Nam Phi: “Vườn cộng đồng” - nơi ươm sự sống

Chỉ cách Cape Town - thành phố giàu có nhất Nam Phi 15 phút đi ô tô, vậy mà cách đây ít năm người dân ở TP phố nhỏ Philippi không có rau mà ăn, chỉ dám ăn bắp và bánh mì, những loại thức ăn rẻ tiền nhất tại TP nghèo này.

Regina Fhiceka và gia đình 5 người chỉ dám ăn rau 1 lần/tuần, còn những ngày khác bắp và bánh mì thay nhau trong thực đơn hàng ngày. Tuy nhiên, cuộc sống của gia đình Fhiceka đã sang một ngã rẽ khác khi cô nắm được thông tin có dự án khuyến khích người dân hợp tác với nhau xây dựng những khu vườn cộng đồng.

Fhiceka cho biết rất nhiều phụ nữ tại Philippi đã có những mảnh vườn riêng ở sau nhà của họ, nơi trồng một số các loại rau phục vụ cho bữa ăn cho gia đình. Với mục đích đó, những người như Fhiceka đã yêu cầu nhà chức trách địa phương phân cho họ những khu đất rộng để thành lập những khu vườn cộng đồng.

Sau khi điền đầy đủ các thông tin vào hồ sơ xin đất, Fhiceka và 5 người phụ nữ khác đã có được một mảnh đất canh tác như ý muốn ở ngoại ô Philippi. Chỉ sau vài tháng, vườn cộng đồng của Fhiceka đã ngập tràn những cà chua, cải bắp, cà rốt…

Không chỉ cung cấp đủ cho cuộc sống hàng ngày, “Fhiceka và những người bạn” còn bán ra thị trường những mặt hàng nông sản sạch của mình. Trước những thành công ban đầu của vườn cộng đồng, rất nhiều người dân tại TP Philippi đã học tập theo mô hình của Fhiceka.

Còn ở Cape Town, những người như Fhiceka được trợ giúp đắc lực bởi thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa chính quyền TP Cape Town và Hiệp hội Phát triển thành phố Đông và Nam Phi (MDP-ESA).

MDP-ESA là tổ chức hỗ trợ các TP trên toàn cầu phát triển và mở rộng những dự án nông nghiệp tại TP thông qua chương trình “Nông trang tại thành thị cho tương lai”.

Trong 5 năm tới, những “nông dân thành thị” ở Philippi sẽ được chính quyền TP hỗ trợ về đất, về phương pháp gieo trồng và cả thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, ý nghĩa của vườn cộng đồng không dừng lại ở đảm bảo an ninh lương thực cho người dân.

Những dự án như ở Philippi đã đem lại lợi ích to lớn khi những khoản thu từ rau quả giúp những người dân ở đây chăm sóc được sức khỏe của mình và giúp đỡ những người lớn tuổi không nơi nương tựa.

Những khu vườn cộng đồng cũng là nơi để những người mang trong mình virus HIV xóa bỏ mặc cảm, hòa nhập với những người xung quanh và có những khoản thu nhập nho nhỏ để kéo dài sự sống.

Theo Stanley Visser, người đứng đầu của Cơ quan phát triển của TP Cape Town, giá lương thực tăng cao trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến những người dân tại Philippi.

Đa phần những người dân ở đây phải đánh vật với bữa ăn hàng ngày bởi họ đều là những dân nghèo xuất thân từ những vùng nông thôn. Hơn 80% dân số không có bất cứ một nguồn thu nhập nào.

Những khu vườn cộng đồng đã giúp những người dân rất nhiều trong cuộc sống, cung cấp cho họ thực phẩm và cả những kỹ năng sống để tồn tại tại thành phố.

Ngoài ra, vườn cộng đồng còn giúp người dân có ý thức bảo vệ môi trường khi họ biết cách sử dụng nước thải trong sinh hoạt hàng ngày vào việc tưới bón cho cây trồng. 

ANH VĂN (Theo IPS)

Tin cùng chuyên mục