Hội nghị Thành ủy TPHCM lần thứ 17: Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp

Trong bối cảnh xây dựng đô thị thông minh, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TP càng phải tập trung đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đảm bảo tác phong công nghiệp, hiện đại để nâng cao trình độ quản lý.
Toàn cảnh hội nghị lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Việt Dũng
Toàn cảnh hội nghị lần thứ 17 Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: Việt Dũng

Ngày 5-7, Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ 2, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trước đó, tại ngày làm việc đầu tiên, hội nghị cũng thảo luận về báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X; báo cáo kết quả cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư…

Qua thảo luận, có ý kiến đánh giá công tác CCHC tại các địa phương, cơ quan, đơn vị làm nhiều nhưng hiệu quả không cao, thiếu tính thống nhất. Trong đó, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) thấp nên cần có đánh giá đúng và xây dựng cơ chế đột phá tăng chỉ số PAPI lên. Bởi đây là chỉ số phản ánh sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, hiện vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức làm việc hành chính hóa, vô cảm thậm chí e dè, sợ trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm. Do đó, trong CCHC cần đánh giá đúng mức độ sự hài lòng của người dân về thái độ, tinh thần trách nhiệm phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, TP cần quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức về tính chuyên nghiệp, kỹ năng ứng xử, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp. Gắn với đó là sự quan tâm về đời sống, chế độ lương; đồng thời cần rà soát, bổ sung nhiệm vụ gắn với đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, định lượng cho chỉ tiêu kế hoạch thực hiện hàng năm.

Cũng về chất lượng cán bộ, có ý kiến cho rằng TP đã đưa ra chuẩn cán bộ nhưng chưa sử dụng hiệu quả, do năng lực, kỹ năng làm việc của cán bộ nên phải bồi dưỡng, đào tạo để chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Trong khi đó, có đại biểu nhận xét chất lượng đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa cao, chưa chuyên sâu, thậm chí một số ngành không thực tiễn, hiệu quả. Hiện nay, trong bối cảnh xây dựng đô thị thông minh, thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, TP càng phải tập trung đổi mới đào tạo nguồn nhân lực, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ đảm bảo tác phong công nghiệp, hiện đại để nâng cao trình độ quản lý.

Đối với chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016 - 2020, có đại biểu phân tích, để tạo môi trường lành mạnh trong đầu tư phát triển, ngoài các chính sách tạo sự thông thoáng đối với doanh nghiệp cũng rất cần các cơ chế làm lành mạnh hóa môi trường xuất khẩu, tránh buôn lậu. Cùng với đó, TP cần tập trung đầu tư và hỗ trợ sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hàm lượng công nghệ cao. Trong hoạt động khởi nghiệp sáng tạo cũng cần được chính quyền TP hỗ trợ nhiều hơn; đồng thời tập trung cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, kết nối giữa Nhà nước - trường đại học - doanh nghiệp - quỹ đầu tư mạo hiểm để phát triển mạnh hơn nữa.

Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, có ý kiến đề nghị khu vực ngoài Nhà nước chiếm gần 54% (cả nước 40%), là động lực quan trọng phát triển kinh tế nên TP cần tạo điều kiện về đất đối với các doanh nghiệp nhỏ, vừa tập trung sản xuất kinh doanh tại các khu do Nhà nước quy hoạch. TPHCM cũng cần dành đất phát triển công nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp sáng tạo. Mặt khác, các khu công nghiệp, khu chế xuất ở TP đã hình thành nhiều năm (25 - 27 năm) như vậy và thời hạn cho thuê đất còn lại chưa đến 25 năm, đây là thời điểm quan trọng để TP tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao, phát triển. Đồng thời, quan tâm quỹ đất có sẵn, kể cả các khu đất đang cho thuê gần hết hạn để hình thành các khu đô thị sáng tạo, kỹ thuật cao… 

Tin cùng chuyên mục