Hồi sinh nghệ thuật Dù kê

Nếu Rô băm được ví như tuồng cổ thì Dù kê là cải lương. Ở ĐBSCL hiện có hơn chục đoàn nghệ thuật sân khấu Dù kê chuyên và không chuyên đang biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương và công chúng. 
Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng biểu diễn Dù kê. Ảnh: LÊ BÌNH
Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng biểu diễn Dù kê. Ảnh: LÊ BÌNH
Dung hòa cung cách biểu diễn
Trong những năm gần đây, sân khấu Dù kê nói riêng và các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung chững lại bởi sự lấn át của các loại hình nghệ thuật hiện đại. Thế nhưng, ở Sóc Trăng, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh (thành lập năm 1981) đã biết dung hợp giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, vừa để phục vụ yêu cầu khán giả khó tính hiện nay, vừa góp phần hồi sinh, duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống như Rô băm và Dù kê.
Đoàn vừa tạm kết thúc chương trình biểu diễn nghệ thuật Dù kê phục vụ đồng bào Khmer tại các huyện, thị trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Đây là công việc thường xuyên của đoàn từ ngày thành lập. Chuyến lưu diễn cuối cùng trong năm của đoàn tại xã Liêu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng vào dịp Tết Đôn Ta cổ truyền của đồng bào Khmer Nam bộ.
Hôm ấy, khán giả không kể người Kinh hay Khmer đều đến xem rất đông. Đó là ngày hội ở một vùng sâu vùng xa, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Chương trình biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng có nhiều tiết mục mới so với cách nay vài năm. Cảm nhận của bác Thạch Na Ri, gần 70 tuổi và nhiều khán giả: Chương trình biểu diễn phong phú vì có thêm ca nhạc mới. Riêng chương trình Dù kê, có nhiều cách tân trong ca, vũ của các nghệ sĩ. Các vở Dù kê (tuồng xưa tích cũ) đều được rút gọn từ 3- 4 giờ xuống còn 2 giờ nhưng vẫn đảm bảo nội dung, người xem rất thích. Hơn 2 giờ rưỡi biểu diễn của đoàn, khán giả vỗ tay không ngớt bởi những giọng hát khỏe khoắn, trong vút của các NSƯT Sơn Thị Mi Ni, Kim Đal, những vũ điệu Lâm Thon, Xa Ri Ka Keo, múa Chằng của các vũ công Lâm Thị Nhẫn, Thạch Khoa Na, Thạch Thị Văn Sil và tiếng sáo mũi ngân vang réo rắt của NSƯT Kim Đal…
Nhiều gia đình ba, bốn đời làm nghệ sĩ
 Thạch Chăm Rơn, 51 tuổi, Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, xuất thân là một nghệ sĩ múa Chằng. Cha mẹ, vợ chồng và con ông đều theo nghề ca hát. NSƯT Thạch Vông (cha), sinh năm 1920, nguyên là Phó đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, nổi tiếng với những vai múa Chằng. Ông được coi là bậc thầy của những bậc thầy trong nghề đạo diễn và biểu diễn múa Chằng. Ngoài lúc biểu diễn trong đoàn, ông dành khá nhiều thời gian nghiên cứu về âm nhạc dân tộc Khmer.
Ông được mời xuống các đoàn Dù kê, Rô băm trong tỉnh và các tỉnh lân cận như Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang để giảng dạy. Ông mất cách nay 10 năm nhưng “tài sản” của NSƯT Thạch Vông để lại cho Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng nói riêng và các đoàn nghệ thuật Khmer ĐBSCL nói chung rất lớn. Biên đạo múa Kim Thị Suôl (mẹ) cũng là “tay tổ” trong nghề đạo diễn và múa Khmer. Lâm Thị Nhẫn (vợ) và Thạch Khoa Na (con) cũng là diễn viên múa Dù kê và Rô băm có năng khiếu, tiếp được truyền thống gia đình… 
Còn không ít gia đình có 3, 4 thế hệ làm nghệ sĩ ở Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng như vợ chồng Điền Sao - Thạch Thị Văn Na; Thạch Thị Văn Sil; Sơn Thị Mi Ni; Sơn Lương - Hồng Vân; Lâm Vĩnh Phương…
NSƯT, nhạc sĩ Sơn Lương, 57 tuổi, nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, hiện là Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sóc Trăng. Từ nhỏ, ông Sơn Lương đã có năng khiếu văn nghệ. Lớn lên, ông tham gia Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng; vừa biểu diễn vừa sáng tác. Ông biên soạn lại khá nhiều những tuồng tích cũ; cải biên những làn điệu Dù kê cho tươi mới, phù hợp với người xem đang rất cần đổi mới hiện nay.
Nhạc sĩ Sơn Lương còn sáng tác những bản nhạc mới, phục vụ cho chương trình ca, múa, nhạc dân tộc. Ông cũng từng đi nhiều nơi, xuống các đoàn nghệ thuật Khmer để giảng dạy, truyền nghề. Nghệ sĩ Hồng Vân (vợ nhạc sĩ Sơn Lương) cũng là người múa Dù kê, Rô băm nổi tiếng…
Không để mai một
Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng hiện có 40 người; hầu hết là diễn viên và nhạc công. Hầu như ai cũng làm được nhiều việc. Các ca sĩ nam, nữ kiêm luôn diễn viên múa. Các nhạc sĩ thì kiêm chức nhạc công. Những người làm hậu trường cũng đều là ca sĩ, diễn viên. Đoàn hiện có 3 thế hệ diễn viên đang sinh sống và làm việc cùng nhau. Thế hệ gạo cội chuyên tổ chức đào tạo. Thế hệ “chín mùi” đang biểu diễn. Thế hệ trẻ vừa học vừa biểu diễn và là đội ngũ kế thừa. Hàng năm, đoàn có 9 tháng biểu diễn và 3 tháng luyện tập. Những tháng mùa khô, đoàn biểu diễn phục vụ bà con ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Mùa mưa, ngoài luyện tập đoàn phục vụ cho khách du lịch, các lễ hội dân tộc…
Thu nhập của đoàn từ các suất diễn cũng đảm bảo cho các thành viên trong đoàn đủ sống. Một điều hết sức trân trọng là các thành viên trong đoàn ai cũng yêu nghề. Suy nghĩ của họ rất giản dị là làm để sống và truyền nghề cho các thế hệ tiếp nối, để các dòng nghệ thuật truyền thống không mai một.
Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật sân khấu Dù kê Nam bộ” vừa mới được tỉnh Sóc Trăng xây dựng. Đề án này nêu rõ, việc bảo tồn, phục hồi dòng nghệ thuật Dù kê, Rô băm là nhu cầu bức xúc phục vụ cuộc sống tinh thần của hơn 1 triệu đồng bào Khmer Nam bộ. Cách làm của Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng hiện nay là một biểu tượng cho hồi sinh sân khấu cổ. 
Nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer Nam bộ được hình thành trên 100 năm nay. Những năm 1980 - 1990, được coi là thời kỳ “vàng son” của sân khấu Dù kê. Hầu như xã nào ở Sóc Trăng, Trà Vinh (nơi có đông đông bào Khmer sinh sống) cũng có đoàn Dù kê. Trải qua thăng trầm của thời gian và những biến động phát triển, sân khấu Dù kê ở ĐBSCL giờ chỉ còn trên 10 đoàn cả chuyên và không chuyên. Ba đoàn Dù kê ở Sóc Trăng là Ron Ron, Ánh Bình Minh và Sơn Nguyệt Quang tuy là không chuyên nhưng rất nổi tiếng; vẫn hoạt động và phục vụ tốt công chúng, thu nhập đủ sống.
Cuối tháng 10 và đầu tháng 11 này, tại Sóc Trăng sẽ diễn ra “Liên hoan Nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam bộ lần thứ 2”. Trong những ngày cuối tháng 9, Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng và các đoàn nghệ thuật Dù kê ĐBSCL đang gấp rút luyện tập để dự Liên hoan Sân khấu Dù kê sắp tới. Đây cũng là dịp quảng bá cho loại hình nghệ thuật này, phục hồi phục vụ công chúng. Riêng Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng còn xây dựng thêm chương trình phục vụ Lễ hội (festival) Óc Om-Bóc và lễ hội đường phố vào rằm tháng 10 âm lịch.

Tin cùng chuyên mục