Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Địa điểm vẫn trong vòng bí mật

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên sắp tới trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Tuy nhiên, cho tới nay, địa điểm chính thức diễn ra sự kiện quan trọng này vẫn chưa được công bố. Điều này đã làm dấy lên nhiều thông tin về hàng loạt địa điểm có thể tiếp đón cùng lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo thông tin từ Hàn Quốc, ban đầu cuộc gặp dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 nhưng sau đó lùi sang giữa tháng 6. Nguyên nhân là Mỹ muốn cuộc gặp diễn ra sau Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra vào ngày 8, 9-6 tại Canada. Hơn nữa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn có chuyến thăm Mỹ vào ngày 22-5 với nội dung chính của cuộc gặp với Tổng thống Trump là thúc đẩy Mỹ ủng hộ việc chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc - đồng minh lớn nhất của Triều Tiên cho biết, nước này không muốn nằm ngoài tiến trình phi hạt nhân bán đảo Triền Tiên. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo ngày 5-5, tái khẳng định vai trò của Trung Quốc về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.
Về địa điểm, có một số nơi đáng được chú ý:

Singapore. Đây là địa điểm có nhiều khả năng nhất để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Theo tờ Chosun Ilbo, các nguồn tin ngoại giao dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, cho biết hội nghị thượng đỉnh được trông đợi này sẽ diễn ra vào giữa tháng 6 tới. Tờ báo này cho biết, nhiều khả năng địa điểm diễn ra cuộc gặp sẽ là Singapore, sau khi Tổng thống Trump quyết định tiếp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng vào cuối tháng 5 này. Cuối tuần qua, ông Bolton đã gặp Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc Chung Eui-yong tại Washington để thảo luận về các địa điểm tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Hàn Quốc và Mỹ - Triều Tiên. Danh tiếng của Singapore về độ tin cậy và mối quan hệ an ninh mạnh mẽ với Mỹ  khiến đảo quốc này trở thành một lựa chọn rõ ràng cho Washington. Đây cũng là vùng đất quen thuộc đối với người Triều Tiên. Hãng thông tấn Yonhap cuối tuần qua cũng đưa tin, Singapore nhiều khả năng được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Địa điểm vẫn trong vòng bí mật ảnh 1 Singapore là địa điểm có nhiều khả năng nhất để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên
Panmunjom và Seoul. Trước đó, Tổng thống Trump cho rằng, làng Panmunjom thuộc khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên - vốn cũng là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, có thể là một địa điểm thích hợp để tổ chức cuộc gặp giữa ông và nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Lợi thế của Panmunjom là cả hai bên đều có thể đến dễ dàng và an ninh được bảo vệ cao độ. Đây cũng là một lựa chọn thực tế vì là vị trí thuận tiện nhất cho ông Kim Jong-un, nhất là sau thành công của Hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Thậm chí, Panmunjom có thể được gọi là “sân nhà” của ông Kim Jong-un. Thế nhưng, theo các nguồn tin ngoại giao, không chắc là ngôi làng này sẽ được phía Mỹ chấp nhận. Washington vẫn không quên đây chính là nơi mà vào năm 1976, hai quân nhân Mỹ bị lính Triều Tiên giết chết trong một vụ gọi là Axe Murder Incident. Ngoài ra, tháng 11-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng hủy chuyến thăm tại khu vực này. 
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Địa điểm vẫn trong vòng bí mật ảnh 2 Làng Panmunjom thuộc khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên 
 Nhân Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang vừa qua, em gái của lãnh đạo Kim Jong-un là Kim Yo-jong, đã đến thủ đô Seoul, vì thế nhiều người đồn đoán rằng, thủ đô Hàn Quốc có thể là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên. Nếu ông Kim Jong-un đặt chân lên miền Nam, đây sẽ là một chuyến đi mang đầy biểu tượng, nhưng sẽ gây nhiều tranh cãi trong chính giới Hàn Quốc. Mặt khác, nếu ông Kim Jong-un đến Seoul, ông sẽ được chú ý nhiều hơn là ông Trump, điều mà Nhà Trắng vẫn muốn tránh.
Mông Cổ. Ngoài Singapore, Panmunjom, Seoul còn có Mông Cổ. Nơi đây là điểm thuận lợi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên vì ông Kim Jong-un có thể đi bằng xe lửa tới. Theo các nhà quan sát, Mông Cổ được ví như “Thụy Sĩ ở châu Á”. Suy đoán về vai trò của Mông Cổ dâng cao khi cựu Tổng thống Tsakhiagiin Elbegdorj cho rằng, một hội nghị thượng đỉnh thành công tại Ulan Bator sẽ đưa đất nước dân số 3 triệu người vào bản đồ các trung tâm ngoại giao thế giới. “Mông Cổ sẽ là một bên thứ ba trung lập. Hòa bình thế giới và khu vực là nhiệm vụ quan trọng nhất của Mông Cổ”, ông Elbegdorj nói.  Đương kim Tổng thống Mông Cổ Khaltmaa Battulga cũng lên tiếng ủng hộ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Ulan Bator. Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un vào ngày 27-4, ông Battulga ca ngợi sự lãnh đạo của ông Kim và vạch ra tầm quan trọng của tiến trình hòa bình Hàn Quốc đối với toàn bộ khu vực. Trong thư viết cho nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Battulga viết: “Sự kiện này là một bước quan trọng hướng tới việc duy trì hòa bình và an ninh không chỉ ở bán đảo Triều Tiên, mà còn ở Đông Bắc Á, cũng như thế giới. Tôi tin rằng, 70 năm tình hữu nghị của hai nước chúng ta đã được các thế hệ lãnh đạo Mông Cổ và Triều Tiên dày công vun đắp, sẽ được củng cố hơn nữa trong tương lai”.Các địa điểm khác. Nhưng nếu nói về vai trò trung gian hòa giải thì Mông Cổ chắc không nặng ký bằng Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập và cũng là nơi mà ông Kim Jong-un từng du học. Có vị thế quan trọng không kém, đó là hai nước Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan. Đặc biệt, Thụy Điển hiện vẫn là nước đại diện cho các lợi ích của Mỹ ở Triều Tiên và có truyền thống lâu đời làm trung gian hòa giải giữa Washington và Bình Nhưỡng. Khác với cha là nhà lãnh đạo Kim Jong-il, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không hề sợ đi máy bay, vì trong nước ông vẫn thường di chuyển bằng phương tiện này. Cho nên, không loại trừ khả năng là lãnh đạo Triều Tiên sẽ đáp máy bay đến bất cứ nơi đâu để hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, đưa tên tuổi của hai người vào lịch sử nhân loại.  Vladivostok của Nga, nơi từng tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC 2012 và trong phạm vi tiếp cận đất liền từ Bình Nhưỡng, cũng là một địa điểm tương đối hấp dẫn theo quan điểm của Triều Tiên. Vladivostok sẽ là cơ hội quan trọng để Mỹ và Nga giảm căng thẳng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra lời đề nghị công khai để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, phù hợp với nguyện vọng trung gian lâu đời của Jakarta.        

Tin cùng chuyên mục