Hội nhập kinh tế quốc tế - Quyết định đúng đắn

Câu chuyện gia nhập WTO
Hội nhập kinh tế quốc tế - Quyết định đúng đắn

Nhìn lại quá trình hội nhập kinh tế thế giới, điều tôi hài lòng nhất chính là chúng ta đã đổi mới tư duy, không còn tư duy khép kín. Việt Nam phải hội nhập quốc tế, ta không thể đứng ngoài. Tôi mừng là khái niệm đó không thay đổi dù hiện nay nhiều vấn đề còn gây tranh cãi. Còn điều không hài lòng chính là ta chưa tận dụng được cơ hội lớn để phát triển đất nước, chưa biết cách ứng xử để bảo đảm lợi ích tốt nhất.

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nâng ly chúc mừng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Ảnh: T.L.

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy nâng ly chúc mừng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Ảnh: T.L.

Câu chuyện gia nhập WTO

Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta xác định hội nhập kinh tế quốc tế là việc cần làm ngay. Vì vậy Việt Nam bắt đầu gia nhập vào các diễn đàn kinh tế quốc tế, mà đỉnh cao là tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2006. Hội nhập kinh tế thế giới là bước đột phá về tư duy.

Năm 1986, Đảng ta xác định nhiệm vụ trọng tâm của ngoại giao là tạo môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội đất nước. Sau đó, Đảng khẳng định chuẩn bị đưa đất nước hội nhập kinh tế thế giới. Đó là sự đột phá về tư duy. Trước đây ta hiểu thế giới là hai nền kinh tế nhưng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã xác định thế giới chỉ là một nền kinh tế nhưng có thế lực vừa hợp tác và vừa đấu tranh. Trước đây, chúng ta rất kiêng nói đến cụm từ “quốc tế hóa” nhưng Đại hội VI đã nói về “quốc tế hóa” và đến Đại hội IX nói về “toàn cầu hóa”.

Về chính trị, trước chỉ nói thế giới chia làm 2 phe nhưng sau Đại hội VI, ta nhìn thế giới đa dạng hơn. Từ nhận thức đó, Đảng và Nhà nước khẳng định phương châm: Đặt lợi ích dân tộc lên trên hết; vừa hợp tác vừa đấu tranh với từng đối tác và đối tượng nhưng cố gắng hợp tác là chủ yếu; đa dạng hóa đa phương hóa; hội nhập tự chủ; coi trọng quan hệ với các nước láng giềng, phát triển quan hệ với các nước lớn và các quốc gia khác.

Trong các cuộc đám phán để gia nhập WTO, đàm phán với Mỹ là khó khăn nhất. Hai bên trải qua các vòng đàm phán về nhiều vấn đề nhưng gay go nhất là các vấn đề dệt may, ngân hàng và viễn thông. Vòng cuối cùng diễn ra ở Mỹ. Sau khi đã thống nhất các vấn đề về ngân hàng và viễn thông, Mỹ đòi thiết lập cơ chế giám sát xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

Lúc bấy giờ, tôi không còn đi đàm phán nữa, mà anh Trương Đình Tuyển (nguyên Bộ trưởng Thương mại) trực tiếp đàm phán. Đang nửa đêm, anh Tuyển gọi về cho tôi, nói: “Bây giờ còn vấn đề này nữa thôi, nếu không được thì em xách va-li về. Đó là vấn đề cơ chế giám sát dệt may Việt Nam. Xin anh cho ý kiến”. Đang đêm nên không thể họp Bộ Chính trị ngay được, mà mình phải quyết định ngay. Lúc đó tôi rất bình tĩnh và trao đổi thẳng thắn với anh Tuyển: “Nếu quốc hội họ lập cơ chế, kệ họ, cứ để họ làm nhưng mình yêu cầu phải có điều kiện nếu như họ phát hiện mình vi phạm thì yêu cầu phải mất trong bao lâu để xem xét, tỷ lệ như thế nào? Mục đích là nhằm bày ra những thủ tục gây khó khăn cho cơ chế đó để triệt tiêu nó”. Tôi biết thế nào cuộc điện thoại này cũng bị nghe lén nên tôi cũng thẳng thắn mà không e dè gì, để họ biết luôn thái độ của mình. Cuối cùng mình chấp nhận cho họ lập cơ chế giám sát hàng dệt may và họ chấp nhận những điều kiện Việt Nam đặt ra. Với những điều kiện khó khăn mình đặt ra từ cơ chế này gần như không còn phát huy tác dụng.

Những ngày đầu hội nhập

Đổi mới bắt đầu từ năm 1986, sang năm 1987 ta ban hành luật đầu tư đầu tiên thu hút nguồn lực từ bên ngoài trên nguyên tắc thị trường, không còn bao cấp. Trước đây chúng ta có viện trợ từ Liên Xô, các nước XHCN ở Đông Âu, nay ta khẳng định phải tự phát triển bằng nội lực của mình.

Việc thứ hai là vào năm 1991, ta từng bước tháo gỡ bao vây cấm vận, mở ra kênh tư vấn xin viện trợ ODA sau khi chúng ta không còn viện trợ từ các nước XHCN nữa. Nhờ thế, ta đã vận động xóa 20-30 tỷ USD nợ cũ từ Câu lạc bộ Paris.

Việc thứ 3 là tiến hành đàm phán ký kết song phương dài hạn với nhiều nước: với Trung Quốc năm 1991, Liên minh châu Âu năm 1995 và với Mỹ năm 2000, từ đó mở ra khả năng xuất khẩu. Năm 1995, ta gia nhập ASEAN. Vào ASEAN xem như ta bắt đầu bước vào khu vực mậu dịch tự do. Sau đó việc vào ASEM (Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu), Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là tạo điều kiện thuận lợi hơn. Đỉnh cao hội nhập chính là khi Việt Nam vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhìn lại quá trình hội nhập nền kinh tế thế giới, ta thấy năm đầu tiên sau đổi mới, chúng ta xuất khẩu chỉ 1 tỷ USD. Đến năm 2010, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 60 tỷ USD. Đặc biệt thị trường lớn nhất là Mỹ đã đi từ số 0 đến 13-14 tỷ USD. Thứ hai là nhờ có thị trường, ta tăng khả năng cạnh tranh của mình. Cơ cấu xuất khẩu thay đổi đáng kể từ xuất khẩu nguyên liệu thô, nông sản, ta đã có hơn một chục sản phẩm trị giá hàng tỷ USD. Thứ ba là ta đã khôi phục viện trợ ODA. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp 50%-60% xuất khẩu, 50%-60% GDP. Thứ tư là đổi mới kinh tế trong nước đã phù hợp luật chơi quốc tế, tạo cơ chế chính sách thông thoáng. Thứ năm, qua việc mở rộng thị trường, ta đã tạo nhiều công ăn việc làm, góp phần nâng cao đời sống người lao động và giải quyết các vấn đề xã hội. Thứ sáu, mở rộng và tăng cường quan hệ với các nước, nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Tất cả những thành quả này cho thấy hội nhập kinh tế quốc tế là một quyết định đúng đắn.

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, chúng ta cũng đã gặp những thách thức. Nền kinh tế phát triển rộng nhưng chất lượng chưa bền vững. Nó giống như hình ảnh: nước đổ ra lan tỏa rất rộng nhưng rất mỏng. Hàng hóa ta có lan rộng nhưng không nhiều, chưa tạo được sự tùy thuộc lẫn nhau. Nguồn đầu tư vào nhiều nhưng gây ô nhiễm môi trường, chưa góp phần cải tiến công nghệ và nâng cao chất xám đội ngũ lao động. Khả năng cạnh tranh vẫn còn kém ở tầm quốc gia, đội ngũ công nhân và cả doanh nghiệp. Thể hiện ở chỗ hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, cơ chế vẫn còn cản trở. Nguồn nhân lực giá rẻ đã qua rồi nhưng nước ta chưa chuẩn bị nguồn nhân lực cao và ta đã hiểu sai từ giá nhân công rẻ. Thách thức sẽ lớn hơn khi nước ta phát triển lên tầng cao hơn. Để dễ hiểu, hãy tưởng tượng như thế này: Từ năm 2010, Việt Nam đã phát triển lên tầng hai, trong khi chúng ta chưa chuẩn bị cho bước mới mà vẫn còn loay hoay ở tầng một.

