Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và tạo việc làm giữa các nước Đông Á với Việt Nam

Ngày 22-5, Trường ĐH Văn Hiến tổ chức hội thảo khoa học quốc tế với “Hợp tác đầu tư các nước Đông Á – Việt Nam và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tạo việc làm cho người lao động”.
PGS-TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến phát biểu khai mạc hội thảo
PGS-TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến phát biểu khai mạc hội thảo

Bên cạnh việc tổng kết những bài học kinh nghiệm, tạo diễn đàn khoa học để phân tích, đánh giá và thảo luận những vấn đề về hiệu quả đầu tư, hợp tác và các chính sách lao động - việc làm cho Việt Nam trong những năm sắp tới, hội thảo còn là cơ hội để đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa Trường ĐH Văn Hiến và các nhà khoa học có chuyên môn quốc tế.

Hội thảo lần này ngoài sự tham gia của các giảng viên, sinh viên trong trường, còn có các nhà khoa học đến từ nhiều trường đại học uy tín trên thế giới và đại diện của các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Lao động Xã hội, Viện nghiên cứu Phát triển TPHCM, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại Thương…

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và tạo việc làm giữa các nước Đông Á với Việt Nam ảnh 1 Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tham dự 

Theo PGS-TS Trần Văn Thiện, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến: “Mục đích của hội thảo nhằm đóng góp một sự kiện khoa học của trường và tạo diễn đàn cho các nhà khoa học trình bày 3 vấn đề quan trọng nhất đó là vấn đề hợp tác đầu tư giữa các quốc gia Đông Bắc Á nói riêng và các nước ASEAN, hợp tác đầu tư vào vấn đề đào tạo chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng và tạo việc làm cho người lao động. Nội dung của chương trình hội thảo liên quan đến 3 bên, bên thứ nhất là chính sách, cơ chế của Chính phủ Việt Nam, của TPHCM, bên thứ hai là các nhà đầu tư của chính phủ nước ngoài, bên thứ 3 chính là bản thân người lao động”.

Theo ban tổ chức, bên cạnh nhiều bài viết của giảng viên, các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu trong nước, ban tổ chức còn nhận được nhiều bài viết của các học giả quốc tế đến từ Nhật Bản, Malaysia... Sau khi biên tập, phản biện, ban tổ chức đã chọn được 25 bài viết để đưa vào kỷ yếu và 6 đề tài tham luận trong hội thảo.

Với đề tài tham luận “Đầu tư trực tiếp FDI của các nước Đông Bắc Á vào Việt Nam và tác động của FDI đến lao động Việt Nam”, PGS-TS Trần Xuân Cầu cho thấy việc FDI đầu tư vào Việt Nam là xu hướng tất yếu và có tác động tích cực vào nguồn lao động Việt Nam không chỉ về quy mô việc làm tăng lên, mà còn làm thay đổi cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam, đặc biệt chất lượng cũng có phần thay đổi.
Một vấn đề đáng quan tâm là khi FDI đầu tư vào Việt Nam sẽ thu hút được lao động trẻ nhưng tính ổn định cho người lao động chưa cao. Quá trình làm việc của người lao động sẽ gặp 3 mâu thuẫn, thách thức cần vượt qua: Thứ nhất con người Việt Nam đi từ nền nông nghiệp nông thôn nên chưa ứng dụng được công nghệ hiện đại về công nghệ, máy móc, kỹ thuật vào công việc. Thứ 2 đó là vấn đề sức khỏe của lao động Việt Nam không được như các quốc gia khác. Cuối cùng đó chính là xung đột về văn hóa và ngôn ngữ trong quá trình làm việc.
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực và tạo việc làm giữa các nước Đông Á với Việt Nam ảnh 2 Các chuyên gia quốc tế đặt câu hỏi trao đổi tại hội thảo
Theo TS Hồ Cao Việt, Trưởng Khoa Kinh tế Trường ĐH Văn Hiến, Việt Nam muốn trở thành quốc gia phát triển cần phải có vốn đầu tư và nguồn lao động chất lượng. Làm sao để nâng cao nguồn lao động trí tuệ đó chính là vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục, phải đào tạo cho sinh viên học hỏi những tiến bộ trên thế giới, đặc biệt cần tạo môi trường cho sinh viên trải nghiệm và ứng dụng các kiến thức vào công việc thực tế. 

PGS-TS Trần Thị Lan Hương cho rằng thu nhập của lao động Việt Nam hiện nay đang thấp hơn các nước trong khu vực, chính vì thế chúng ta cần có chiến lược đầu tư nâng cao trình độ về cơ cấu lao động. Lao động nước ta chỉ dừng lại ở số lượng đông, mức nhân công rẻ thì đây chính là bất lợi lớn trong cạnh tranh với nhiều quốc gia. Việt Nam cần có chiến lược để lao động nước ta có mức thu nhập cao như các nước trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục