Chống “đường dây” tiêu cực!

Việc nhũng nhiễu, vòi vĩnh ở các lĩnh vực thuế, hải quan… lâu nay là nỗi bức xúc của doanh nghiệp. Nguyên nhân, cơ chế chính sách tạo cho công chức một quyền lực quá lớn, đặc biệt là đối với cán bộ có quyền thanh tra, kiểm tra thuế, hải quan. Rất nhiều vụ tiêu cực diễn ra kéo dài một thời gian dài, đến khi dư luận bức xúc, doanh nghiệp tố cáo thì cán bộ mới bị bắt.

Điển hình là vụ đội trưởng đội quản lý thuế của một quận trên địa bàn TPHCM bị bắt khi buộc các tiểu thương, doanh nghiệp tư nhân (kinh doanh vàng, phòng trọ…) “đóng hụi chết” hàng tháng với số tiền 10-15 triệu đồng/tháng. Kinh doanh lỗ lời mặc kệ, mỗi tháng các doanh nghiệp tư nhân này phải chi tiền cho cán bộ quản lý thuế. Vụ việc kéo dài nhiều năm, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân đành ôm bụng đóng tiền. Nhưng lòng tham không đáy, khi nữ cán bộ này yêu cầu doanh nghiệp ứng trước “sở hụi” đến 6 tháng, số tiền lên đến trăm triệu đồng. Có doanh nghiệp mới ra đời, kinh doanh chưa có lời nên xin chậm “cống nộp”, nhưng cán bộ này không chịu. Tức nước vỡ bờ, doanh nghiệp đành tố cáo, sự việc vỡ lở, cán bộ mới bị bắt.

Tương tự, vụ cán bộ Nguyễn Tường Duy, thuộc Đội kiểm soát chống buôn lậu Cục Hải quan TPHCM, cũng bị bắt khi khám xét nhà lúc vị cán bộ này đang đi công tác nước ngoài. Dù đi công tác, nhưng trong nhà vẫn có nhiều phong bì của doanh nghiệp lên đến cả tỷ đồng. Đơn giản là cán bộ này chỉ việc gây khó khăn trong quá trình kiểm soát hàng hóa, nếu doanh nghiệp không chung chi thì hàng hóa của doanh nghiệp sẽ bị đánh giá là “nhạy cảm”, phải chờ kiểm tra và mất chi phí kho bãi và tốn thời gian thông quan. Do vậy, doanh nghiệp buộc phải “đóng hụi chết”. Tại sao một cán bộ bình thường lại có quyền và lộng hành trong thời gian dài như vậy, khi mà quy trình, quy chế khá đầy đủ? Phải chăng có một thứ quyền lực ngầm, có sự bao che lẫn nhau? Và có lẽ, đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp e ngại khi tố cáo…

Hiện các doanh nghiệp đang lo lắng tâm sự với chúng tôi rằng, lâu nay sở dĩ doanh nghiệp ngại tố cáo cán bộ vi phạm, vì hiểu rằng bên trong có sự câu kết của cả lãnh đạo quản lý. Ví dụ cụ thể ở vụ cán bộ hải quan Nguyễn Tường Duy, khi ông này đề xuất nhiều phiếu phối hợp kiểm soát tập trung tại một vài doanh nghiệp thì nhìn cơ cấu phiếu đề xuất phối hợp kiểm tra này, lãnh đạo quản lý đã có thể đặt ra nghi vấn và tiến hành giám sát thuộc cấp mình. Thế nhưng, cách hành xử đó kéo dài khiến cho doanh nghiệp nghĩ rằng phía sau có sự bảo kê của cán bộ lãnh đạo, cùng chia chác. Bởi, mặc dù Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP - người phụ trách trực tiếp đội kiểm soát chống buôn lậu - đã bị công an triệu tập để làm rõ trách nhiệm quản lý, nhưng đến giờ vụ việc có vẻ chìm xuồng. Nếu như vậy, doanh nghiệp có tố cáo xong cũng chỉ xử được “phần ngọn”, còn gốc của vấn đề vẫn thế, khi đó doanh nghiệp đi tố cáo có nguy cơ bị… “phản đòn”, hết cửa làm ăn!

Do vậy, để xử lý triệt để tiêu cực, cần phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu theo chỉ thị của Thủ tướng. Nếu không, các khẩu hiệu hô hào doanh nghiệp chung tay chống tiêu cực sẽ không bao giờ thực hiện được.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục