Hồi sinh vùng đất bom, mìn

Những cánh rừng cao su, tràm mướt xanh trải dài khắp các ngọn đồi; những thị tứ san sát mái ngói đỏ tươi còn thơm mùi vữa; những tốp học sinh tung tăng đến trường và cả những bác nông dân cần cù sớm hôm vun trồng rẫy lúa, nương ngô xanh nghút tầm mắt… ngay trên những bãi mìn, hố bom dày đặc trước kia, như một chỉ dấu cụ thể về sự hồi sinh sau 40 năm hòa bình lập lại.
Hồi sinh vùng đất bom, mìn

Những cánh rừng cao su, tràm mướt xanh trải dài khắp các ngọn đồi; những thị tứ san sát mái ngói đỏ tươi còn thơm mùi vữa; những tốp học sinh tung tăng đến trường và cả những bác nông dân cần cù sớm hôm vun trồng rẫy lúa, nương ngô xanh nghút tầm mắt… ngay trên những bãi mìn, hố bom dày đặc trước kia, như một chỉ dấu cụ thể về sự hồi sinh sau 40 năm hòa bình lập lại.

Lật từng centimet đất

Mặt trời ló rạng. Cái lạnh buốt những ngày mưa phùn gió bấc bị đẩy lùi. Khe Sanh, Làng Vây và Tà Cơn… thuộc huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị dần bừng sáng lộ ra một màu xanh ngút ngàn tràn đầy sinh lực giữa tiết trời ấm áp. Đó là những địa danh khi gọi lên đã gợi lại trong tâm trí người Việt Nam về một thời Bình - Trị - Thiên khói lửa. Về một thời, phải oằn mình hứng chịu hàng vạn tấn bom đạn khi Mỹ - ngụy đổ quân xuống nơi đây thiết lập hàng rào McNamara và chia cách dải đất hình chữ S bằng “bức tường lửa” mang tên vĩ tuyến 17.

Tại Tân Sơn - vành đai căn cứ Làng Vây năm xưa kia, đang có những thành viên của đội rà phá bom mìn lưu động Quảng Trị (gọi tắt đội EOD, được thành lập từ năm 2003 với 32 người, phần lớn là người tại chỗ - PV) tỉ mẩn làm sạch cho đất. Đã hơn 10 năm, họ vẫn lặng thầm đối diện với thần chết để mang lại sự hồi sinh cho đất.

Với kỹ thuật chuyên nghiệp được đào tạo bài bản trực tiếp từ các chuyên gia nước ngoài, trên khoảnh đất rộng khoảng 100m² vừa khoanh vùng, hai người trong đội EOD dùng dây chia ra từng ô có chiều ngang chừng 1m để đảm bảo không một centimet đất nào bị bỏ sót. Một tổ hai người chịu trách nhiệm rà soát khuôn viên nhỏ ấy, người đi trước rà máy, người đi sau cắm cọc định vị. Được vài bước, máy phát tín hiệu báo có kim loại. Một chiếc cọc định vị được cắm xuống đánh dấu để một nhóm khác trực tiếp xử lý.

Anh Nguyễn Văn Cường, đội trưởng EOD chia sẻ: “Công việc rà phá bom mìn gần như không thể rút kinh nghiệm cho lần sau nên mọi động tác phải chính xác 100%. Phải thận trọng, tỉ mỉ, chú ý toàn tâm vào công việc đang làm, chỉ một sai lầm nhỏ cũng có thể trả giá bằng tính mạng của mình, của đồng đội và nhân dân”.

Đội rà phá bom mìn lưu động di chuyển quả bom đưa đi tiêu hủy.

Sau khi xác định được vị trí có bom mìn, hai thành viên trong đội lập tức vét từng lớp đất quanh vật liệu nổ. Chỉ với con dao nhỏ, các anh phải đào cả khối đất đá, khi tìm được vật nổ cũng là lúc hai bàn tay đỏ tấy. Cả đội họp lại đánh giá tình trạng quả bom để xác định nguyên lý, cơ cấu của kíp nổ trước khi tháo gỡ.

Anh Cường chỉ dẫn: “Bom mìn mặc dù vô giác nhưng nếu nắm chắc được tính năng của từng loại sẽ dễ dàng hơn trong quá trình di chuyển, tiêu hủy… Những loại bom bướm, bom bi nguy hiểm nhưng không đáng gờm bằng bom đạn phốt pho. Bởi sau nhiều năm ẩn mình trong lòng đất, lớp kim loại bọc bên ngoài hoen gỉ, tạo điều kiện cho chất phốt pho rò rỉ ra bên ngoài nên hễ gặp không khí là nó tự cháy nổ. Gặp bom phốt pho, anh em phải dùng băng gạc y tế thấm nước bao bọc lại chỗ rò rỉ rồi dùng bàn trượt hay đòn gánh khiêng về bãi tiêu hủy”.

Ngoài việc “giải phóng” đất đai cho các công trình phúc lợi, EOD còn hoạt động như một đội phản ứng nhanh khi người dân thông tin việc phát hiện có bom mìn trong lúc làm nương rẫy hay xây dựng các công trình.

Màu xanh trên vùng đất “chết”

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính nêu số liệu khiến ai nghe cũng rùng mình: “Nếu tỷ lệ ô nhiễm bom mìn trên cả nước là 6,6 triệu ha, chiếm 21% diện tích cả nước thì ở tỉnh Quảng Trị, tỷ lệ đất đai ô nhiễm bom mìn đến 84% diện tích và là tỉnh có mật độ ô nhiễm bom mìn cao nhất Việt Nam. Do vậy, với tốc độ rà phá bom mìn khoảng 2.500ha đất/năm như hiện nay thì phải… 165 năm nữa, Quảng Trị mới làm sạch hết diện tích đất tự nhiên có bom mìn, vật nổ còn lại sau chiến tranh.

Ngoài nguồn vốn đầu tư của Trung ương, những năm qua, Quảng Trị còn được các tổ chức phi chính phủ và nước ngoài giúp đỡ rà phá bom mìn, vật nổ, từng bước làm sạch lòng đất, bàn giao mặt bằng cho nhân dân sản xuất, ổn định cuộc sống. Cùng với đội EOD của tổ chức phi chính phủ Peace Trees Vietnam, ở Quảng Trị còn rất nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài như MAG, Renew, SODI, CPI… cũng tham gia làm sạch đất nhiễm bom mìn.

Trong thời gian tới, Quảng Trị sẽ đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư, phân bổ nguồn vốn và phân cấp cho địa phương trong việc sử dụng nguồn vốn cho các hoạt động rà, phá bom, mìn, vật nổ tại địa phương. Rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt các dự án rà, phá bom, mìn, vật nổ, nhất là các dự án do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ. Bên cạnh đó, tiếp tục chia sẻ các thông tin và dữ liệu khảo sát về ô nhiễm bom, mìn đối với địa phương, đặc biệt hỗ trợ địa phương tiếp cận các nhà tài trợ, tổ chức nhân đạo nhằm thu hút nguồn lực, nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án, đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục