Những biến động về giá vàng

Sẽ vượt kỷ lục năm 1980?
Những biến động về giá vàng

Vàng luôn thu hút mọi người ở mọi thời đại do luôn là công cụ chính để bảo vệ tài sản, chống rủi ro khi kinh tế, chính trị biến động... Lần đầu tiên trong 2 thế kỷ qua, châu Á đã trở thành thị trường hàng đầu khi nhu cầu vàng toàn cầu tăng do Trung Quốc và Ấn Độ. Với nhu cầu thế giới ngày càng cao trong lúc nguồn cung lại giảm, thị trường vàng giá lên đã bắt đầu từ hơn 2 năm nay và được cho là sẽ kéo dài trong 10 năm tới.

  • Những mốc đáng chú ý

Những biến động về giá vàng ảnh 1

Giá vàng trung bình hàng năm từ 1900 đến 2005.

Ngày 12-9-1919, thị trường kim loại quý London giao dịch phiên đầu tiên, công bố giá 1 ounce (oz) vàng là 4 bảng 18 shilling 9 penny, tương đương ở thị trường New York là 20,67 USD/oz.

Giá vàng thế giới được giữ bình ổn ở mức 20,67 USD/oz đến năm 1933, khi Tổng thống Roosevelt cấm xuất khẩu vàng, ngưng hoán chuyển đôla Mỹ thành vàng, còn ra lệnh dân Mỹ giao nộp vàng đang sở hữu (những ngăn cấm này mãi đến 31-12-1974 mới kết thúc). Roosevelt muốn thúc đẩy kinh tế Mỹ, đã giành quyền tự định giá vàng và 31-1-1934, giá vàng được tăng lên 35 USD/oz, đô la Mỹ giảm giá gần 40%.

Ngày 3-9-1939, thị trường kim loại quý London đóng cửa khi nổ ra chiến tranh thế giới II. Đến 15 năm sau, 22-3-1954, mới hoạt động lại. Giá vàng vẫn tính bằng bảng nhưng luôn được Ngân hàng Anh quy đổi tương đương 35 USD/oz.

Việc duy trì giá vàng 35 USD/oz ngày càng khó khăn khi thị trường vàng cá nhân phát triển. Từ đầu năm 1961, Ngân hàng Anh nhiều lúc phải bán vàng dự trữ để giữ giá. Do đó dẫn đến thành lập quỹ vàng (Gold Pool), liên minh giữa các Ngân hàng trung ương để giữ giá 35 USD/oz.

Quỹ này hoạt động tốt đến năm 1965, khi nhu cầu vàng cá nhân bắt đầu vượt quá nguồn cung, buộc các Ngân hàng trung ương phải bán vàng dự trữ ra thị trường để bình ổn giá. Năm 1968, cơn sốt mua vàng nổ ra sau chiến cuộc Tết Mậu Thân ở VN đã làm quỹ sụp đổ sau khi mất đến 3.000 tấn vàng bán ra để kềm giá.

Ngày 15-3-1968, 3 ngày sau cơn sốt mua vàng đầu cơ trên, thị trường vàng London đã đóng cửa 2 tuần, đến 1-4 mở cửa lại và định giá vàng bằng đôla Mỹ, không bằng bảng Anh như trước, giá vàng cũng không còn cố định mà thả nổi với 2 lần khớp giá mỗi ngày.

Tháng 8-1971, Tổng thống Nixon hủy bỏ liên kết giữa đôla Mỹ và vàng, dẫn đến thả nổi các đồng tiền thế giới. Giá vàng từ 35 USD/oz đã lên đến 195 USD/oz vào cuối năm 1974.

Từ 1-1-1975, sau 42 năm, người Mỹ lại được phép sở hữu vàng. Dự đoán nhu cầu, Bộ Ngân khố Mỹ và các Ngân hàng trung ương bán ra một lượng lớn vàng, giá giảm còn 103 USD/oz, làm nhiều nhà đầu tư nhỏ khốn đốn.

Ngày 21-1-1980, giá vàng lên cao nhất trong lịch sử: 850 USD/oz ở thị trường London và 875 USD ở thị trường New York. Lý do là khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, giá dầu tăng cao và lạm phát. Tuy nhiên sau đó giá vàng nhanh chóng giảm còn dưới 700 USD/oz.

Sau kỷ lục tháng 1-1980, giá vàng giảm suốt gần 2 thập niên tiếp theo, xuống còn 252,5 USD/oz vào tháng 8-1999. Sau đó lại bắt đầu xu hướng tăng dần và hiện nay, giữa tháng 5-2006, dao động ở mức 700 USD/oz.

  • Cầu vượt cung

Những năm 1970, thị trường vàng giá lên có đủ nguồn cung và các nhà khai thác tăng sản lượng đáp ứng kịp nhu cầu. Còn hiện nay, thị trường vàng giá lên có nhiều yếu tố chính khác biệt lớn: Nhu cầu thế giới tăng vượt cung và Sản lượng vàng toàn cầu có xu hướng giảm.

Từ cuối năm 2005, có xu hướng dịch chuyển tài sản vô hình (trái phiếu, cổ phiếu...) sang tài sản hữu hình (vàng...). Nhu cầu vàng tăng cao, không chỉ ở Mỹ và châu âu, còn ở châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc...), Nga, Trung Đông, Mỹ Latin... Trong 2 thập niên qua, khi một số Ngân hàng trung ương bán bớt vàng dự trữ thì nhiều nước như Nga, Argentina, Nam Phi lại có kế hoạch tăng vàng dự trữ.

Hiện thế giới tiêu thụ mỗi năm nhiều hơn 1.000 tấn vàng so với sản lượng trong khi các nhà khai thác vàng lớn còn giảm sản lượng từ 10%-15% trong năm 2005.

Thị trường vàng giá lên bắt đầu từ hơn 2 năm nay và được cho là sẽ kéo dài trong 10 năm tới, nhu cầu ngày càng cao trong lúc nguồn cung lại giảm.

  • Châu Á: Nhu cầu tăng vọt

Sẽ vượt kỷ lục năm 1980?

Sau khi giá vàng vượt mốc 700 USD/oz, nhiều dự báo cho rằng kỷ lục 850 USD/oz năm 1980 sẽ bị vượt. Theo James Thurtell, nhà chiến lược của Commonwealth Bank, Australia, cuối năm nay giá vàng sẽ qua mức 800 USD/oz. Còn Nick Moore, phân tích viên của ABN Amro, London, thì cho là mức giá 4 chữ số (1.000 USD/oz) cũng sẽ không khó đạt!

Châu Á lần đầu tiên trong 2 thế kỷ qua đã trở thành thị trường hàng đầu khi nhu cầu vàng toàn cầu tăng do Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ, không phải do các nước công nghiệp phát triển.

Dự báo năm 2006 nhu cầu vàng tăng mạnh ở TQ và cả châu á, góp phần đẩy giá vàng lên. Từ đầu tháng 1-2006, khi giá vàng còn mức hơn 500 USD, nhiều nhà tư vấn như IL&FS Investsmart đã kêu gọi các nhà đầu tư châu Á mua vàng vào với dự đoán giá còn tăng.

Hai thế lực kinh tế thế giới mới, chiếm một nửa dân số thế giới, là TQ và ấn Độ, đang phát triển nhanh chóng và thách thức trật tự tiền tệ thế giới hiện nay.

Theo IMF, dự trữ vàng của TQ cỡ 600 tấn (cuối 6-2005), tức khoảng 1,4% dự trữ ngoại hối của nước này, còn rất thấp so với nhiều nước phát triển khác. Dự trữ vàng của TQ được cho là cần đến... 3.000 tấn. Nhiều nhà kinh tế hối thúc TQ tăng dự trữ vàng để thay đổi cơ cấu dự trữ phụ thuộc quá nhiều vào đôla Mỹ, đang có nhiều rủi ro giảm giá.

Theo Cục Ngoại hối TQ, một trong những mục tiêu năm 2006 là “cải tiến hoạt động và quản lý dự trữ ngoại hối, cùng tích cực tìm kiếm nhiều cách hiệu quả hơn để tận dụng tài sản dự trữ”. Điều này được hiểu là sẽ chuyển dự trữ ngoại hối từ đôla Mỹ sang vàng, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ với thị trường vàng thế giới.

THIỆN NGUYỄN
(Theo Steve Saville: “China & Gold)

Trung Quốc & vàng

TQ hiện có dự trữ ngoại hối tương đương 800 tỉ USD và sang đầu năm 2007 ước tính đạt 1.000 tỉ USD. Hãy so sánh, toàn bộ dự trữ vàng được công bố của các Ngân hàng trung ương thế giới vào khoảng 30.000 tấn, tức 530 tỉ USD (giá đầu tháng 2-2006). Tuy nhiên, một nửa số vàng này có thể đã cho vay hoặc hoán đổi để sinh lợi... nên thật sự còn trong các kho ngân hàng chỉ khoảng 15.000 tấn (265 tỉ USD). Nếu TQ chuyển 25% dự trữ ngoại hối sang vàng trong vòng 12 tháng, tổng lượng vàng cần mua sẽ tương đương số vàng thực có trong kho các Ngân hàng trung ương. Cả khi chỉ chuyển 5% dự trữ từ đôla Mỹ sang vàng, TQ cũng sẽ mua hết lượng vàng bằng tổng nguồn cung từ khai thác một năm của cả thế giới.

Rõ ràng, nếu TQ chỉ chuyển một phần nhỏ dự trữ từ đôla Mỹ sang vàng sẽ tác động lớn đến giá vàng, nếu chỉ chuyển 5% dự trữ sang vàng sẽ làm giá vàng tăng gấp 2-3 lần hiện nay. Tuy nhiên, nếu TQ mua vàng nhiều thì lợi tức trái phiếu và giá cổ phiếu sẽ tăng, kinh tế Mỹ sẽ chìm vào suy thoái, sẽ làm giảm mạnh lượng hàng TQ bán cho khách hàng Mỹ, làm TQ bị suy thoái kinh tế, tăng thất nghiệp, sinh bất ổn xã hội... Đó là những điều TQ không muốn, do đó nếu TQ có mua vàng vào cũng sẽ mua từ từ và... không công bố. 

Tin cùng chuyên mục