Chaebol Hàn Quốc giữ hay bỏ?

Chaebol Hàn Quốc giữ hay bỏ?

Ngày 30-5 vừa qua, ông Kim Woo-choong - nhà sáng lập, cựu Chủ tịch tập đoàn Daewoo - đã bị buộc tội tham ô, gian lận tài chính và bị kết án 10 năm tù giam. Đây là vụ xét xử mới nhất tiếp sau hàng loạt các vụ phanh phui, thẩm vấn những ông trùm các tập đoàn công nghiệp theo kiểu gia tộc - gọi là Chaebol - như Daewoo, Hyundai, Samsung về nhiều vụ việc khuất tất.

  • Những điểm yếu của các Chaebol

Chaebol Hàn Quốc giữ hay bỏ? ảnh 1
Chủ tịch Chaebol Hyundai Chung Mong Koo bị bắt tại Seoul.

Hyundai là Chaebol lớn thứ hai của Hàn Quốc, là nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 7 thế giới về sản lượng và chiếm 70% thị trường xe hơi nội địa. Cũng giống như Samsung, LG, SK... Hyundai là một đại công ty có hàng trăm công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực; có những công ty con là công ty đại chúng mà thương hiệu đã nổi bật trên thị trường chứng khoán như Hyundai Motor, Kia Motor.

Các Chaebol khuyến khích công ty con mua cổ phần của nhau nhằm ngăn cản sự tham gia của nhà đầu tư bên ngoài, từ đó duy trì quyền điều hành các công ty con trong phạm vi của từng Chaebol; Chủ tịch Chaebol thường là chủ tịch của một công ty con nổi bật nhất trong tập đoàn.

Do mô hình tổ chức khép kín của các Chaebol nên hiện tượng chuyển nhượng cổ phần bất hợp pháp diễn ra khá thường xuyên và rất khó phát hiện các gia tộc sáng lập Chaebol lợi dụng điều này để thu lợi bất chính. Một tổ chức dân sự có tên là Đoàn kết nhân dân tham gia dân chủ (PSPD) đã âm thầm điều tra suốt 10 năm qua và phát hiện hơn 70 trường hợp bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 27% các vụ chuyển nhượng cổ phần đã thực hiện ở 64 trong 250 công ty con thuộc 38 Chaebol.

Điển hình là năm 2001, cha con Chủ tịch Hyundai Chung Mong Koo lần lượt thâu tóm 40% và 60% cổ phần của Glovis, công ty vận tải có lãi nhất của Hyundai. Ngay sau đó, họ đã thu được 13,3 tỷ won (13,6 triệu USD) tiền cổ tức; 104,3 triệu USD tiền bán cổ phiếu và 417 triệu USD chênh lệch giá khi Glovis lên sàn chứng khoán. PSPD đã phát hiện hơn 30 vụ chuyển nhượng bất hợp pháp như vậy tại Hyundai, 10 vụ ở Samsung, 3 vụ ở LG...

Ngoài những tiêu cực liên quan đến hối lộ và hoạt động tài chính bất minh, các Chaebol cũng bắt đầu bộc lộ hạn chế trước yêu cầu năng động của thị trường. Các Chaebol được công nhận đã đóng góp lớn trong công cuộc công nghiệp hóa đất nước, các thương hiệu như Samsung, LG, Hyundai đã trở thành niềm tự hào của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, bước vào thời đại toàn cầu hóa, nền kinh tế Hàn Quốc phải chuyển dần từ chế tạo sang dịch vụ có giá trị gia tăng cao, sử dụng có hiệu quả hơn đồng vốn và lao động, từ các đại công ty nặng nề sang các doanh nghiệp nhỏ năng động, từ cung cách quản lý gia tộc khép kín sang các tổ chức toàn cầu, minh bạch và quản lý chuyên nghiệp thì các Chaebol không đáp ứng được. Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn rất thấp, người tài khó có cơ hội phát triển ở các Chaebol, nơi chỉ coi trọng lòng trung thành, quản lý gia trưởng, độc đoán.

Khi các cơ sở sản xuất lớn chuyển dần từ các nước công nghiệp hóa sang Trung Quốc để tận dụng nhân công rẻ và thị trường tiêu thụ khổng lồ, người Hàn Quốc chợt nhận ra rằng họ không có doanh nghiệp dịch vụ nào có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các Chaebol với quy mô to lớn rất khó xoay trở trước tình hình mới. Một tệ hại khác của mô hình Chaebol là cạnh tranh bằng mọi cách, kể cả hối lộ, để giành đặc lợi và chèn ép doanh nghiệp nhỏ.

  • Chính phủ ra tay: giữ hay bỏ?

Một đặc điểm chung rất dễ nhận thấy là đa số Chaebol đều tồn tại và phát triển thông qua hình thức “cống nạp” cho các chính trị gia để giành lấy các đặc quyền, các cơ hội béo bở. Những năm 1960, các doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa Hàn Quốc nên chính phủ đã thực hiện chính sách kinh tế theo hướng phát triển các Chaebol như cho vay ưu đãi, hỗ trợ xuất khẩu… nhưng chính phủ Park Chung Hy lại cho rằng những hạng mục nào có cơ hội phát triển thì phải có khoản tài chính đánh đổi, vì thế các Chaebol ra sức tiến cống, “lại quả” nhằm giữ quan hệ thân mật với nhiều chính trị gia thế lực.

Chaebol Hàn Quốc giữ hay bỏ? ảnh 2
Chủ tịch Chaebol Daewoo Kim Woo- choong bị kết án 10 năm tù giam.

Khi Tổng thống Roh Tae Woo mất chức vì các vụ hối lộ năm 1995, người Hàn Quốc không chỉ kinh hãi vì quy mô và mức độ ăn hối lộ tinh vi của tổng thống mà còn bất ngờ về việc hầu hết các Chaebol đều đóng “hụi chết” cho tổng thống, chỉ riêng Daewoo đã là 32,7 triệu USD.

Do sự lũng đoạn quá mức của các Chaebol đối với nền kinh tế, chính phủ Kim Dae Jung đã bắt tay vào công cuộc cải cách nhằm hạn chế và thay đổi cục diện. Năm 2005 chính phủ đã sửa chữa Luật Công bằng thương mại để hạn chế mức đầu tư của Chaebol. Các vụ bắt giữ, thẩm vấn cha con ông Chủ tịch Hyundai của Tổng thống Roh Moo Hyun vừa qua cũng đã được chuẩn bị từ lâu.

Hồi cuối tháng 3-2006, cảnh sát tiến hành kiểm tra tổng hành dinh Hyundai cùng nhiều công ty con, đến nay có ít nhất 10 quan chức hàng đầu của Hyundai đã bị cấm xuất cảnh. Các cơ quan nghiên cứu Hàn Quốc cũng vào cuộc, nhiều báo cáo, dự án cải tổ Chaebol được đệ trình lên tổng thống. Tạp chí Business Week (Mỹ) số ra tháng 4-2005 cho rằng vụ án điều tra hối lộ Daewoo, Hyundai đã nâng cao hình ảnh một nhà cải cách và chống tham nhũng của ông Roh Moo Hyun.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ hoàn toàn các Chaebol là điều không thể vì ảnh hưởng sâu rộng của nó đối với kinh tế – chính trị – xã hội Hàn Quốc. Chỉ tính riêng năm 2003, tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 Chaebol hàng đầu là Daewoo, Hyundai, LG và SK đã lên đến 111,7 tỷ USD, chiếm 58% tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc, chiếm 1/3 tổng giá trị tư bản của thị trường. Ngoài ra, mối liên kết giữa các Chaebol và nhiều chính trị gia quyền lực từ hàng chục năm qua đã “bén rễ ăn sâu” khó có thể cắt đứt ngay được.

(Tổng hợp từ FT, THX, Reuters)

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục