“Dấu tàng hình” chống hàng giả

“Dấu tàng hình” chống hàng giả

(SGGP 12G).- Nạn làm giả thuốc chữa bệnh ngày càng tăng không chỉ ở các nước đang phát triển mà cả ở châu Âu và Mỹ. Theo Cơ quan Thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA), thuốc giả chiếm tới 10% lượng dược phẩm bán ra trên thế giới. Mới đây, Công ty Alpvision của Thụy Sĩ đã sáng chế một loại “dấu tàng hình” để xác định thuốc thật.

Biết ngay thuốc giả

“Dấu tàng hình” chống hàng giả ảnh 1
Kiểm tra nguồn gốc thuốc bằng máy ảnh kỹ thuật số hoặc máy scanner

Đó là những dấu chấm siêu nhỏ được in lên bao bì thuốc bằng kỹ thuật in thông thường (offset, laser, phun mực...). Chúng không nhìn thấy được bằng mắt, chỉ như những lỗi in. Một máy scanner kỹ thuật số đơn giản cũng phát hiện được những “dấu tàng hình” này nhưng thông tin chứa trong chúng chỉ có thể được giải mã bởi một phần mềm của Alpvision.

“Cách làm của chúng tôi rất đơn giản, rẻ hơn gấp 10 lần so với việc sử dụng loại mực in đặc biệt hay tem hologramme” – theo tiến sĩ Fred Jordan, ông chủ trẻ, người đồng sáng lập Alpvision với tiến sĩ Martin Kutter, cùng xuất thân từ Đại học Bách khoa Thụy Sĩ ở Lausanne.

Alpvision sở hữu 35 chứng nhận quốc tế nhằm bảo vệ bản quyền sáng chế trên và hợp đồng với 50 hãng dược phẩm lớn nhất thế giới. Ưu điểm của phương pháp này, gọi là cryptoglyph (in ẩn), sử dụng kỹ thuật in thông thường, không làm thay đổi mẫu mã các loại bao bì thuốc, lại rất kín đáo – yếu tố quan trọng trong cuộc chiến chống hàng giả. Nhờ loại “dấu ấn” này, người ta có thể xác định được nhanh chóng nguồn gốc của thuốc.

Mở rộng ứng dụng

Ý tưởng nói trên được giới sản xuất, kinh doanh đồng hồ đặc biệt quan tâm. Tuy không thể áp dụng cùng kỹ thuật in “dấu tàng hình” này với các chi tiết đồng hồ hay các loại phụ tùng xe hơi, Alpvision tìm cách phát triển những phương pháp thích hợp để “nhận diện” sản phẩm.

Trong ngành chế tạo đồng hồ, cả khi được sản xuất cùng một sêri, mỗi chiếc đồng hồ đều có đặc điểm duy nhất của nó. Người ta có thể nhận thấy sự khác biệt này thông qua một “mặt cắt” bất kỳ của bộ máy đồng hồ. Khi chiếc đồng hồ xuất xưởng, những hình ảnh về cấu trúc của nó sẽ được lưu giữ. Người mua có thể kiểm tra bằng máy ảnh ở điện thoại di động hay một máy scanner. Những hình ảnh này sẽ được gửi tới bộ phận xử lý cho biết chiếc đồng hồ là thật hay “dỏm”.

“Ý tưởng có vẻ đơn giản nhưng chúng tôi đã mất 2 năm nghiên cứu, ứng dụng toán học để máy tính có thể đánh giá chiếc đồng hồ và cho ra kết quả chỉ trong vòng 10 giây” –Jordan kể. Phương pháp này đang được các nhà chế tạo đồng hồ áp dụng thử nghiệm. Hiện chưa có cách nào thực sự hiệu quả để ngăn nạn kinh doanh đồng hồ giả đang có xu hướng gia tăng. Chỉ riêng ngành sản xuất đồng hồ Thụy Sĩ, thiệt hại do hàng giả ước tính tới 2 tỷ franc/năm.

Kỹ thuật tương tự cũng có thể áp dụng trong các ngành sản xuất phụ tùng xe hơi, ngành đóng tàu, hàng không, sản xuất phụ tùng điện, điện tử... Thậm chí Alpvision còn định tạo “dấu tàng hình” cho cả các loại khuôn mẫu dùng để sản xuất các chi tiết công nghiệp. Mỗi chiếc khuôn cũng có những “đặc điểm nhận dạng” riêng, bảo chứng cho tính xác thực của cả loạt sản phẩm.

NHỊ BÌNH (theo Le Temps)

Tin cùng chuyên mục