Hội chứng đám đông

Xã hội phát triển và bước vào cuộc cách mạng 4.0, chưa khi nào sức mạnh của thông tin và truyền thông, nhất là mạng xã hội, lại ghê gớm đến vậy. Tất cả cũng từ cái gọi là “cư dân mạng” mà ra. 
Ở đất nước Hàn Quốc, từng có không ít ngôi sao tự tử do không chịu được sức ép đó. Còn trong showbiz Việt, mức độ dù chưa nghiêm trọng đến vậy nhưng thị phi cũng khiến không ít ngôi sao điêu đứng. 
Mới đây nhất, cuộc tranh luận giữa Tùng Dương và người hâm mộ bolero một lần nữa lại trở thành tâm điểm chú ý sau phát ngôn: “Bolero có giá trị về mặt hoài niệm nhưng nếu người già, trẻ, lớn, bé đều đắm đuối với dòng nhạc này thì đó thực sự là sự thụt lùi trong âm nhạc”. Nam ca sĩ nhận cơn mưa “gạch đá” từ nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp và người hâm mộ dòng nhạc này. Họ dành cho anh nhiều đánh giá từ nhẹ nhàng, sâu cay đến miệt thị, xúc phạm.
Khoan hãy nói đến tính đúng sai của vấn đề, bởi mỗi nhận xét cần được đặt đúng vị trí, nội dung câu chuyện, thay vì sự bóc tách hay cắt gọt. Càng không nên để bản thân mình bị hùa theo hội chứng đám đông, trước khi có chính kiến của bản thân. Trong trường hợp của ca sĩ Tùng Dương, liệu có phải ai cũng đủ bình tâm, sáng suốt để nhìn nhận thấu đáo vấn đề. Có phải ai cũng “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” hay chỉ đơn giản gõ những dòng chữ lạnh lùng rồi nhấn “enter” một cách vô thức.  
Hội chứng đám đông ảnh 1 Hàng ngàn thí sinh dự thi một chương trình ca nhạc Bolero
Trước đó, nhạc sĩ Quốc Trung với phát ngôn “Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường” hay nhạc sĩ Lê Minh Sơn với “Dưới góc độ kiếm tiền thì việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là rất tốt nhưng đối với người sáng tạo thì đấy là sự trì trệ và đau khổ” cũng đã hứng chịu cơn thịnh nộ của dư luận. Showbiz Việt mỗi ngày còn biết bao tranh cãi, đụng độ, dù mức độ khốc liệt, dai dẳng khác nhau. Một gương mặt đăng quang sau chương trình truyền hình thực tế, một bức ảnh, một dòng trạng thái hay một bình luận... ngay lập tức có thể dậy sóng dư luận. Và người trong cuộc, bất kể có tội hay vô tội, vô tình hay hữu ý đều trở thành nạn nhân. 
“Cư dân mạng” đến từ đủ các thành phần, giai tầng, trình độ... khác nhau trong xã hội. Không thể phủ nhận sức mạnh của “cư dân mạng”. Họ, thậm chí còn ghê gớm hơn báo chí bởi với công cụ mạng xã hội trong tay, mỗi người đều là một “nhà báo nhân dân”. Họ cũng có những mặt tích cực khi góp phần phanh phui nhiều cái xấu, cái ác, đấu tranh cho lẽ phải và công bằng. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, họ cũng đã gián tiếp tiếp tay cho cái ác có cơ hội lan truyền rộng rãi hơn. Riêng trong showbiz, “cư dân mạng” nói chung, người hâm mộ của các nghệ sĩ nói riêng, chính là người “thêm dầu vào lửa” trong nhiều cuộc chiến.   
Nghệ sĩ, trước hết cũng chỉ là những con người bình thường, đừng biến thần tượng của mình trở thành “thánh sống”, hoàn hảo không tì vết. Đừng vin vào cớ yêu ghét mà buông lời miệt thị, mạt sát, vội vã phán xét thần tượng của đối phương. Mọi phán xét, “đánh” hội đồng đều là vội vàng trước khi ta biết được bản chất sự việc.

Tin cùng chuyên mục