Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 11: Khơi thông các điểm nghẽn để phát triển đô thị

Ngày 19-8, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM (Khóa X) tiếp tục ngày làm việc thứ hai với phần thảo luận, đóng góp ý kiến vào các bản dự thảo báo cáo đã được trình tại hội nghị.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Thành ủy . Ảnh: VIỆT DŨNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị Thành ủy . Ảnh: VIỆT DŨNG
Các đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM điều hành hội nghị.
Đa dạng hóa thu hút nguồn lực phát triển
Theo Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường, đất dành cho giao thông hiện nay chỉ đạt 18,5% trên tổng diện tích đất đô thị. Đến năm 2020 TP cần đến 550.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển giao thông, trong khi nguồn vốn cân đối hàng năm chỉ vào khoảng hơn 10%. Cần có cơ chế đột phá về tài chính để phát triển giao thông ở TPHCM. Trong đó, nguồn đầu tư phải được xác định chủ lực từ ngân sách nhà nước, các phương thức đầu tư BOT, BT thực chất những năm qua chỉ chiếm 10% trong tổng vốn đầu tư cho giao thông. Theo ông Cường, ngoài nguồn lực chính từ ngân sách TP phải có cơ chế quyền tự chủ của địa phương trong phát triển nguồn lực từ nguồn thu, chủ yếu là phần thu phí, lệ phí các phương tiện tham gia giao thông. Hay một nguồn giữ lại khác từ các doanh nghiệp (DN) tham gia vào đầu tư các dự án phát triển đô thị cũng rất lớn và có khả năng thu cao, đảm bảo đầu tư trực tiếp cho giao thông cần được tính đến thời gian tới. Ngoài ra, TP cũng chủ động kêu gọi đầu tư thông qua phát hành trái phiếu phát triển đô thị theo hình thức không bảo lãnh ngân sách, ưu tiên khai thác quỹ đất khi hình thành tuyến giao thông. Gắn đô thị với giao thông qua các hình thức huy động nguồn lực về tài chính đô thị, phát triển mô hình Công ty đầu tư tài chính đô thị để huy động nguồn lực xã hội.
Phát biểu gợi ý thảo luận, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng có nhiều điểm nghẽn về hạ tầng đô thị, về cải cách hành chính, năng lực quản lý… “Để giải quyết các điểm nghẽn này cần giải pháp đột phá nào?”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đặt câu hỏi. Trước tiên về mục tiêu phát triển DN, số liệu đến nay chúng ta có hơn 300.000 DN, nhưng chủ yếu là DN vừa và nhỏ, cơ cấu, lĩnh vực kinh doanh của những ngành kinh tế mũi nhọn rất thấp. “25.000 DN đăng ký mới từ đầu năm đến nay có đến hơn 30% là đầu tư bất động sản. Ở đây, cần có chính sách gì để khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN đầu tư, phát triển vào các ngành kinh tế mũi nhọn của TP như công nghiệp, công nghệ cao, thương mại, tài chính”, đồng chí Nguyễn Thành Phong đặt vấn đề. Về phát triển giao thông, đồng chí Nguyễn Thành Phong cho rằng, mục tiêu từ nay đến năm 2020 cần triển khai những dự án nào, nguồn vốn từ đâu, Nhà nước bao nhiêu, xã hội bao nhiêu, chứ không thể chung chung được. Đầu tư phát triển giao thông phải dựa theo quy hoạch tổng thể vùng, cái nào của trung ương, cái nào của địa phương và phương thức phối hợp đầu tư nào có lợi nhất đối với các địa phương trong vùng. “Phải tăng liên kết, đa dạng hóa phương thức đầu tư và tập trung huy động mọi nguồn lực thì mới giải được bài toán phát triển giao thông đô thị”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Sử Ngọc Anh, những mặt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị, trong đó chủ yếu là cơ cấu kinh tế đã có chuyển biến tích cực được cho là thành công lớn nhất của TPHCM. Cơ cấu chuyển dịch đúng hướng đã tạo ra nguồn lực lớn về nhân lực, vốn đầu tư. Từ đây, TP cũng đã hình thành được những cơ chế phát huy sức mạnh các nguồn lực, trong đó có vốn đầu tư và phương thức phát triển các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao, giao thông… Về phát triển kinh tế tư nhân, ông Sử Ngọc Anh cho rằng, DN hiện nay có xu hướng chạy theo thị trường. Nếu chúng ta không định hướng tốt thị trường nên đầu tư vào những lĩnh vực nào, thế mạnh nào thì sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn, khó kiểm soát được sự phát triển của DN cũng như dòng vốn đầu tư xã hội.
