Ông Kofi Annan và kế hoạch cải tổ Liên hiệp quốc

Ông Kofi Annan và kế hoạch cải tổ Liên hiệp quốc

So với các vị Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) tiền nhiệm, ông Kofi Annan mong muốn để lại dấu ấn rõ rệt hơn bằng kế hoạch cải tổ lại LHQ. Trong 60 năm hoạt động, tổ chức này đã có nhiều đóng góp cho thế giới nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm trong xử lý mọi vấn đề của thế giới do cơ chế đã lạc hậu. Trong phiên họp Đại hội đồng LHQ lần thứ 58 ở New York, tất cả 191 quốc gia thành viên đều nhất trí rằng LHQ đã không hoàn thành sứ mạng của mình và cần phải thay đổi.

Mặc dù kế hoạch cải tổ LHQ của ông Kofi Annan đã bị các thành viên LHQ trong phiên họp cuối tháng 4-2006 bác bỏ nhưng vấn đề cải tổ LHQ còn để ngỏ. Hiện các quốc gia giàu có trong LHQ cho biết chưa đưa ra quyết định cuối cùng mà sẽ đợi các báo cáo chi tiết về kế hoạch vào các tháng 5, 6 và 9.

Một trong những mục đích của chuyến thăm các nước châu Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan) của Tổng thư ký LHQ K. Annan (từ ngày 14-5 và chặng dừng chân tại Việt Nam từ 23 đến 25-5) là nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với kế hoạch cải cách LHQ, trong đó người ta ghi nhận một số điểm tích cực.

  • Giảm bớt chênh lệch quyền lực giữa các nước lớn và nước nhỏ

Ông Kofi Annan và kế hoạch cải tổ Liên hiệp quốc ảnh 1
Tổng thư ký LHQ Kofi Annan nhận bằng tiến sĩ danh dự Đại học Tokyo, Nhật Bản.

Mục đích của cải tổ là nhằm ngăn chặn cái mà ông Annan gọi là một sự gia tăng việc sử dụng vũ lực đơn phương và bất hợp pháp trong tương lai. Ông Kofi Annan đã phản đối cuộc chiến Iraq do Mỹ cầm đầu tấn công một nước có chủ quyền với những lý do rất mập mờ. Ông chủ trương mở rộng Hội đồng Bảo an (HĐBA), đưa vào HĐBA các quốc gia lớn từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin và châu Âu. Ông cũng kêu gọi tăng cường sức mạnh của Đại hội đồng LHQ và các ủy ban kinh tế của LHQ.

Nội dung bản kế hoạch cải tổ dày 63 trang tập trung vào việc mở rộng HĐBA từ 15 lên 24 thành viên, đưa ra phương pháp mới xác định việc phát triển vũ khí hạt nhân, đề xuất việc sử dụng lực lượng quân sự và hành động tấn công phủ đầu nhằm nâng cao vai trò LHQ đối với an ninh và hòa bình thế giới.

Ông Annan mạnh dạn nói lên sự thật rằng, HĐBA hiện nay là thiếu tính pháp lý, đặc biệt trong mắt các nước đang phát triển. Cơ cấu thành viên của HĐBA là lỗi thời và còn nhiều hạn chế, một cơ cấu vẫn còn nặng về phản ảnh tương quan địa chính trị vào thời điểm LHQ được thành lập, cuối thế chiến II. Chỉ có 5 nước, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh và Nga - có ghế thường trực và quyền phủ quyết trong HĐBA, trong khi 186 thành viên LHQ khác phải thay phiên nhau ngồi 10 ghế còn lại, và không thể phủ quyết đối với quyết định của HĐBA.

  • Dân chủ hóa và tăng cường hiệu quả LHQ

Theo kế hoạch của ông Annan, mục tiêu cải tổ LHQ phải là dân chủ hóa mọi hoạt động trong LHQ, tăng cường hơn nữa vai trò và tiếng nói của Đại hội đồng LHQ trong các quyết định của LHQ và nâng cao hiệu quả thiết thực của hoạt động của LHQ. Mục tiêu cải tổ LHQ phải là cải tổ triệt để trong một kế hoạch bao trùm tổng thể mà mấu chốt là cải tổ tổ chức và cơ chế quyền hạn trong HĐBA, đặc biệt là cải tổ quyền phủ quyết của 5 thành viên thường trực hiện tại tránh nguy cơ cải tổ LHQ lâm vào tình trạng “chắp vá, manh mún” và dần dần xa rời định hướng ban đầu.

Có thể nói việc Mỹ đơn phương tiến hành chiến tranh chống Iraq là giọt nước tràn ly, gây chia rẽ và làm suy yếu LHQ. Trong những năm Chiến tranh lạnh, LHQ từng bị chia rẽ nhiều hơn thế nhưng không có quốc gia lớn nào như Mỹ dám qua mặt tổ chức này.

Ông Kofi Annan nói rằng LHQ đang phải đối mặt với một thời kỳ hết sức quan trọng kể từ khi tổ chức này được thành lập năm 1945 và ông đang có kế hoạch để thiết lập một ủy ban gồm những nhân vật có uy tín để xem xét cách giúp LHQ hoạt động có hiệu quả hơn. Một trong những cải tổ LHQ được áp dụng là việc cho ra đời Hội đồng Nhân quyền mới của LHQ, thay thế cho Ủy ban Nhân quyền cũ từng bị chỉ trích lâu nay, nhằm thực hiện kế hoạch cải tổ LHQ để tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này có thể nâng cao hiệu quả hoạt động, đủ khả năng đối phó với những thách thức của thế kỷ 21.

Với việc phân bổ 47 thành viên theo 5 nhóm khu vực, trong đó châu Á và châu Phi cùng có 13 đại diện, Mỹ Latin và vùng Caribbean được 8, Đông Âu - 6, Tây Âu và các quốc gia khác (bao gồm cả Mỹ, Canada và Israel) có 7 đại diện, cơ cấu của Hội đồng Nhân quyền mới tỏ ra có tính công bằng hơn. Đây có thể được coi là một thành công, vì trước đó, quá trình thành lập Hội đồng Nhân quyền mới đã gặp không ít khó khăn, cản trở từ một số nước, đặc biệt là Mỹ.

  • Nâng cao vai trò các nước đang phát triển

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan khẳng định cần coi trọng vai trò các nước đang phát triển , cụ thể rằng ông ủng hộ một nhân vật ở châu Á sẽ trở thành tổng thư ký nhiệm kỳ tới. Theo ông, hiện nay thực lực của châu Á đã lớn mạnh và đã đến lúc châu lục này phải có đại diện lãnh đạo thể chế lớn nhất thế giới này.

Ông Kofi Annan và kế hoạch cải tổ Liên hiệp quốc ảnh 2
Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ hoạt động tại Haiti

Ông Kofi Annan luôn gắn cải tổ LHQ với thực hiện những bước táo bạo chống đói nghèo. Ông nhấn mạnh hàng triệu cuộc sống và hy vọng của nhiều tỷ người trên thế giới phụ thuộc vào việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận đạt được tại các hội nghị LHQ về phát triển, xóa đói nghèo, dịch bệnh, mù chữ và bất bình đẳng.

Ông cũng tìm cách giảm bớt ý đồ của các nước giàu muốn sử dụng sự đóng góp tài chính cho ngân sách của LHQ nhiều hơn các nước đang phát triển làm áp lực và tạo tiền lệ buộc các thành viên khác phải chấp nhận cách thức và tốc độ vận hành, cả mục tiêu cuối cùng của việc cải tổ LHQ nói chung.

Trong quá khứ, Mỹ đã nhiều lần buộc LHQ phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ thì mới chịu thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà Mỹ đã cam kết với LHQ. Mới đây, Nhật Bản đã công khai tuyên bố có thể sẽ xem xét lại phần đóng góp tài chính cho ngân quỹ của LHQ nếu không được chấp nhận là Ủy viên Thường trực mới của HĐBA LHQ sau khi được cải tổ.

Tổng thư ký LHQ Kofi Annan luôn kêu gọi các nước giàu giảm bớt các hàng rào bảo hộ mậu dịch, để tạo cơ hội cho các nước nghèo xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước giàu. Theo ông K.Annan, các nước nghèo phải tìm cách liên kết nhau để tránh bị thua thiệt trong giao thương. Đồng thời ông cũng kêu gọi các nước nghèo nên đẩy mạnh hoạt động trao đổi thương mại khu vực nhằm nâng cao khả năng hội nhập với hệ thống thương mại toàn cầu.

Sau vụ cá ba sa Việt Nam và bông vải của Burkina Faso bị Mỹ đánh thuế cao vì cho rằng bán phá giá, chính Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã khẳng định rằng người nông dân nuôi cá ba sa Việt Nam và nông dân trồng bông của Burkina Faso đã bị chèn ép bởi những hình thức bảo hộ mậu dịch kiểu Mỹ. 

DÂN TRÍ

Tin cùng chuyên mục