ dễ đến với sách giấy hơn. 
Còn ở trong nước, theo cách nhìn của tôi, thị trường ebook có thể xem như đã đóng băng. Đơn cử như First News, được xem là một trong các đơn vị làm sách giấy lớn trong nước, có số sách phát hành xếp loại cao nhưng nếu tính sản phẩm ebook thì mỗi năm thu chỉ hơn chục triệu đồng, đến trả lương nhân viên phụ trách cũng không đủ nữa nói gì đến tái đầu tư. Ebook nước ngoài thì phát triển rầm rộ, thu tính bằng trăm triệu USD, là công cụ hiệu quả nâng cao văn hóa đọc, còn ở ta thì ai cũng nhìn nhau, chẳng biết phải làm gì để ebook Việt có lối ra.
* Vậy theo ông, HCS Frankurt mang lại những gì cho thị trường sách Việt Nam?
- Trong một thế giới phẳng như hiện nay, hội chợ sách kiểu như của Frankfurt chủ yếu là cơ hội để gặp gỡ, làm quen, kết nối hơn là tìm và mua sách. Bởi các vấn đề như thông tin sách, thương thảo bản quyền… đã phải làm từ rất lâu, không phải đến hội sách mới làm. Ví dụ như cuốn Revolution (Cách mạng) chúng tôi mua bản quyền từ Tổng thống Pháp chẳng hạn. Lễ trao bản quyền diễn ra ngay trước khi hội sách khai mạc nhưng từ trước đó 3 tháng, thông qua nhiều nguồn chúng tôi đã liên hệ với đại diện bản quyền, thương thảo và được chấp nhận. Mà ông Macron đắc cử vào tháng 5, nghĩa là hơn 1 tháng sau chúng tôi đã bắt được liên lạc để tìm mua bản quyền sách. Tại HCS Frankfurt chúng tôi ký 18 cuốn, tất cả đều liên hệ từ trước, sau hội sách đã thương thảo khoảng 60 cuốn cũng xem như hoàn tất, chỉ còn chờ ký kết. Có thể nói, không chỉ First News, các đơn vị khác cũng đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều trong việc liên hệ về bản quyền thông qua các cuộc gặp từ các hội sách trước và sau hội sách này lại có thêm nhiều mối liên kết.
Điều ấn tượng nhất với chúng tôi, những người làm xuất bản Việt Nam, là cách mà các nước thể hiện sự quan tâm đến sách hay nói xa hơn là văn hóa đọc. Tổng thống Pháp tiếp các đơn vị làm sách tại một cuộc gặp riêng, nằm ngoài hội sách và thậm chí còn trước cả cuộc gặp với Thủ tướng Đức, đó là một sự trân trọng được biểu hiện rất cụ thể. Ngày khai mạc hội chợ sách có sự tham dự của Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron. Cả hai ông bà đều thể hiện sự quan tâm và hiểu biết về sách rất đặc biệt. Ông Macron giới thiệu từng cuốn sách Pháp tiêu biểu, trao đổi và thảo luận về cả nội dung sách. Tôi rất thích một câu nói của ông ấy rằng ngành xuất bản là một ngành không mang lại nhiều GDP nhưng lại có ảnh hưởng giáo dục quan trọng đến cả xã hội. 
* Việc mua được bản quyền cuốn sách của Tổng thống Pháp được xem là một nét son của ngành xuất bản Việt tại HCS Frankfurt, ông có thể giới thiệu đôi nét về cuốn sách?
- Có khoảng 20 quốc gia (mỗi quốc gia 1 đơn vị xuất bản) mua được bản quyền cuốn sách của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong đó, châu Á chỉ có Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam là có bản quyền dịp này. Rõ ràng việc chúng ta có mặt trong danh sách này là một bất ngờ với giới xuất bản các nước, bởi ngành xuất bản ở Việt Nam thực tế vẫn chưa nổi tiếng như các nước.
Còn về nội dung thì cơ bản Revolution (Cách mạng) có thể xem là một dạng “cương lĩnh chính trị” của ông Macron, trong đó ông nêu lên sự cần thiết phải thay đổi những vấn đề về tự do dân chủ ở các nước phương Tây. Có thể nói ông là nhà lãnh đạo đầu tiên của phương Tây nhấn mạnh rằng dân chủ, tự do kiểu phương Tây đã không còn phù hợp, hay nói đúng hơn là phải có sự thay đổi để đáp ứng những yêu cầu mới của thời đại. Ông cho rằng nếu đứng im không phát triển 30 năm nghĩa là đã thụt lùi và cần phải có sự thay đổi. Nhiều nhà phê bình cho rằng Revolution là sự tiếp nối của The Audacity of hope (Hy vọng táo bạo) - cuốn sách của cựu Tổng thống Mỹ Obama viết từ khi còn là một thượng nghị sĩ. Có lẽ vì vậy mà ông Obama nhận lời viết lời giới thiệu cho cuốn sách này.

Tin cùng chuyên mục