Khai thác tốt nhất lợi thế, tiềm năng
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM chỉ ra những hạn chế, tồn tại sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị. Đó là chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; kết cấu hạ tầng quá tải; quy hoạch đô thị chậm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có những diễn biến phức tạp; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị còn một số hạn chế, phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Trong các nguyên nhân được Nghị quyết 16 chỉ ra là năng lực điều hành còn hạn chế, chưa thực sự quyết liệt. Nguyên nhân này vẫn còn nguyên giá trị và cần phải được khắc phục mạnh hơn trong thời gian tới. 
Về giải pháp để TP phát triển nhanh, bền vững hơn, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Nghị quyết 16 có nói đến việc khai thác tốt nhất lợi thế, tiềm năng của TP. Trong đó có 7 đặc thù cần phát huy mạnh hơn nữa, bao gồm: Cơ cấu kinh tế hiện đại, nhân lực chất lượng cao, DN phát triển, kinh tế tư nhân phát triển, năng suất lao động cao, vai trò trung tâm tài chính và TP năng động, sáng tạo. Từng đặc thù trên đều gắn với giải pháp cụ thể mà TP đã và đang thực hiện. Nhưng theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, từ nay đến năm 2020, TP phải quyết liệt hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa mới có thể hoàn thành được các mục tiêu đề ra, mà điểm nghẽn lớn nhất đó là giao thông và ngập nước. “Cần liên kết giữa các nhà quản lý nhà nước, các DN, các nhà khoa học để rà soát lại quy hoạch giao thông và sớm công bố quy hoạch này để thu hút nguồn lực đầu tư. TP sẽ quan tâm đặc biệt để tạo đột phá giao thông, làm sao huy động được nguồn vốn gấp 2 - 3 lần như những năm vừa qua mới phát triển nhanh được”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân kết luận.
Về Đề án xây dựng đô thị thông minh, theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, các khu đô thị có thể ngày càng thông minh hơn, không phải TP thông minh chỉ là các khu đô thị thông minh. Quan trọng nhất của TP thông minh là lãnh đạo hiệu quả có tầm nhìn chiến lược và kết nối được các yếu tố với nhau, là tổng thể phát triển của TP hiệu quả hơn, cao hơn. Trong đô thị thông minh, mỗi người dân là một chủ thể đặc biệt trong dự báo chiến lược; mỗi người dân là một cảm biến xã hội, họ nhận thức về xã hội, nhận thức về môi trường và truyền tải cho Nhà nước điều hành, quản lý xã hội tốt hơn. Trong đô thị thông minh còn có không gian mạng để giao lưu thông tin, mua bán, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí. Toàn bộ hệ thống mạng trong từng khu vực dân cư phải có chi phí thấp, thuận lợi. Trên nền tảng đó sẽ có 2 trục chính để triển khai, đó là: Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cấp TP và từng ngành hình thành các yếu tố thông minh để phục vụ người dân. “Hai trục này phải được triển khai song song và đi vào phát huy tác dụng của từng lĩnh vực để người dân được hưởng lợi, được thấy kết quả từ các yếu tố văn minh, hiện đại mà TP thông minh mang lại”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

Tin cùng chuyên mục