Họp UBTVQH về sửa Bộ luật Dân sự (phần liên quan đến trần lãi suất cho vay): Cơ sở để “áp” trần chưa rõ!

Sáng nay, 23-4, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự (phần liên quan đến lãi suất huy động vốn, cho vay vốn của tổ chức tín dụng và một số quy định khác liên quan đến việc áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố) và dự án Luật Thi đua - Khen thưởng.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH tại phiên họp thứ 7, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự lần này đã có những điều chỉnh quan trọng.

Lãi suất được đề nghị làm chuẩn trong các quan hệ tín dụng chung sẽ vẫn là lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố. Một điều chỉnh quan trọng khác là trần lãi suất trong các giao dịch dân sự.

Trên cơ sở phân tích nguyên tắc trong các giao dịch dân sự là tôn trọng sự tự do, tự thỏa thuận của các bên, nhưng để phòng ngừa những trường hợp cho vay nặng lãi, Khoản 1, Điều 476 của Bộ luật Dân sự sẽ được sửa đổi thành: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 200% (không quá 2 lần) lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước VN công bố”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UBPL QH; ông Vũ Viết Ngoạn, Phó Chủ nhiệm UBKTQH, Chính phủ cần làm rõ những căn cứ để nâng trần lãi suất lên 200% (thay vì 150% như hiện hành) cũng như những tác động của việc nâng trần lãi suất để đảm bảo tính ổn định của pháp luật. Ông Ngoạn đề nghị: “Chưa cần thiết nâng biên độ từ 150% lên 200%”.

Về trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn, bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ, dự án Luật quy định, bên vay phải trả lãi đối với nợ gốc và nợ quá hạn bằng 150% lãi suất tại hợp đồng vay, nhiều thành viên trong UBTVQH cũng chưa nhất trí.

Thay vào đó, nhiều ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định này theo hướng bên vay chỉ phải trả lãi đối với nợ quá hạn bằng 150% lãi suất tại hợp đồng vay (trừ trường hợp giữa các bên thỏa thuận mức lãi suất thấp hơn).  

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục