Hội nghị thượng đỉnh NATO: Chủ yếu bàn chuyện… tiền

Ngày 11-7, Hội nghị thượng đỉnh NATO đã khai mạc tại Brussels (Bỉ) với chương trình nghị sự xoay quanh việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hối thúc các nước đồng minh tăng mức chi tiêu dành cho quốc phòng lên tối thiểu 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đến năm 2024 và một số chủ đề quan trọng khác.

Biểu tình phản đối Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels
Biểu tình phản đối Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Brussels

Yêu cầu tăng tiền chi tiêu quốc phòng

Trong ngày làm việc đầu tiên, các nhà lãnh đạo tập trung vào các nội dung tăng chi tiêu và chia sẻ gánh nặng tài chính giữa các thành viên.

Năm 2014, Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã thống nhất ngừng cắt giảm chi tiêu, bắt đầu tăng và đặt chỉ tiêu dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng trong một thập kỷ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố so với chỉ 3 nước vào năm 2014, tới năm nay đã có 8 đồng minh đạt mức đóng góp ít nhất 2% GDP cho quốc phòng. Đó là Mỹ, Anh, Hy Lạp, Ba Lan, Latvia, Estonia, Romania và Litva.

Theo thống kê của NATO, Mỹ đảm nhiệm khoảng 70% chi tiêu quốc phòng của khối trong năm 2018, tức khoảng 706 tỷ USD trên tổng số gần 1.000 tỷ USD của toàn bộ 29 thành viên. Anh là nước thành viên chi tiêu cho quốc phòng nhiều thứ hai trong khối với 62 tỷ USD trong năm 2018, tiếp theo là Pháp với 52 tỷ USD và Đức 51 tỷ USD.

Ngày 10-7, viết trên mạng xã hội Twitter khi trên đường tới Brussels dự Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc các đồng minh thuộc NATO không thực hiện những cam kết về chi tiêu quốc phòng, đồng thời ngụ ý các nước này cần “bồi hoàn” cho Mỹ. Trước đó, trong các bức thư được gửi vào tháng 6-2018, ông Donald Trump còn bóng gió về việc sẽ xem xét điều chuyển binh lính Mỹ ở các nước châu Âu nếu các nước này không tăng chi tiêu quốc phòng.

Tăng cường vai trò của NATO trong chống khủng bố

Trong ngày 11-7, các lãnh đạo cũng quyết định tăng cường vai trò của NATO trong cuộc chiến chống khủng bố. Cùng với đó, NATO cũng ấn định việc khởi động một chương trình đào tạo mới tại Iraq với hàng trăm chuyên gia huấn luyện của khối. Các đồng minh cũng thống nhất về chủ trương tăng cường ủng hộ cho các đối tác chính tại Trung Đông và Bắc Phi, trong đó có Tusinia và Jordan. 

Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cho biết, trong mục tiêu răn đe, NATO sẽ thông qua kế hoạch “4x30”. Cụ thể, đến năm 2020, NATO có 30 tiểu đoàn trên bộ, 30 phi đội bay chiến đấu và 30 tàu hải quân như tàu khu trục, sẵn sàng triển khai trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được cảnh báo. Các lãnh đạo cũng thông qua cấu trúc chỉ huy mới của NATO, bao gồm một cơ sở chỉ huy mới đóng tại Norfolk (Mỹ) và một sở chỉ huy cho việc triển khai nhanh lực lượng tại châu Âu tại Ulm (Đức). Ngoài ra, các đồng minh còn đề cập đến khả năng đáp trả của NATO trước các mối đe dọa hỗn hợp, và thông qua việc thành lập các nhóm hỗ trợ chống các hành vi đe dọa hỗn hợp để giúp các nước đồng minh bị đe dọa.

Trong bối cảnh nhiều khả năng Tổng thống Donald Trump sẽ gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin vào ngày 16-7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh quan điểm rõ ràng của Nga về NATO rằng đây là một sản phẩm của Chiến tranh lạnh và sự đối đầu của thời Chiến tranh lạnh.

Ngày 11-7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã chỉ trích việc Mỹ và NATO (liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu), bố trí binh lính và căn cứ sát khu vực biên giới của Nga. Bộ trưởng Shoigu cho rằng tất cả căn cứ quân sự và lực lượng chiến đấu của NATO đang được mở rộng về hướng Đông tới sát biên giới Nga, bất chấp các cam kết với giới lãnh đạo Liên Xô (cũ) trong quá trình tái thống nhất nước Đức. Đây không phải lần đầu tiên giới chức Nga chỉ trích các hoạt động quân sự của NATO ở khu vực gần biên giới, trong bối cảnh Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Tin cùng chuyên mục