Để biến thách thức thành cơ hội

Về cơ cấu, phát triển ở tầng dưới là chúng ta lấy công làm lãi và phát triển với bất cứ giá nào. Nếu tiếp tục như vậy mãi, chúng ta sẽ lạc hậu. Các nước phát triển đã chuyển từ lao động cơ bắp sang lao động trí tuệ. Hiện nay thế giới đang thay đổi rất mạnh, phát triển công nghệ cao tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Nếu chúng ta chỉ loay hoay với những cái đã có thì đó chính là cái mà các chuyên gia hay nói: bẫy thu nhập trung bình.

Về cơ chế, từ cơ chế vận hành nền kinh tế trong nước cho đến toàn cầu, luật chơi biến động không ngừng. Cụ thể hiện nay cơ chế tài chính đã đổi mới. Thế giới đã siết chặt cơ chế hoạt động các ngân hàng; Trung Quốc đang thúc đẩy quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, một số trao đổi thương mại đã được tiến hành bằng đồng nhân dân tệ thay cho USD. Vậy ta phải làm gì? Trước hết ta phải theo sát những biến động thế giới. Chúng ta hiện nay đang đi ngược lại thế giới ở cách đặt vấn đề về luật chơi. Các nước thường vận hành cơ chế theo luật chung của quốc tế phù hợp hoàn cảnh của từng nước. Ta ngược lại, làm theo cách của mình và có tham khảo với bên ngoài. Khi đã phát triển lên tầng hai, Việt Nam phải chú ý khai thác cơ chế vận hành thế giới một cách sáng tạo phù hợp xu hướng chung và hoàn cảnh Việt Nam.

Nội bộ ta chưa hiểu được kinh tế thế giới như những làn sóng, lúc lên lúc xuống. Ta gia nhập vào WTO lúc kinh tế thế giới đang ở thời điểm cao trào nên Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển. Nhưng thời cơ chỉ thoáng qua, ta phải nắm bắt nhanh. Việt Nam đã bắt được và hiểu được thế giới cần gì, mình cần gì, thời thế thế nào.

Vấn đề của chúng ta không phải là chính sách. Chính sách của chúng ta đã có. Vấn đề hiện nay là tháo gỡ những vướng mắc: phải nâng cấp cơ sở hạ tầng; đầu tư hạ tầng phải tập trung, không dàn trải; nguồn nhân lực phải được đào tạo bài bản để đáp ứng nhu cầu phát triển. Ví dụ như dự án đầu tư của Tập đoàn Intel, ta mời gọi mãi họ mới đồng ý vào nhưng khi vào thì nguồn nhân lực công nghệ thông tin của ta không thể đáp ứng nhu cầu của họ.

Nếu không tháo gỡ cơ chế đất đai, sẽ không thu hút FDI được. Việc đền bù, giải phóng mặt bằng cứ nhùng nhằng thì nhà đầu tư nước ngoài dễ chán nản và quay lưng. Phân cấp hợp lý và không phá vỡ cái tổng thể hiện đang có. Các nhà máy thép, thủy điện mọc lên khắp nơi, tùy theo quyết định của từng tỉnh mà không có quy hoạch tổng thể đồng bộ. Sông Mekong chảy qua 6 nước mà còn có Ủy ban sông Mekong điều phối mọi dự án trên dòng sông, trong khi các dòng sông ở ta, mỗi tỉnh có đoạn chảy qua đều tùy tiện làm thủy điện.

Cái cần nhất hiện nay là thay đổi mô hình phát triển. Ta đã đổi mới được nhận thức nhưng các biện pháp phát triển kinh tế của chúng ta còn nghèo nàn, nhất là các biện pháp mang tính chất kinh tế, nhiều biện pháp hành chính đang trở lại. Chúng ta cần chú trọng vào năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Vũ Khoan (Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ)
Phạm Thục - Việt Trung (ghi)

Tin cùng chuyên mục