Hồn tượng trên những nẻo đường Âu châu

Đứng trước tượng Chú bé tè - Manneken Pis, mặt cô Năm căng thẳng, giọng lo âu: “Trời ơi trời. Thằng bé này ăn nổi một chén cơm không mà nhỏ xíu vậy trời. Con chụp khéo kẻo nó không lọt vô hình thì coi như cô Năm chưa ghé được Bỉ nghe”. 
Cô Năm ở Nha Trang, lần đầu du lịch Brussels, làm tôi nhớ mẹ tôi cũng từng ngạc nhiên về cái gọi là tầm vóc của biểu tượng quốc gia Bỉ. Chuyện tượng đá, đài phun nước ở châu Âu, đi nhiều, ngắm nhiều, ngẫm ra là một kho tàng vô giá về cảm xúc. Ngạc nhiên cũng là một giá trị.
Từ Chú bé tè đến chú chó tè
Trước khi đến Copenhagen (Đan Mạch), nhiều người “cảnh báo” tôi rằng The little mermaid - Nàng tiên cá nhỏ lắm. Sau lưng nàng là vịnh Oresund mở ra thăm thẳm, hòn đá tiên cá ngồi càng trở nên chông chênh. Nhưng tôi chẳng ngạc nhiên, còn to hơn Chú bé tè nhiều lần. Nhìn cảnh du khách xếp hàng, đua nhau chụm chân bấu tay vào đá để chụp cùng Nàng tiên cá, tôi bỗng nhớ nàng Juliet ở thành Verona (Ý).
Tượng Juliet to chẳng kém người thật, dựng ngay trước lối vào nhà nàng có chiếc ban công được Shakespeare biến thành thánh đường hò hẹn của tình yêu đầu tiên thuần khiết. Du khách cũng chen nhau chụp ảnh cùng nàng. Từ phố nhìn vào nhà chỉ thấy đầu người lô nhô. Người ta thì hồ hởi xúm vào nàng, còn Nàng tiên cá lẫn Juliet đều ngoảnh mặt sang hướng khác, hơi cúi đầu, e ngại. Sự trùng hợp này mới thật ngạc nhiên.
Vậy đấy. Cảm giác đến được nơi ấy, chụp ảnh được cùng di sản ấy, sờ tay vào tận tượng đấy, nhưng rồi quên nhanh. Điều còn đọng lại lâu nhất, vẫn là sự ngạc nhiên âm ỉ, có khi giúp ta thay đổi cả về nhân sinh quan.
Hồn tượng trên những nẻo đường Âu châu ảnh 1 Tượng nàng Juliet ở thành Verona
Khác với mẹ tôi và cô Năm, tôi không ngạc nhiên về sự nhỏ bé của Chú bé tè. Bởi trước khi đến góc phố có đặt biểu tượng quốc gia ấy, tôi từng ngỡ ngàng va phải một con chó đang ghếch chân tè ngay ngã tư đông đúc người đi bộ ở trung tâm Brussels. Dĩ nhiên là tượng rồi. Bọn trẻ con nhà tôi lần nào qua đó để vào quán ăn Việt gần đó, cũng reo cười thích thú trước cảnh con chó giạng chân sau rõ rộng, không thành đài phun nước như Chú bé tè nhưng điệu bộ đời thường hồn nhiên ấy đã khiến cái nhìn về tượng người và thú trong tôi từ đó thay đổi rõ rệt. Không còn hình ảnh đóng khung về những dáng điệu to lớn cứng đờ, bắt buộc theo một phong cách tạo hình hay nghi lễ đơn điệu, ít biểu lộ tình cảm.
Có khi đứng trước một kết cấu tượng đài đồ sộ, đường nét đẹp duy nhất tạo được cảm xúc lại nằm ở bàn tay luồn sâu vào ống tay áo rộng có nhiều nếp gấp rũ xuống, ở nét căng của làn roi vung lên quất ngựa, cuốn sách đang mở ra hay gập vào sát ngực tượng người.
Một lần, đang dạo chơi ở trung tâm Diest - thành phố nhỏ thanh bình vùng Flander (Bỉ), tôi thấy tượng người đàn ông vóc dáng nhỏ nhưng bụng khá to, gương mặt vênh khoảng 45 độ, tạo hình thuần hậu vui vẻ, dựng trước lối vào công viên. Không phải danh nhân, cũng chẳng là người có công trạng ghê gớm gì của thành phố. Đơn giản, dưới chân tượng ghi nội dung đầy tự hào “Ông tôi là người thử bia tài giỏi” (chuyên uống thử các loại bia kiểm tra chất lượng trước khi cho sản xuất hàng loạt).
Lần khác, tôi tò mò vào một thị trấn ven biển Bắc - mệnh danh khu nhà giàu của người Âu xem dân lắm tiền sống trong những ngôi nhà đẹp, lạ thế nào. Nhà cửa kiến trúc cổ, có khi lợp cả mái tranh, thường nằm giấu mặt phía sau những khu vườn lắm cây, đầy cỏ. Xét ở vẻ ngoài, biệt thự của nhà giàu ở Việt Nam lộng lẫy, bề thế hơn nhiều. Ngay như quê tôi vùng đồng bằng Bắc bộ bây giờ, đầu làng án ngữ mấy biệt thự hàng chục tỷ đồng của các “vua cua”, “vua gà”.
Nhờ buôn bán, chạy chợ mà phất lên. Xây biệt phủ hẳn hoi, lấy to làm trọng, nội thất sập gụ, tủ chè, mỗi món cũng cả trăm triệu đồng. Nhưng rất hiếm vườn. Cả khối biệt thự trồi lên, có gì khoe bày hết ra mặt tiền, hùm hụp tấm bạt dày chống nắng. Mùa hè về thăm làng, biệt phủ nào cũng trùm khoác áo chống nắng như thế. Giá mà chừa ra mảnh đất làm vườn trước, vườn sau, vừa thoáng đãng tinh tế vừa làm nơi chắn nóng vào nhà hiệu quả…
Cách làm tiểu cảnh hoặc dựng tượng người và thú trong vườn nhà của người Âu cầu kỳ hơn, hấp dẫn hơn, khác lạ hơn. Đang đi, ánh mắt tôi va phải một anh chàng cứu hộ ở bãi biển hoặc bể bơi - tượng chứ không phải người thật - ngồi trên ghế cao nhô ra khỏi hàng rào xanh mướt. Nổi bật trên thân thể đen bóng của anh ta là chiếc mũ lưỡi trai màu da trời. Nhiều tiền chưa chắc đã khác người. Nhưng dựng một bức tượng ngạo nghễ, sực mùi biển và hội hè trên cát như thế này trước nhà chứng tỏ gia chủ rất giàu có về ý tưởng. Nhìn bức tượng, tôi liên tưởng vui, chắc chủ nhà không chỉ có loại vệ sĩ hoặc nhân viên bảo vệ trên cạn thông thường. Trong tay đã sẵn đồng tiền, ông ta hoặc bà ta có “vệ sĩ dưới nước” hẳn hoi. 
Ngạc nhiên ngay dưới chân mình
Đó là chuyện nhìn lên. Bây giờ là sự ngạc nhiên khi nhìn xuống. Đến Aachen, thành phố Đức nổi tiếng với những di tích cổ đại, vốn là quốc gia nhỏ của người Celtic hơn ba ngàn năm về trước, dân địa phương khuyên tôi chịu khó cúi xuống nhìn đường, kẻo bỏ lỡ một phần giá trị của du lịch.
Vừa rời Nhà thờ lớn - di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Đức được UNESCO công nhận năm 1978, tôi lập tức liên tục cúi đầu, mắt bị hút bởi những nút đồng tròn sáng bóng, tạo hình khá giống la bàn ốp vào các viên đá lót đường. Thực ra đây là bảng đồng nhỏ khắc bốn chữ viết tắt theo tiếng Latin: K-L-R-S. Dọc các con đường đi bộ lát đá cổ, bên đài phun nước, trên tường thành... cũng có những nút tròn viết tắt bốn chữ cái này. Đó là tên của Kalorus, Hoàng đế Charlemagne lừng lẫy của nước Pháp có công biến Aachen trở thành một trung tâm nổi tiếng của châu Âu. Ông cũng qua đời ngay tại nơi này vào khoảng năm 814. Nếu không nhìn xuống, chẳng khác nào ta bước qua một phần lịch sử Aachen.
Hồn tượng trên những nẻo đường Âu châu ảnh 2 Tượng Beethoven và ông nội ở thành phố Mechelen
Thêm một câu chuyện viết trên phiến đá rộng, đặt dưới chân bức tượng Beethoven lúc nhỏ tay cầm bông hồng vàng giấu sau lưng ở trung tâm thành phố Mechelen. Nếu nhấc chân lên, cúi xuống đọc, ta sẽ biết thêm về thiên tài âm nhạc Đức thực ra xuất thân từ một gia đình gốc Vlaanderen (thuộc Bỉ ngày nay). Ông nội của Beethoven, Lodewijk van Beethoven (sinh tại Mechelen khoảng năm 1712), chỉ huy dàn nhạc cung đình ở Bonn, qua đời lúc Beethoven ba tuổi, từng học hát tại trường âm nhạc thuộc Nhà thờ Sint Rombouts ở thành phố Mechelen. Có thể nói, đây cũng là nơi khởi nguồn tình yêu và nuôi dưỡng tài năng âm nhạc của Beethoven sau này. Một phiến đá khác, cũng đặt dưới đất cạnh đó, ghi lời của Ludwig van Beethoven rằng “Chính ông nội là tấm gương lớn, là người truyền đam mê âm nhạc cho tôi...”.
Trước mặt tượng Beethoven tạc nổi nguyên khối, tượng ông nội bán thân, tạc chìm vào phiến đá mỏng, theo kiểu sương khói mờ nhân ảnh, riêng bàn tay phải của ông nội Beethoven được tạc nổi, xuyên vượt bức tường đá, chìa bản nhạc về phía cháu trai. Cảm hứng và tình yêu âm nhạc chính là thứ vượt thời gian, xuyên thời đại.
Lúc dạo quanh thành phố Malmo, Thụy Điển, mỏi chân, tôi ngồi lại bên bờ dòng kênh nhỏ chảy giữa trung tâm. Những đôi giày dép của người nổi tiếng dựng bằng đồng đặt rải rác dưới thành cầu. Trên các bậc xi măng bên sông, hai tượng hình con mèo lười nhác, mắt khép liu riu, thân bóng lên vì được trẻ em thích thú sờ mó, ôm ấp. Thật hợp không khí mát dịu và thư giãn giữa lòng thành phố. Khung cảnh lại làm tôi nhớ quảng trường Ladeuzeplein ở thành phố Leuven (Bỉ). Hôm ấy, tôi ngồi uống bia cùng một cựu quân nhân Bỉ mê hội họa, ngắm bức tượng một con nhặng khổng lồ màu ngọc lục bảo, bị mũi giáo cao 23m đâm xuyên bụng, nằm ngửa giơ chân lên trời giữa quảng trường. Tôi hỏi vị cựu quân nhân ngồi bên: “Bức tượng này có ý gì, ngay giữa quảng trường đẹp thế này và trước cửa tòa thư viện sinh viên tráng lệ kiến trúc tân cổ điển?”.
Cựu quân nhân Bỉ mỉm cười: “Đây là tác phẩm của nghệ sĩ nổi tiếng Jan Fabre dựng khoảng năm 2004 - 2005 làm quà tặng cho Leuven nhân kỷ niệm 575 năm thành phố ra đời. Tác phẩm này gọi là Totem. Thực ra, trong nghệ thuật, đặc biệt là hội họa và điêu khắc, không nhất thiết phải hỏi người sáng tạo có ý gì, nghĩ gì, hay muốn truyền thông điệp gì. Ấn tượng đầu tiên hay cảm xúc còn đọng lại của người xem khi thấy tác phẩm ấy, mới là thứ quan trọng, mới là điều người tạo ra tác phẩm ấy muốn truyền đạt”. Tự do, ngay từ trong cái chết của một con bọ, ở tư thế nằm ngửa, được thấy bầu trời, được kết nối với vũ trụ bao la, cũng là điều đáng khao khát nhất.

Tin cùng chuyên mục