Hồi ký của “người truyền cảm hứng”

Hồi ký của “người truyền cảm hứng”

Ngày 16-7-1981, từ một ứng viên có rất ít khả năng, ông Mahathir Mohamad trở thành thủ tướng thứ tư của Malaysia. 3 người tiền nhiệm của ông đều xuất thân từ những gia tộc quyền quý, nắm quyền lãnh đạo theo truyền thống gia đình. Ông thì khác, xuất thân từ giới bình dân - là con trai một giáo viên phổ thông. Chưa kể, 3 thủ tướng tiền nhiệm đều là những luật sư được đào tạo ở London (Anh), còn Mahathir chỉ là bác sĩ y khoa tốt nghiệp đại học ở Singapore…

Ấy thế mà, từng bước, từng bước, vượt qua sóng gió, Mahathir tại vị suốt 22 năm. Trong thời gian đó, ông đã chuyển đổi Malaysia từ một quốc gia thuần nông thành một cường quốc công nghiệp, xếp thứ 17 trong số các quốc gia thương mại lớn nhất thế giới. Người không ưa thì bảo ông là nhà độc tài, nhưng ai cũng phải công nhận, ông là chiến sĩ cương trực, quả cảm, đã truyền cảm hứng cho các dân tộc bị áp bức, các quốc gia thuộc thế giới thứ ba và thế giới Hồi giáo ôn hòa. Thành tựu mà ông và người dân Malaysia đạt được sau hơn 3 thập niên phát triển, kể từ những năm 1980 khi nền kinh tế Malaysia được chú ý, rất ấn tượng.

Tun Dr Mahathir Mohamad - hồi ký chính trị (*) dày 943 trang, của nguyên Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, đã liệt kê đầy đủ di sản ông để lại cho đất nước trong 22 năm cầm quyền (1981 - 2003) và tự hào bảo vệ những đường lối chính sách lãnh đạo đất nước. Với sự chính xác của một bác sĩ giải phẫu, cựu thủ tướng Mahathir đã đưa ra những phân tích sâu sắc về lịch sử đất nước Malaysia và vai trò của ông trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Malaysia hiện đại. Biến Malaysia từ một nền kinh tế khai thác mỏ kẽm và trồng cây cao su trở thành một trong những nước công nghiệp phát triển nhất của châu Á. Nói về bí quyết tiếp thị Malaysia ra toàn thế giới, ông bật mí: “Khi chúng tôi sang các nước nghèo hơn, tôi luôn tìm kiếm những sản phẩm có thể nhập khẩu được. Tôi nghĩ người dân những nước này sẽ không chào đón những nhà xuất khẩu chỉ muốn bán hàng cho họ, đặc biệt khi cán cân thương mại quá bất lợi. Mua hàng của các nước nghèo hơn là cách giúp họ giàu có hơn và khi họ giàu có, việc xuất hàng sang nước họ sẽ tốt hơn nhiều…”.

(*) Hà Anh - Phước Thịnh dịch, Công ty Sách Alpha và Nhà Xuất bản Thế giới liên kết ấn hành.

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục