Nhiều khu công nghiệp nhưng chưa đa dạng

Nhiều khu công nghiệp nhưng chưa đa dạng

Lâu nay Việt Nam được coi là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, gần đây nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài đổ vào bất động sản ngày một lớn. Đặc biệt, đón đầu làn sóng đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế. Theo dự báo, sắp tới sẽ bùng nổ khu công nghiệp khi nhiều khu công nghiệp chuẩn bị ra đời...

Bùng nổ khu công nghiệp

Báo cáo của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, hiện nay cả nước có 324 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích gần 92.000ha (nhưng trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê chiếm khoảng 67% tổng diện tích đất). Trong số đó, 220 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 60.000ha và 104 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích hơn 29.000ha. Ở những khu công nghiệp đã hoạt động thì tỷ lệ cho thuê hiện đạt khoảng 50%.

Điều đáng chú ý là trong tổng số 324 dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trên cả nước, có 44 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn đầu tư đăng ký của 324 dự án khu công nghiệp đạt gần 3,5 tỷ USD và 240.000 tỷ đồng. Trong đó vốn thực hiện đạt hơn 1,5 tỷ USD và 93.500 tỷ đồng (bằng 40% so với tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký).

Khu công nghiệp Hiệp Phước xây dựng nhà xưởng với diện tích nhỏ để thu hút doanh nghiệp phụ trợ

Sở dĩ các khu công nghiệp mọc lên như nấm nhưng triển khai chậm là do các nhà đầu tư “xí đất” đón đầu các cơ hội của làn sóng đầu tư trong quá trình hội nhập. Cụ thể, từ đầu năm 2016 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài ào ạt đổ tiền vào đầu tư bất động sản để đón đầu dòng chảy đầu tư. Ngay các chủ dự án đầu tư vào xây dựng các khu công nghiệp cũng thừa nhận rằng, phát triển các dự án bất động sản khu công nghiệp xuất phát từ nhu cầu sắp tới của thị trường đang tăng nhanh. Khi mà Việt Nam đã ký hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và FTA Việt Nam - EU sẽ thu hút mạnh các nhà đầu tư đầu tư vào Việt Nam. Đây là nguyên nhân dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam tăng đột biến từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư chưa cao, vì vốn thôi chưa đủ, cái cần cho sự phát triển bền vững đó là chất lượng trong quy hoạch hạ tầng, điện, đường, hệ thống thoát nước, khu xử lý chất thải… Nếu không chú trọng những vấn đề này, các dự án sẽ xả ra sông như lâu nay, gây ra sự phát triển thiếu bền vững.

Đông nhưng chưa mạnh

Những tháng đầu năm 2016, các khu công nghiệp, khu kinh tế đã thu hút được 370 doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp và 135 lượt doanh nghiệp điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn gần 50.000 tỷ đồng. Tính lũy kế đến cuối tháng 9-2016, cả nước đã thu hút được gần 6.400 doanh nghiệp đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 694.500 tỷ đồng, trong số đó tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 347.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 50% tổng vốn đăng ký).

Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam đang lấy lại đà tăng trưởng và nhiều tập đoàn đa quốc gia như Microsoft, Samsung, Intel… đang rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc, chuyển dòng vốn vào đầu tư tại Việt Nam, nên có sự dịch chuyển đáng kể trong dòng chảy đầu tư. Nhiều nhà đầu tư các ngành sản xuất công nghệ cao của Hàn Quốc, Nhật Bản đã đổ xô vào Việt Nam. Các khoản đầu tư từ Hàn Quốc chiếm 35% tổng vốn FDI đăng ký với 4 tỷ USD, Nhật Bản và Singapore theo sau với 1,2 tỷ USD và 1,1 tỷ USD vốn FDI đăng ký, tương đương với 11% và 10% vốn. Điển hình là ngay trong Khu công nghiệp Hiệp Phước (TPHCM), các nhà đầu tư Nhật Bản liên kết xây dựng hẳn một khu công nghệ phụ trợ cho mình.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiệu quả hoạt động ở các khu công nghiệp chưa cao, như kết nối được các doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất từ sản xuất linh kiện phụ trợ đến thành phẩm. Mạng lưới từ khâu sản xuất, cung cấp, phân phối chưa hoàn chỉnh; các nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư phụ trợ cho hoạt động của nhà máy tại khu công nghiệp chưa đông, chưa đầy đủ… Có nghĩa là, việc thu hút các nhà đầu tư không chỉ ở hạ tầng, ưu đãi về thuế, đất… mà ở vai trò của ban quản lý các khu công nghiệp trong khâu tổ chức, kết nối giữa các doanh nghiệp, tạo ra chuỗi cung ứng, sản xuất hoàn chỉnh thì mới thật sự thu hút và tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục