2007 Năm địa cực quốc tế

Hợp tác để cứu trái đất

Năm 2007, hàng ngàn nhà khoa học – các nhà khí tượng học, khí hậu học, các chuyên gia sông băng – sẽ dọc ngang các địa cực để nghiên cứu khí hậu và các dòng hải lưu ở đây. Chưa bao giờ Bắc cực và Nam cực lại đông người đến thế.
Hợp tác để cứu trái đất

Năm 2007, hàng ngàn nhà khoa học – các nhà khí tượng học, khí hậu học, các chuyên gia sông băng – sẽ dọc ngang các địa cực để nghiên cứu khí hậu và các dòng hải lưu ở đây. Chưa bao giờ Bắc cực và Nam cực lại đông người đến thế.

Hợp tác để cứu trái đất ảnh 1

Các kỹ sư và chuyên gia nghiên cứu trên máy bay đi Nam cực.

Từ ngày 1 tháng 3 năm nay, Năm địa cực quốc tế đã bắt đầu. Nhờ quyết định của Hội đồng quốc tế vì khoa học (ICSU) và Tổ chức Khí tượng thế giới, nỗ lực nghiên cứu quốc tế này sẽ kéo dài trong hai năm, cùng sử dụng các phương tiện để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu làm việc cả mùa hè và mùa đông ở Bắc cực và Nam cực.

Đây là lần thứ tư cộng đồng khoa học quốc tế quyết định hợp sức nghiên cứu các địa cực (các lần trước vào các năm 1882, 1932 và 1957). Từ năm 2000, các dự án nghiên cứu bắt đầu gửi về; qua sàng lọc và kết hợp, những người tổ chức đã chọn ra 120 dự án được tiến hành trong Năm địa cực quốc tế này. Năm ngàn người đến từ 60 quốc gia sẽ tham gia vào các dự án đó.

Canada, Mỹ và Trung Quốc là những nước đầu tư phương tiện nhiều nhất trong năm địa cực này. Ngoài ra, nhiều nước nhỏ hơn như Bỉ, Hàn Quốc, Malaysia... cũng tham gia. Sự nóng lên của khí hậu là chủ đề trung tâm của Năm địa cực. Ông Jean Jousel, thành viên của nhóm chuyên gia liên chính phủ về tiến hóa của khí hậu, nói: “Cách đây 5 năm, chúng tôi đã báo động về các hậu quả của thay đổi khí hậu. Nay, trên các địa cực, hậu quả đó đã nhãn tiền”.

Đặc biệt ở Bắc cực, nơi chịu tác động nhiều hơn các nơi khác, băng tan rất nhanh. Vấn đề vỏ băng sẽ hoàn toàn biến mất vào mùa hè trong vòng vài thập kỷ tới đang được đặt ra một cách nghiêm túc. Một sự kiện như thế sẽ gây ra hậu quả rất lớn: làm tăng mực nước các đại dương lên nhiều mét khiến nhiều vùng đất sẽ bị chìm dưới nước; làm tuyệt giống gấu địa cực vốn không tự nuôi sống được nếu không có vỏ băng; khiến dân cư các vùng đất quanh Bắc Băng dương sẽ phải di tản...

Các nhà khoa học quan tâm đến các địa cực bởi các vùng địa cực vừa là nơi lưu giữ, vừa là tác nhân chủ chốt của khí hậu. Cuộc “tập hợp địa cực 2007” này tạo ra một sự thống nhất về thời gian, địa điểm và hành động nghiên cứu cho phép sẽ có được một hình ảnh đầy đủ và chính xác của môi trường địa cực rất có ích cho việc đánh giá các tiến hóa trong tương lai.

Các nhà nghiên cứu địa cực hy vọng, 2 năm nghiên cứu sẽ dẫn tới việc ấn định những quy chế quốc tế mới trong khai thác các địa cực, một điều tất yếu đang được đặt ra khi các cạnh tranh kinh tế và địa chính trị đã xuất hiện. Ở Bắc cực, vấn đề khai thác dầu mỏ và các đường biển mới; ở Nam cực, vấn đề quy chế hóa ngành du lịch phát triển mạnh đang đe dọa phá vỡ sự cân bằng mong manh ở đây.

LÊ HÀ (Theo GEO 2-2007)

Tin cùng chuyên mục