Xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran

Xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran
  • Tiềm năng hạt nhân Iran

Chương trình hạt nhân của Iran khởi đầu vào thập niên 70 của thế kỷ 20 nhưng bị gián đoạn trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 và gần một thập niên chiến tranh với Iraq. Năm 2002, các nhóm đối lập tố giác và Iran cũng chính thức xác nhận có các thiết bị chế tạo hạt nhân.

Xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran ảnh 1

Nhà máy Natanz chụp từ vệ tinh.

Iran luôn quả quyết đây là chương trình nghiên cứu phục vụ nhu cầu năng lượng của nước này, với mục đích dân sự, hòa bình nhưng Mỹ lại nhất định cho rằng họ có mưu đồ chế tạo bom nguyên tử và lôi kéo các nước gây sức ép đòi nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Từ đó, trên báo chí phương Tây có nhiều thông tin về 4 cơ sở hạt nhân có tiềm năng lớn nhất của nước cộng hòa Hồi giáo này:

Arak: Nằm cách Tehran 150 dặm về hướng Tây Nam, Nhà máy Arak sản xuất nước nặng (D2 O) và có một lò phản ứng hạt nhân nước nặng. Chính phủ Iran quả quyết đây chỉ là nơi chế tạo chất đồng vị phóng xạ dành cho y tế và công nghiệp.

Ngược lại, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Carnegie- CEIP, một tổ chức phi chính phủ, cho rằng khi hoàn thành và đi vào hoạt động, ước tính nhà máy nay có thể sản xuất mỗi năm từ 8 tới 12kg plutonium dùng để chế tạo bom nguyên tử (mỗi quả bom cần khoảng 8kg plutonium).

Busherh: Cơ sở hạt nhân đầu tiên của Iran, ra đời năm 1974. Cơ sở này được khôi phục vào năm 1995, nhờ sự giúp đỡ của Nga. Lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ công suất 1.000 megawatt, đặt tại Busherh nằm trên bờ biển nhìn ra vịnh Ba Tư, ở vùng Tây Nam Iran này dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2006, dùng nhiên liệu do Nga cung cấp với điều kiện thỏa thuận chất thải hạt nhân sẽ được gởi trả lại Nga để xử lý plutonium sau khi đốt xong.

Esfahan: Trước đây được thiết kế để làm một cơ sở nghiên cứu hạt nhân, bây giờ Nhà máy Esfahan là nơi xử lý nhiên liệu cho các nhà máy Arak và Busherh. Nằm ở miền Trung Iran, nó có một lò phản ứng do Pháp giúp thiết kế và một lò do Trung Quốc chế tạo.

Natanz: Nằm ở miền Nam Iran, có một hầm ngầm khổng lồ nằm sâu 25m trong lòng đất, dùng làm nơi tinh luyện uranium 235. Báo chí phương Tây dẫn nguồn của CEIP cho rằng nhà máy này hiện đang có 1.000 máy ly tâm, có thể tạo ra từ 10-12kg nhiên liệu dành cho bom nguyên tử. Nhưng kế hoạch của Iran là khuếch đại lên 54.000 máy ly tâm để có thể sản xuất từ 400-500kg, đủ cho 15-20 đầu đạn hạt nhân/năm.

Bất chấp sức ép mạnh mẽ của các nước mà Iran cho là bất công, tháng 1-2006, Iran gỡ dấu niêm phong của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại nhà máy này, khiến cho sự việc nóng lên, phải đưa ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc xét xử.

  • Khả năng đánh trả của Iran khi bị tấn công

Ngày 26-4-2006, người phát ngôn của Đài Truyền hình Nhà nước Iran trích dẫn phát biểu của giáo chủ Ali Khamenei tại một cuộc họp báo ở Tehran: “Iran sẽ làm tổn hại quyền lợi của Mỹ trên toàn thế giới nếu bị tấn công. Quốc gia Iran sẽ giáng trả gấp hai lần bất kỳ thiệt hại nào mà nước này phải gánh chịu”.

Trước đó Bộ Ngoại giao Mỹ đã từng nói: Phải dùng giải pháp ngoại giao để Iran ngừng vô điều kiện việc tinh luyện uranium, nhưng cũng không loại trừ giải pháp quân sự.

Nhà báo Seymour Hersh của tờ The New Yorker tiết lộ trong tuần trước: Quân đội Mỹ đang lập kế hoạch không kích 400 vị trí then chốt trên toàn lãnh thổ Iran. Quân biệt kích hoạt động nội địa đã mua chuộc được nhiều cộng đồng thiểu số và các phe nhóm đối lập bên trong Iran để tiến hành lật đổ Chính phủ Iran khi quân Mỹ tấn công nước này. Một đòn nội công ngoại kích. Mỹ còn chuẩn bị sử dụng bom hạt nhân xuyên phá hầm ngầm, loại B-61-11 để tấn công nhà máy hạt nhân Natanz.

Cả thế giới hoảng hốt. Giá vàng và dầu thô tăng vọt như tên lửa. Iran hiện đang sản xuất 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Nếu chiến tranh xảy ra, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng, thậm chí còn cao hơn nữa.

Theo Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế – CSIS tại Luân Đôn (Anh): Iran hiện có 540.000 quân hiện dịch và 350.000 quân trừ bị, chưa kể 120.000 vệ binh cách mạng, 1.613 xe tăng hạng nặng, 21.600 xe bọc thép các loại, 3.200 đại pháo, 306 máy bay chiến đấu, 60 trực thăng tấn công, 3 tàu ngầm, 59 tàu chiến và 10 tàu đổ bộ. Tình báo Mỹ ước đoán: trong khoảng năm 1996-1999 Iran nhập khẩu 20 tỷ USD vũ khí hiện đại và 600 triệu USD vũ khí từ năm 2000 đến 2003.

Trong lúc công nhận khả năng bom nguyên tử của Iran chưa trong tầm tay, tức chỉ là những đồn đoán, nghi ngờ thì các giới phân tích phương Tây lại tiếp tục... đoán, cho là kho vũ khí hóa học của Iran thuộc loại lớn nhất trong thế giới thứ ba.

Nhà phân tích quân sự người Hà Lan Michael Eisenstadt, thuộc Viện Nghiên cứu Cận Đông trong báo cáo ngày 13-3-2006 đã viết: “Iran có khả năng sản xuất hàng trăm tấn độc chất hóa học trong một năm, và hiện nay đang nắm trong tay không dưới 2.000 tấn! Phần vũ khí sinh học, Iran có thể phát tán ra khắp thế giới nhờ cảm tử quân hay bình xịt đặt trên máy bay không người lái hoặc tên lửa tầm xa”(?). Đó mới là điều đáng sợ nhất đối với phương Tây.

ĐINH CÔNG THÀNH tổng hợp
 

Tin cùng chuyên mục