“Hòn vọng phu” nơi Bến Lở

13 năm trôi qua trong mòn mỏi, mong chờ. Những người đàn bà có chồng đi biển trên con tàu QNA 1431 (thôn Bình Trung, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vẫn âm thầm, lặng lẽ trông theo từng con sóng va vào Bến Lở, ngóng trông chồng. 
Chuyến ra khơi định mệnh giữa năm 2004, hơn 20 thuyền viên trên tàu QNA 1431 biền biệt không quay về, trở thành một nỗi ám ảnh nặng nề với bà con xóm đảo. Những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha. Thời gian như thoi đưa, những người đàn bà ngày ngày men theo từng con sóng, mò mẫm mưu sinh và chờ đợi…
“Hòn vọng phu” nơi Bến Lở ảnh 1 Những phụ nữ ở xã đảo Tam Hải bám Bến Lở mò cua, bắt ốc nuôi con và chờ chồng trong vô vọng
1. Mùa nào xã đảo cũng sóng nước mênh mông. Đứng bên này sông, nhìn bóng dáng của những người phụ nữ nơi Bến Lở trông hắt hiu, chơ vơ giữa muôn trùng con sóng ngày đêm lăn vào cồn bãi. Họ là những người đàn bà kiên nhẫn, bám bến nước chờ chồng, dẫu biết rằng vô vọng. Từ ngày 20 thuyền viên và chủ con tàu QNA 1431 bị cơn bão quái ác nhấn chìm biệt vô âm tín, bến cát này theo thời gian cũng dần có một cái tên gọi mới: Bến Lở.
Gọi vậy cũng bởi nơi đây hàng ngày gió cuốn cát trôi, sóng vỗ xói mòn, bến cát trải dài lở dần thành Bến Lở. Nhiều người không chịu nổi cuộc sống xói mòn đã bỏ bến mà đi. Riêng những “hòn vọng phu” chờ chồng nơi Bến Lở vẫn bám trụ, giữ làng với lòng chờ đợi sắt son.
Người dân Bến Lở kể lại: Đó là một buổi chiều, biển trở mình gào thét. Những con sóng khổng lồ cứ từng đợt tạt mạnh vào bờ. Nghe tin có cơn bão lớn ngoài khơi, nơi con tàu QNA 1431 đang cố vật lộn trốn bão, bao gia đình có thân nhân trên con tàu như ngồi trên đống lửa. Và rồi, con tàu mất liên lạc hoàn toàn với đất liền. Người dân xóm đảo co rúm lại, ngóng chờ từng đêm. Năm tháng trôi qua, sự đợi chờ vô vọng ấy theo mãi đến tận bây giờ.
Chị Nguyễn Thị Minh, vợ chủ tàu QNA 1431, cho biết: “Tôi có chồng và con trai đều mất tích sau trận bão oan nghiệt ấy. Chuỗi ngày còn lại phải sống trong tận cùng nỗi đớn đau không gì nguôi ngoai”. Giai đoạn đầu, chị Minh như người đàn bà vô hồn, nói cười như điên dại trước sự ra đi của 2 người đàn ông mà chị yêu thương nhất. Tưởng như không trụ nổi trước cơn bão chia ly, nhưng chị vẫn phải gượng dậy, phải sống. Nhưng chưa bao giờ chị ngớt hy vọng, trông mong người chồng và đứa con sẽ trở về.
Chị tâm sự: “Nói thiệt tình, đàn bà dân đảo bọn tui ai không thấm thía câu: Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm. Nhưng biết răng chừ, duyên phận, duyên nghiệp hết! Nhưng có ai ngờ, bao tang thương mất mát cùng lúc phủ lên cái Bến Lở này. Để mấy chị em xóm đảo, trong chốc lát bỗng trở thành góa phụ, thành những người đàn bà lỡ dở. Từ ngày định mệnh ấy, hình ảnh của người chồng và đứa con trai luôn về chập chờn trong giấc ngủ. Có những đêm chị như người mộng du một mình lang thang ra biển giữa đêm khuya hú gọi chồng. Bà con hàng xóm lại ra dắt chị về".
Từ một gia đình có kinh tế vững vàng, là chủ tàu tiền tỷ, phút chốc thành tay trắng. Chồng con mất tích, chị Minh không còn nơi bấu víu. Nhiều lúc chị nghĩ đến cái chết. Nhưng chết thì ai lo hương khói cho chồng con, đành phải sống. Chị gom góp ít vốn liếng còn sót lại đầu tư nuôi nghêu trên vùng nước lợ, nơi con tàu QNA 1431 ngày ấy ra khơi. Rồi bao nhiêu công sức cũng đổ ra sông đổ biển, công việc nuôi nghêu thất bại hoàn toàn. Chị vẫn không rời bỏ Bến Lở, lại eo sèo một mình một bóng, bám theo từng con nước ròng cửa sông, mò cua bắt ốc để sống, nuôi 2 đứa con nhỏ nên người.
2. Chị Nguyễn Thị Cúc cũng chung hoàn cảnh. Ngày anh Sang, chồng chị theo con tàu QNA 1431 mãi mãi không về, để lại chị một mình với 4 đứa con thơ nheo nhóc. 13 năm trời không đêm nào chị không khóc vì nhớ chồng và thương phận mình bèo bọt.
Chị Cúc kể, chị thường hay mơ thấy xác chồng trôi dập dềnh trên biển, nên lòng cứ xót xa, bồn chồn không sao chịu được. Nấm mộ gió nơi đống cát trước làng được dựng lên, chiều chiều chị mang hương khói ra thắp, tưởng như có anh nằm phía dưới lòng đất ấm áp kia rồi.
Căn nhà chị Cúc nằm hiu hắt bên Bến Lở. Chị bảo, ngày chồng vĩnh viễn nằm lại nơi biển cả sâu thẳm, chị không còn sợ bóng đêm và sóng gió nữa. Đêm đêm, dân làng thường thấy bóng người đàn bà cô độc cùng với chiếc đèn pin cột trên trán lom khom soi bắt cá, nhặt ốc sò. Làm đêm không đủ sống, tranh thủ làm ngày, vậy nhưng chị Cúc vẫn nuôi được 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn, dựng vợ, gả chồng cho con…
3. Mỗi cái bóng sắt son chờ chồng trên Bến Lở có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều giống nhau ở cái buồn hiu hắt. Chị Nguyễn Thị Linh không giống chị Cúc, chị Minh, vì chị không thể bám vào sóng nước vì chị sợ ra Bến Lở lại không ngăn được nỗi nhớ chồng. Chị chọn cho mình nghề chở nước thuê kiếm sống. Trên đảo tồn tại 2 cái giếng nước ngọt tự bao đời nay. Ngày ngày dáng chị gò lưng trên chiếc xe đạp cũ kỹ, phía sau là 2 can nhựa đầy nước chở đi quanh bến, bán cho người dân. Chị Linh tâm sự: “Thì biết răng chừ, khổ mấy cũng phải sống mà nuôi con thôi. Ngày khỏe tui đạp được 4-5 chuyến, 2 can nước 40 lít/chuyến, kiếm được 20.000 đồng. Ngày mệt thì 1-2 chuyến. Mười mấy năm ròng rã có nguôi được nỗi nhớ ảnh mô. Nhưng cũng ráng mà chịu, chẳng lẽ ngồi ôm cây cột nhà mà khóc miết. Rồi ai nuôi sắp nhỏ”.
Ông Hồ Quốc Thanh, Trưởng thôn Bình Trung, chia sẻ, dù họ là những người phụ nữ một mình vừa làm cha, vừa làm mẹ, nỗi đau không dễ gì nguôi ngoai, nhưng tất cả đều vươn lên sống tốt để nuôi con ăn học nên người. Chưa ai nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn cả trong suốt 10 năm qua.
…Có ở lại Bến Lở vào ban đêm mới thấu hết nỗi lòng những người đàn bà trên đảo. Giữa bốn bề mênh mông nước, tiếng sóng biển đều đều táp vào bãi cát. Những căn nhà thưa thớt với ánh điện lờ mờ chỉ toàn là trẻ con và phụ nữ. Đàn ông phải bám biển mưu sinh. Mười ngày nửa tháng họ mới trở về rồi lại ra đi. Dẫu sao những gia đình còn chồng, còn cha thì còn niềm hạnh phúc, chỉ thương cho những góa phụ đêm đêm vò võ trông chồng trong nỗi niềm tuyệt vọng... 

Tin cùng chuyên mục