Hỗn loạn tại buổi xin lỗi ông Hàn Ðức Long do luật “hở”

Ngày 26-4, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp, trả lời báo chí về việc hỗn loạn tại buổi xin lỗi công khai ông Hàn Ðức Long, ông Trần Việt Hưng, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, cho biết, buổi xin lỗi đã diễn ra đúng luật.
Nhiều người đã gây mất trật tự trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long. Ảnh cắt từ clip
Nhiều người đã gây mất trật tự trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long. Ảnh cắt từ clip

Tuy nhiên pháp luật hiện hành chỉ quy định việc xin lỗi phải nghiêm túc, công khai, còn việc tổ chức, nội dung, thành phần tham dự cụ thể như thế nào thì luật hiện hành chưa quy định rõ ràng. Vì thế tại cuộc xin lỗi ông Hàn Ðức Long đã xảy ra tình trạng nhiều thành phần tham gia, trong đó có một số người trong gia đình nạn nhân đã có hành vi vượt quá quy định, gây lộn xộn, mất trật tự. “Việc tổ chức có những sự cố khi người nhà bị hại có hành vi vượt quá giới hạn thì Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước chưa quy định. Tôi không bình luận nhiều về chuyện này, nhưng phải khẳng định việc xin lỗi ông Hàn Ðức Long và việc cơ quan tố tụng chưa tìm ra hung thủ thực sự trong vụ án là hai việc khác nhau...” - ông Trần Việt Hưng nhấn mạnh.

Ðại diện Cục Bồi thường nhà nước cũng cho biết, dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đang được sửa đổi, trong đó sẽ quy định lại cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong quá trình tổ chức xin lỗi công khai. Luật mới sẽ hạn chế việc gây rối khi quy định về phương án bảo vệ, tổ chức cuộc xin lỗi đảm bảo tính nghiêm minh, đúng nội dung, vai trò trách nhiệm của nhà nước đối với người bị oan trong quá trình xin lỗi. Ðồng thời dự thảo luật cũng quy định yêu cầu về khôi phục danh dự, đề xuất yêu cầu khôi phục danh dự để bảo đảm quyền của công dân phù hợp Hiến pháp.

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Bộ Tư pháp đã trả lời báo chí các câu hỏi xung quanh đề xuất mới đây của Bộ Công an về việc chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. Theo ông Lê Ðại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã được gửi đến Bộ Tư pháp thẩm định. Quan điểm của Bộ Tư pháp là nghị định này chỉ quy định những tổ chức, cá nhân nào đáp ứng những điều kiện gì thì được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng ghi âm, ghi hình và không điều chỉnh về đối tượng, thành phần sử dụng thiết bị. Bởi lẽ Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải cấm bằng quy định pháp luật.

Tin cùng chuyên mục